Trung Quốc thông qua Pháp lệnh mật mã học

Hướng tới đồng nhân dân tệ kỹ thuật số

- Thứ Hai, 28/10/2019, 08:16 - Chia sẻ
Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân (Quốc hội) Trung Quốc vừa thông qua Pháp lệnh về mật mã học, sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2020. Động thái này được đưa ra chỉ sau một ngày Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi Trung Quốc nhanh chóng nắm bắt cơ hội trong công nghệ chuỗi (blockchain).

Giải quyết thách thức pháp lý

Trong khi Trung Quốc vẫn cấm giao dịch tiền mã hóa và đồng tiền kỹ thuật số quốc gia chưa thành hiện thực, mật mã học - nền tảng không thể thiếu của công nghệ blockchain, có thể là chìa khóa để đất nước gấu trúc đẩy mạnh cạnh tranh.

Pháp lệnh mới nhằm giải quyết các thách thức pháp lý trong nhiều trường hợp sử dụng mật mã thương mại vì chúng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, thúc đẩy sự phát triển ổn định và mạnh mẽ lĩnh vực mật mã học cũng như bảo đảm tính hiệu quả của hệ thống an ninh mạng Trung Quốc. Khi văn bản trên vẫn còn là dự thảo, nhiều đề xuất đã được đưa ra, yêu cầu phải có các hướng dẫn và quy định rõ ràng nhằm đánh giá các công nghệ mật mã thương mại được sử dụng trong những lĩnh vực quan trọng liên quan đến lợi ích quốc gia, vì hệ thống lỏng lẻo hiện tại không còn phù hợp.


Vì vậy, theo Quốc hội Trung Quốc, pháp lệnh sẽ khuyến khích nghiên cứu và phát triển các công nghệ mật mã thương mại, đồng thời xây dựng một hệ thống điều tiết tiêu chuẩn hóa bao trùm cho thị trường. Thực tế, mật mã thương mại thường được áp dụng cho các ngân hàng điện tử hay các công cụ thanh toán, giúp bảo đảm độ an toàn thông tin khách hàng, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, ngăn chặn các hành vi đánh cắp hoặc làm sai lệch thông tin cá nhân.

Với các quy định mới, việc phát triển các dự án mật mã, thuật toán hashing và thậm chí sử dụng công nghệ phải tuân theo luật pháp, tuân thủ các tiêu chuẩn do Chính phủ đặt ra. Ngoài ra, pháp lệnh còn đề cập đến mức độ tương thích của các tiêu chuẩn trong nước với nhiều hệ thống mật mã quốc tế khác. Chưa hết, các nỗ lực tăng cường giáo dục trên toàn quốc cũng sẽ được đẩy mạnh như tổ chức các triển lãm công cộng để tăng cường trang bị kiến thức mật mã giữa các quan chức Chính phủ, các công ty và nhóm xã hội.

Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, công nghệ blockchain có rất nhiều ứng dụng, vì vậy Trung Quốc “phải coi blockchain là một bước đột phá quan trọng để đổi mới các công nghệ cốt lõi”, “tăng đầu tư, đẩy nhanh sự phát triển của công nghệ blockchain và đổi mới công nghiệp”. Ông nói thêm, hệ thống pháp luật cũng cần củng cố để quản lý tốt các hệ thống blockchain hiện tại và tương lai.

Ấp ủ đồng tiền kỹ thuật số quốc gia

Trên thực tế, Trung Quốc đang có những bước tiến lớn nhằm vượt lên Mỹ trong lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính) mới nổi gồm blockchain và tiền điện tử. Mặc dù pháp lệnh vừa được thông qua quy định về mật mã nhưng nhiều người tin rằng nó chính là bước đệm để ra mắt đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số. Đây là phát triển được xem là trung tâm của hệ sinh thái tài chính tại Trung Quốc

Kể từ quyết định năm 2017 của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tiền mã hóa đã bị cấm ở nước này, mặc dù đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số đang được Ngân hàng Trung ương phát triển và có khả năng sớm ra mắt.

Thực tế, chính quyền Bắc Kinh từ lâu đã lên chiến lược cho kế hoạch tiền kỹ thuật số của mình. Nhiều người cho rằng, đồng tiền này được chuẩn bị suốt 5 năm trở lại đây. Năm 2014, Ngân hàng Trung ương đã thành lập đội nghiên cứu nhằm hiện thực hóa đồng tiền kỹ thuật số quốc gia, cắt giảm chi phí lưu thông của tiền giấy cũng như thúc đẩy khả năng kiểm soát nguồn cung tiền. Với đồng tiền số quốc gia, Ngân hàng Trung ương có khả năng theo dõi nên phòng chống được hoạt động rửa tiền và các hành vi phi pháp khác. Điều này hoàn toàn khác với những đồng tiền mã hóa kiểu Bitcoin, có thể giao dịch chuyển khoản ẩn danh mà không cần bên thứ ba hoặc các ngân hàng trung ương. Mặc dù tính bảo mật cao nhưng sự biến động “thiếu kiểm soát” về giá trị khiến cho tiền mã hóa không được Trung Quốc chọn để nghiên cứu sử dụng làm phương tiện thanh toán trong tương lai.

Ngay sau khi Facebook công bố dự án đồng tiền ảo Libra hồi tháng 6.2019, Trung Quốc đã tăng tốc phát triển đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số, bảo đảm được trang bị đầy đủ để đi đầu trong cuộc đua cung cấp giải pháp thay thế kỹ thuật số cho tiền pháp định quốc gia (tiền fiat), mà không cho phép bất kỳ thế lực tư nhân nào xâm chiếm hệ sinh thái tài chính của mình. Bởi sự xuất hiện của Libra có thể tăng sức mạnh cho USD và phá hỏng tham vọng quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.

Tiền pháp định là đồng tiền có giá trị được xác lập bởi Chính phủ hơn là một hàng hóa có đặc tính vật lý. Quyền lực của Chính phủ giúp thiết lập giá trị của tiền fiat chính là chìa khóa cho loại tiền này. Hầu hết các nước đều sử dụng hệ thống tiền fiat (chính là tiền truyền thống mà chúng ta đang sử dụng) để mua hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và tiết kiệm. Tiền fiat thay thế bản vị vàng và các hệ thống dựa trên hàng hóa khác trong việc thiết lập giá trị của nó.

Hồi đầu tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiếp tục tuyên bố đẩy mạnh nghiên cứu đồng tiền kỹ thuật số hợp pháp và quan tâm đến sự phát triển của tiền điện tử cả trong và ngoài nước. Loại tiền trên sẽ được sử dụng rộng rãi trên nhiều nền tảng phổ biến như Wechat hay Alipay… Theo một quan chức của ngân hàng trên, tiền số đã sẵn sàng ra mắt và sẽ thí điểm nghiên cứu tại Thâm Quyến như một phần trong kế hoạch xây dựng nơi này trở thành thành phố kiểu mẫu. Trong khi đó, tạp chí tài chính Forbes của Mỹ dẫn nguồn tin nhận định, loại tiền này có thể sẵn sàng sau ngày 11.11 -  ngày hội mua sắm lễ độc thân ở Trung Quốc.

Ngọc Minh