TP Hồ Chí Minh:

Hướng tới đốt rác phát điện

- Thứ Ba, 05/11/2019, 12:29 - Chia sẻ
Hai nhà máy đốt rác phát điện vừa được khởi công trong quý III.2019 với công suất lên tới 4.000 tấn rác/ngày đang là niềm hy vọng của câu chuyện xử lý rác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiện phần lớn lượng rác thải trên địa bàn đều không được phân loại. Thực tế này sẽ gây khó cho hoạt động của các nhà máy xử lý rác thải phát điện khi đi vào hoạt động.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, rác thải thực sự là một tài nguyên chứ không hề là gánh nặng cho ngân sách. Đơn cử như ở Thụy Điển: 52% lượng rác thải được đốt để sản xuất nhiệt, điện; 47% được tái chế và chỉ 1% rác thải phải chôn lấp.

Sẽ có 4 nhà máy đốt rác phát điện

Trong 2 tháng liên tiếp, TP Hồ Chí Minh đã chính thức khởi công 2 nhà máy xử lý đốt rác phát điện. Cụ thể, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện thuộc Công ty CP Vietstar với công suất giai đoạn 1 là 2.000 tấn rác/ngày. Nhà máy thuộc Công ty CP Tâm Sinh Nghĩa với tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng. Công suất xử lý rác thải của nhà máy này giai đoạn 1 là 2.000 tấn rác/ngày, công suất phát điện 40MW/ngày. Hiện công ty CP Tâm Sinh Nghĩa cũng có tham vọng nâng công suất xử lý rác của nhà máy lên 5.000 tấn rác/ngày trong thời gian tới, nếu thành phố có nhu cầu.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng, thành phố sẽ có thêm 2 nhà máy đốt rác phát điện dự kiến sẽ khởi công, động thổ trong năm 2019 là của Công ty Tasco và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh đầu tư, với tổng công suất xử lý 3.000 tấn rác/ngày. Như vậy, cơ bản những dự án xử lý rác tại Khu liên hiệp xử lý rác Phước Hiệp, huyện Củ Chi sẽ chuyển đổi sang công nghệ xử lý rác hiện đại là đốt phát điện, giảm diện tích đất sử dụng cho chôn lấp cũng như không phát sinh nước rỉ rác, ngăn chặn nguy cơ gây ô nhiễm thứ phát cho khu dân cư.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, với tổng công suất xử lý đốt rác phát điện khoảng 7.000 tấn rác/ngày, so với lượng rác phát sinh là 9.000 tấn hiện nay và 12.000 tấn vào năm 2020 thì công suất xử lý đốt rác phát điện là quá thấp. Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, theo Nghị quyết 03 của HĐND TP Hồ Chí Minh về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố, xác định đến năm 2020, tỷ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tối đa là 50%. Con số này đến năm 2025 chỉ còn 20%. Trên cơ sở mục tiêu này và dựa vào thực tế công suất xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện mà các nhà máy đã và sẽ khởi công trong năm 2019 ước đạt khoảng 7.000 tấn, thì bảo đảm thực hiện được mục tiêu đề ra vào năm 2020.

Riêng với Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam, đang xử lý 9.000 tấn rác thải sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp. Đây là đơn vị tiếp nhận và xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp lớn nhất thành phố hiện nay và căn cứ theo hợp đồng giao nhận rác giữa thành phố và công ty, thì thời hạn mà thành phố giao rác cho đơn vị này kéo dài đến năm 2024. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với công ty này và đề nghị nhanh chóng đầu tư nhà máy đốt rác phát điện để chuyển đổi xử lý 2.000 tấn/9.000 tấn rác đang chôn lấp sang đốt phát điện. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cũng khẳng định, việc xử lý rác bằng biện pháp chôn lấp đã không còn phù hợp, nhất là khi diện tích đất của thành phố ngày càng khan hiếm, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao.


Hướng tới đốt rác phát điện

Chú trọng phân loại rác tại nguồn

Theo nhiều chuyên gia, vấn đề lớn đặt ra đầu tiên khi thành phố hướng tới đốt rác phát phát điện là cần phân loại rác tại nguồn. Đây là trách nhiệm của mỗi người dân. Đến nay, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại TP Hồ Chí Minh vì nhiều lý do vẫn dừng lại ở mức độ thí điểm, chưa thể triển khai đồng loạt.

Có thể thấy điểm chung của những quốc gia xử lý rác hiệu quả đều xuất phát từ ý thức của người dân qua sự tự giác và tinh thần trách nhiệm cao với việc phân loại rác. Xúc tiến cho các nhà máy đốt rác, tái chế rác là chuyện của Nhà nước, nhưng phân loại rác là chuyện của mỗi nhà, mỗi người. Nếu không có sự thay đổi từ người dân, dù công nghệ xử lý rác có hiện đại bao nhiêu cũng khó phát huy tối đa tác dụng và khó tiết kiệm kinh phí xử lý rác.

Các chuyên gia cũng khẳng định, nếu rác thải thu gom chưa được phân loại nên sẽ gây khó cho hoạt động của các nhà máy xử lý rác khi đi vào hoạt động. Liên quan đến vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã và đang đề xuất với thành phố một giải pháp xử lý khả thi. Theo đó, dựa vào công nghệ đốt phát điện mà các doanh nghiệp sẽ đầu tư thì rác thải không cần phân thành nhiều loại, cơ bản chỉ cần phân thành 2 loại: rác tái chế và rác còn lại.

Việc tuyên truyền và thu gom sẽ giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh thực hiện. Trên cơ sở đó, Công ty sẽ kết hợp chính quyền địa phương, ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội vận động tuyên truyền người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn. Kế đến, thiết kế lịch trình thu gom rác tái chế phù hợp với các khu dân cư. Phần rác còn lại vẫn do các đơn vị dịch vụ công ích quận huyện, các lực lượng thu gom rác dân lập duy trì thu gom như cũ. Việc này giúp tăng hiệu quả phân loại rác tại nguồn trong các hộ gia đình nhưng cũng không làm xáo trộn hoạt động thu gom rác hiện nay của thành phố.

Lan Chi