Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Hướng tới nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động

- Thứ Ba, 11/06/2019, 07:55 - Chia sẻ
Trực tiếp lắng nghe những ý kiến thảo luận của ĐBQH tại Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sáng qua, 10.6, đại diện Thường trực HĐND một số địa phương nhấn mạnh, chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế là yêu cầu cấp thiết, nhưng phải hướng tới mục đích cao nhất là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy. Bên cạnh đó, việc ủy quyền cho Thường trực HĐND cấp tỉnh giải quyết các công việc phát sinh giữa hai kỳ họp là cần thiết, tuy nhiên, cần quy định “rõ việc, rõ trách nhiệm”.

Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau TRẦN VĂN HIỆN: Nên ủy quyền nhưng cần rõ việc, rõ trách nhiệm

Qua thảo luận, các ĐBQH đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc về những vấn đề còn bất cập trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành và Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của luật này. Tôi thấy rất phấn khởi vì QH đã lắng nghe những phản ánh, tâm tư, nguyện vọng của chính quyền các địa phương để đưa luật ra bàn thảo, để có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tiễn. Ý kiến của các ĐBQH xoay quanh các vấn đề về phân cấp, phân quyền, ủy quyền, giao quyền giữa Trung ương và địa phương, giữa địa phương với các bộ, ngành chưa có sự rõ ràng; vấn đề vai trò, trách nhiệm của Thường trực HĐND trong xử lý các công việc phát sinh giữa hai kỳ họp; vấn đề về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương từ cấp tỉnh, huyện đến xã. Đó cũng chính là những vấn đề mà sau 3 năm thực hiện luật, các địa phương gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng trong việc thực thi, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.


Ảnh: Đào Cảnh

Trong thực tiễn áp dụng luật, việc giải quyết những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh là một trong những vướng mắc lớn nhất và có nhiều văn bản của Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Chúng tôi cho rằng đây là một nội dung cần phải được bàn bạc kỹ lưỡng để có bổ sung, sửa đổi trong Luật cho phù hợp. Thực tế, hiện nay có 3 nhóm việc không được ủy quyền cho Thường trực HĐND mà phải thông qua HĐND, đó là: Ngân sách và vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia; phân bổ vốn đầu tư trung hạn; giải phóng mặt bằng thu hồi đất. Bên cạnh đó, có rất nhiều công việc khác liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đòi hỏi phải quyết định kịp thời thì Thường trực HĐND tỉnh tham gia biểu quyết, sau đó báo cáo lại với HĐND tại kỳ họp gần nhất.

Do đó, tôi cho rằng, việc ủy quyền cho Thường trực HĐND cấp tỉnh giải quyết công việc giữa hai kỳ họp là cần thiết để bảo đảm thực hiện kịp thời các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, cần quy định “rõ việc, rõ trách nhiệm”, những việc nào Thường trực HĐND được phép và không được phép quyết định và sau khi quyết định thì chịu trách nhiệm như thế nào?

Trong Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho rằng, cần bớt 1 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, tôi cho rằng điều này không phù hợp mà nên giữ nguyên 2 Phó Chủ tịch như luật hiện hành. Bởi, công việc của HĐND tỉnh có khối lượng rất lớn, nếu chỉ có Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch thì không thể xử lý hết được. Đối với cấp huyện, đề xuất 1 Phó Chủ tịch HĐND là hoàn toàn phù hợp. Trong thực tiễn hoạt động của các Ban HĐND từ cấp tỉnh đến xã, tôi thấy rằng, nếu Trưởng ban và Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách thì sẽ đạt hiệu quả nhất. Để tăng quyền lực của cơ quan dân cử, các Ban phải mạnh mới có thể nghiên cứu kỹ lưỡng văn bản và giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ quan UBND, kiểm soát và xem xét quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương đúng đắn nhất. Bên cạnh đó, tôi cho rằng cần tiến tới giảm số lượng đại biểu HĐND, giảm tỷ lệ đại biểu HĐND làm việc trong cơ quan nhà nước và tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách. Nếu Luật điều chỉnh theo hướng như vậy sẽ góp phần đưa quyền lực cơ quan dân cử ở địa phương đi vào thực chất hơn nữa.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình NGUYỄN THỊ THANH HƯƠNG: Đề nghị giữ nguyên số đại biểu chuyên trách

Tôi đánh giá cao ý kiến phát biểu của các ĐBQH trong phiên thảo luận về sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hôm qua. Đó là những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết, sát với thực tiễn và phù hợp về mặt lý luận về tổ chức và hoạt động của HĐND. Bên cạnh đó, tôi cũng đồng tình cao với việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy tinh giản biên chế và nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy nhà nước.


Ảnh: Diệp Anh

Thực tế, tổ chức và hoạt động của HĐND theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay nhằm bảo đảm hoạt động của HĐND tương xứng với chức năng, nhiệm vụ và địa vị pháp lý của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Đó là sự thay đổi về lượng so với Luật Tổ chức HĐND và UBND trước đây để bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động HĐND. Do vậy, tôi đề nghị giữ nguyên số lượng 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện; không quá 2 Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh như quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành… Điều này cũng đồng nghĩa với việc giữ nguyên số lượng đại biểu chuyên trách ở cơ quan HĐND, để nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động. Chính vì điều đó, QH đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.

Mặt khác, tôi cũng đề nghị nên đưa vào nội dung của Luật sửa đổi việc giao cho Thường trực HĐND xem xét, quyết định một số vấn đề cụ thể để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp. Nội dung này khi đưa vào sẽ bảo đảm tính thống nhất giữa luật Tổ chức chính quyền địa phương với một số luật chuyên ngành khác.

Điều tôi băn khoăn nhất là việc hợp nhập 3 văn phòng: Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND sẽ khó khăn cho công tác tham mưu hoạt động của mỗi bên. Một cơ quan vừa tham mưu cho việc thực thi pháp luật, vừa tham mưu cho giám sát thực thi pháp luật thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi sự chồng chéo và giảm hiệu lực của một trong hai chức năng nên điều đó phải hết sức thận trọng. Nếu sáp nhập, phải có những quy định thật cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm của Chánh văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng của Văn phòng sau khi hợp nhất. Đây là vấn đề cần được xem xét một cách kỹ lưỡng. Theo tôi, hợp lý nhất vẫn là sát nhập Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước PHẠM CÔNG: Cần giao quyền cho Thường trực HĐND rõ ràng hơn

Tôi đánh giá cao không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ của phiên thảo luận cũng như rất tâm đắc với những góp ý, đề xuất thiết thực của các đại biểu. Qua các phát biểu có thể rất rõ các đại biểu đã nắm rất chắc các vấn đề giữa lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến phát biểu rất khác nhau, không đồng nhất. Điều này rất khó cho cơ quan chủ trì soạn thảo luật. Từ thực tiễn đặt ra, tôi mong muốn QH quan tâm đến các vấn đề sau: 


Ảnh: Nguyễn Ánh

Thứ nhất: Khoản 1, Điều 23 Luật Tổ chức Chính phủ, bên cạnh việc quy định “cứng” về cơ quan chuyên môn của UBND thì về “phần mềm” cũng cần phải ban hành hướng dẫn cụ thể để không xảy ra tình trạng 63 tỉnh, thành sẽ “mỗi nơi làm không cách”. Phải có sự hướng dẫn thống nhất cho các địa phương dựa trên tình hình cụ thể, đặc điểm cụ thể để để vận hành bộ máy đó.

Thứ hai: Tôi đồng tình quan điểm HĐND cấp tỉnh nên có hai Phó Chủ tịch, HĐND cấp huyện 1 Phó Chủ tịch HĐND.

Thứ ba: Đối với vấn đề thẩm quyền của Thường trực HĐND trong giải quyết những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp. Theo tôi, cần giao quyền cho Thường trực HĐND một cách rõ ràng hơn. Bởi, mọi vấn đề quan trọng của địa phương đều đợi đến kỳ họp mới đưa ra quyết định thì sẽ bỏ mất thời cơ. Nên giao quyền và quy định rõ trách nhiệm cho Thường trực HĐND phải báo cáo với HĐND tại kỳ họp gần nhất những vấn đề mà mình đã giải quyết. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND cũng phải lường trước những tình huống phát sinh như khi Thường trực HĐND giải quyết và báo cáo tại kỳ họp gần nhất nhưng HĐND bác bỏ thì sẽ có phương án nào? Theo tôi, cần phải xem xét vấn đề này một cách kỹ lưỡng, thận trọng, giao quyền nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc Thường trực HĐND tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình chứ “không làm thay”. 

Thứ tư, Thường trực HĐND cấp xã nên tính thêm hai Trưởng ban để tăng tính thực chất và tăng sức mạnh trong hoạt động.

 Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế CÁI VĨNH TUẤN: Đề nghị cơ quan soạn thảo lắng nghe ý kiến các địa phương bằng tinh thần cầu thị

Theo dõi phiên thảo luận, tôi thấy nhiều đại biểu tâm huyết, phát biểu sâu trên cơ sở am hiểu thực tế địa phương. Mục tiêu của phiên thảo luận này là để chúng ta cùng tìm ra những quan điểm chung, những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm sửa đổi một Dự án Luật có vai trò quan trọng sao cho phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn. Lắng nghe các ý kiến tâm huyết, phần tiếp thu, giải trình của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, theo quan điểm của tôi, quá trình sửa đổi Luật chúng ta nên căn cứ vào các yếu tố sau: Một là, về cơ sở pháp lý, Điều 113 Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Đây là một nội dung cực kỳ quan trọng. Thế nào gọi là cơ quan quyền lực? Theo tôi hiểu, cơ quan quyền lực phải có những cơ sở pháp lý để thể hiện tính thực quyền của mình. Hai là, về bố trí con người, phải tính toán con người nằm trong HĐND gồm những ai, cơ cấu ra sao, hoạt động như thế nào? Ba là, là vai trò, tổ chức của bộ phận tham mưu, giúp việc. Đạt được ba yếu tố này tạo thành khối sức mạnh để HĐND có thể thực thi các nhiệm vụ theo luật định.


Hiện nay, trong sắp xếp tinh gọn bộ máy, sắp xếp biên chế chúng ta đang hướng đến các yếu tố: Tinh gọn, hợp lý, hiệu lực và hiệu quả. Quan điểm này hết sức đúng đắn, tuy nhiên, phải thực hiện làm sao cho thật hài hòa. Tuyệt đối không tổ chức sắp xếp bộ máy theo cách cơ học mà bỏ qua tính đến hiệu lực, hiệu quả. Trên cơ sở như vậy, tôi xin đề xuất một số nhóm vấn đề sau để chúng ta cùng tập trung tháo gỡ.

Thứ nhất, nếu nói giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND để phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế là không chính xác. Ở các địa phương hiện nay, hầu hết chức danh Chủ tịch HĐND do Bí thư kiêm nhiệm. Còn lại một Phó Chủ tịch Thường trực và một Phó Chủ tịch HĐND phụ trách công việc thường xuyên. Như vậy, so với quy định trước đây, số lượng biên chế không tăng và vấn đề thực hiện nhiệm vụ theo Luật định của HĐND cơ bản đáp ứng yêu cầu khi khối lượng công việc phát sinh ngày một nhiều. Nếu quy định theo hướng giảm một Phó Chủ tịch HĐND, theo tôi sẽ hoàn toàn bất hợp lý.

Thứ hai, theo quy định tại Điều 104, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Thường trực HĐND được giao 10 nhiệm vụ. Đặc biệt, các vấn đề thuộc thẩm quyền xử lý của HĐND phát sinh giữa 2 kỳ họp lại vô cùng lớn. Trước đây, UBTVQH có một công văn thống nhất để cho Thường trực HĐND giải quyết và báo cáo với HĐND tại kỳ họp gần nhất thì rất thuận lợi. Nhưng hiện nay, thực hiện theo Nghị quyết 629 của UBTVQH thì thẩm quyền đó gần như không còn. Thực tế cho thấy, hiện nay, gần như tháng nào HĐND tỉnh cũng phải tổ chức kỳ họp bất thường, mà trình tự, thủ tục để tổ chức một kỳ họp bất thường không hề đơn giản. Dẫu thủ tục, trình tự phức tạp nhưng bắt buộc phải tổ chức kỳ họp bất thường vì có nhiều nội dung quan trọng đối với sự phát triển của địa phương chờ đến kỳ họp thường niên thì chậm trễ. Chính vì vậy, nghiên cứu Dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi) tôi thống nhất với việc bổ sung một khoản trong Điều 104, quy định Thường trực HĐND thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do các luật liên quan quy định. Đồng thời, bổ sung  một ý, Thường trực HĐND thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do HĐND ủy quyền và phải báo cáo, chịu trách nhiệm trước HĐND. Quy định như vậy, chúng ta hoàn toàn không lo Thường trực lợi dụng kẽ hở để làm sai.

Trong quá trình sửa đổi Luật lần này, vấn đề cơ quan tham mưu, giúp việc, cũng khiến tôi hết sức trăn trở. Hiện nay, chúng ta đang thí điểm, hợp nhất ba cơ quan tham mưu, giúp việc của HĐND, UBND và Đoàn ĐBQH vào một. Quá trình thực hiện hợp nhất cho thấy phát sinh rất nhiều bất ổn. Việc hợp nhất đang được thực hiện hết sức cơ học. Bởi tiếng là một cơ quan tham mưu, giúp việc chung nhưng ở nhiều địa phương, mỗi bộ phận phục vụ đều có tài khoản riêng, việc ai nấy làm. Như vậy, điều quan trọng nhất chúng ta hướng đến khi tiến hành hợp nhất là kiểm soát quyền lực đã không như kỳ vọng. Theo tôi, một cơ quan vừa tham mưu, giúp việc cho HĐND, Đoàn ĐBQH; vừa tham mưu, giúp việc cho UBND là hoàn toàn không khách quan. Nên chăng, khi sáp nhập, chúng ta phải xem xét đến tính đến sự tương đồng về mặt chức năng, nhiệm vụ.

Trong quá trình lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, các địa phương đã tham gia rất nhiều. Tuy nhiên, những gì thể hiện ở Dự thảo trình kỳ họp QH lần này rất ít nội dung được cơ quan soạn thảo ghi nhận, tiếp thu, chỉnh lý. Ở góc độ địa phương, chúng tôi đề nghị Bộ Nội vụ (cơ quan phụ trách xây dựng Dự thảo) nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của địa phương với tinh thần cầu thị, vì sự phát triển chung, không được bảo thủ. Sửa đổi Luật phải bảo đảm tính thực tiễn, ổn định, phù hợp với quá trình phát triển của địa phương. Mục tiêu hướng đến cao nhất làm thế nào để bộ máy của chính quyền địa phương ngày càng hiệu lực và hiệu quả.

MẠNH TUÂN ghi

ĐÀO CẢNH - DIỆP ANH - BÁCH HỢP ghi