Kinh nghiệm của EU trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Hướng tới mô hình cấp quốc gia và liên minh

- Chủ Nhật, 15/09/2019, 08:31 - Chia sẻ
Bên cạnh các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn, EC đã phối hợp với Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) và các nước thành viên EU, nhằm phát triển khung giám sát tiến độ chuyển đổi nhằm hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn ở cả cấp quốc gia và Liên minh.

Xác định chỉ số đánh giá theo từng giai đoạn

Giám sát tiến trình hướng tới nền kinh tế tuần hoàn là nhiệm vụ đầy thách thức. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn không giới hạn ở một số vật liệu hay lĩnh vực nhất định mà là thay đổi mang tính hệ thống, có ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế và liên quan đến tất cả các sản phẩm, dịch vụ.

Lý tưởng nhất, các chỉ số cần chủ yếu nắm bắt xu hướng trong việc bảo tồn giá trị kinh tế của sản phẩm, vật liệu và tài nguyên cũng như xu hướng phát sinh chất thải. Cũng giống như không có một chỉ số nào được công nhận toàn cầu về tính tuần hoàn, các chỉ số mạnh mẽ sẵn có nhằm mô tả các xu hướng phù hợp nhất đang bị thiếu hụt. Với thước đo hoặc điểm số duy nhất, sẽ khó có thể nắm bắt một cách thích hợp sự phức tạp và đa khía cạnh của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.

Chính vì vậy, EC đã đề ra bộ 10 chỉ số đánh giá cho Khung giám sát, được nhóm thành 4 giai đoạn và các khía cạnh của nền kinh tế tuần hoàn: Sản xuất và tiêu thụ, quản lý chất thải, nguyên liệu thứ cấp, năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo. Điều này bám sát logic và cấu trúc của Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn.

10 chỉ số của khung giám sát cung cấp bức tranh rộng lớn về các yếu tố đòn bẩy chính nhằm tăng tính tuần hoàn của nền kinh tế EU. Mặc dù sẽ mất một thời gian trước khi kết quả của các hành động đối với nền kinh tế tuần hoàn được hiển thị trong các số liệu thống kê, việc bắt đầu bằng cách thiết lập đường cơ sở được xem là rất có ý nghĩa. Điều này sẽ giúp theo dõi sự phát triển trong tương lai và thông báo các quy trình hoạch định chính sách.

Bên cạnh đó, EC cũng tiếp tục cải thiện cơ sở tri thức và dữ liệu sẵn có, nhằm đo lường tiến bộ trong nền kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, EC đang tiếp tục phát triển các phương pháp và bộ sưu tập dữ liệu có thể được sử dụng cho các chỉ số về mua sắm công xanh và chất thải thực phẩm, nhằm xuất bản dữ liệu trong những năm tới. Trong khi đó, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) đang đưa ra một số ước tính tạm thời về chất thải thực phẩm.

Là một phần của Gói Kinh tế tuần hoàn 2015 và những nỗ lực rộng lớn hơn nhằm cải thiện chất lượng thống kê chất thải của EU, EC đã đề xuất hài hòa các phương pháp tính toán tỷ lệ tái chế đối với chất thải đô thị và chất thải bao bì. Sau khi được Hội đồng và Nghị viện châu Âu thông qua và được thực hiện bởi các quốc gia thành viên, những đề xuất này sẽ mang lại những thống kê đáng tin cậy và có thể so sánh hơn.

Thông qua chương trình Horizon 2020, EC đầu tư cho các dự án nghiên cứu nhằm cung cấp dữ liệu tốt hơn để bổ sung cho số liệu thống kê chính thức, đặc biệt thông qua hệ thống thông tin nguyên liệu thô của EU.

Những kết quả tích cực  

Tính đến tháng 1.2019, hơn 90% biện pháp trong Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn của EU được thực thi. EC cũng cho biết, sẽ thực thi Kế hoạch hành động đầy đủ trong năm 2019. Mặc dù quá trình triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn nhưng các biện pháp trong Kế hoạch hành động Kinh tế tuần hoàn của EU được triển khai đã mang lại những kết quả tích cực.

Theo báo cáo giám sát của EC về tình hình triển khai Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn, được công bố tháng 4.2019, quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế này đã giúp đưa EU trở lại “quỹ đạo” tạo việc làm. Cụ thể, những khu vực liên quan tới kinh tế tuần hoàn đã tạo việc làm cho hơn 4 triệu lao động ở EU năm 2016, tăng 6% so với năm 2012. Chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn cũng giúp mở ra nhiều cơ hội kinh doanh, tạo ra các mô hình kinh doanh mới và phát triển thị trường mới ở cả trong và ngoài EU. Năm 2016, các hoạt động trong nền kinh tế tuần hoàn như sửa chữa, tái sử dụng hoặc tái chế đã tạo ra gần 147 tỷ euro giá trị gia tăng, trong khi thu hút đầu tư trị giá khoảng 17,5 tỷ euro cho EU.

Cùng với đó, tái chế rác thải đô thị ở châu Âu trong giai đoạn 2008 - 2016 cũng tăng lên. Sự đóng góp của vật liệu tái chế cho nhu cầu nguyên vật liệu ở khu vực này cũng không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, nguyên liệu được tái chế hiện vẫn chỉ đáp ứng chưa tới 12% nhu cầu về nguyên vật liệu của EU. Điều này cho thấy, còn nhiều dư địa và tiềm năng để thực thi đầy đủ mô hình kinh tế tuần hoàn ở EU, cũng như nhân rộng mô hình này ra thế giới.

Đối với việc tái chế chất thải điện và thiết bị điện tử (WEEE), dữ liệu cho thấy, mức độ thu gom và tái chế thay đổi đáng kể giữa các quốc gia thành viên EU; đồng thời, cho thấy tiềm năng lớn để cải thiện hiệu quả tài nguyên và giảm thu gom, xử lý và vận chuyển bất hợp pháp. Năm 2015, chỉ có bốn quốc gia thành viên tái chế hơn một nửa số thiết bị điện và điện tử đã được đưa ra thị trường.

Đối với phế liệu trong hoạt động xây dựng và phá dỡ, 20 quốc gia thành viên đã báo cáo đạt được mục tiêu thu hồi 70% đặt ra cho năm 2020. Phế liệu xây dựng là dòng chất thải lớn nhất ở EU. Do đó, đây được xem là dấu hiệu tích cực.

Ngọc Khánh