Tái cơ cấu nông nghiệp ở huyện Thạch Thất, Hà Nội

Hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa

- Thứ Hai, 10/06/2019, 07:49 - Chia sẻ
Những năm qua, nhờ triển khai tốt đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nhiều sản phẩm thế mạnh của huyện Thạch Thất đã được nhân rộng và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, người dân đã dần thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết theo chuỗi giá trị. Thời gian tới, Thạch Thất xác định tập trung ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đồng thời, gắn nông, lâm nghiệp với phát triển du lịch nhằm nâng cao giá trị canh tác.

Nhiều mô hình hiệu quả

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, tích cực đổi mới bộ giống, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời, chỉ đạo các xã mở rộng mô hình mỗi xã một sản phẩm chủ lực. Riêng với chăn nuôi, huyện định hướng phát triển theo mô hình trang trại và gia trại tập trung, xa khu dân cư nhằm bảo đảm an toàn.

Bí thư Huyện ủy Thạch Thất
Nguyễn Doãn Hoàn

Nếu như trước kia, người dân loay hoay với ruộng đồng để mưu sinh thì giờ đây, người dân đã làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Để có được sự đổi thay đó, Thạch Thất đã tập trung ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Qua đó, nâng cao năng suất, thu nhập cho người dân.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoàng Chí Lượng, những năm qua, Thạch Thất đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và nhân rộng các mô hình hiệu quả theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi liên kết như: Hỗ trợ đưa các giống cây rau màu, lúa tiến bộ, các cây, con mới có chất lượng cao, năng suất ổn định vào sản xuất; khuyến khích đầu tư các máy móc hiện đại phục vụ cho sản xuất… Đến nay, huyện đã chuyển đổi được gần 70ha đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất sang trồng cây rau màu và cây ăn quả. Bên cạnh đó, huyện cũng đã xây dựng được 5 mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình này đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, toàn huyện có gần 200 trang trại đem lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất. Nhờ đó, đến nay, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện đạt gần 1.900 tỷ đồng.

Là một trong những hộ làm giàu từ mô hình trồng hoa ly, anh Nguyễn Văn Sơn (xã Đại Đồng) chia sẻ: Sau nhiều năm lao động nơi đất khách quê người để kiếm sống, năm 2013, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, anh đã trở về quê hương thuê đất và bắt tay vào đầu tư mô hình trồng hoa ly. Sau gần 2 năm, mô hình trồng hoa ly đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định. Với giá bán tại ruộng từ 20.000 - 25.000 đồng/cành, với trên 5.000 gốc hoa ly, mỗi năm gia đình thu về trên 300 triệu đồng.

Cũng giống như anh Sơn, gia đình chị Hoàng Thị Thắm (xã Tiến Xuân), sau khi được xã giao đất để trồng rừng đã mạnh dạn vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mở trang trại chăn nuôi dê, gà đồi và trồng các loại cây ăn quả. Với hơn 500 gốc bưởi và hàng trăm con gà, dê thương phẩm, trừ chi phí, mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình vài trăm triệu đồng. Hiện, Thạch Thất còn có nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả như: Mô hình giống lúa cao sản chất lượng cao ở các xã Đại Đồng, Yên Bình; mô hình trồng nấm, đông trùng hạ thảo, nấm linh chi tại xã Tiến Xuân.


Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng tham quan mô hình trồng rau thủy canh tại thung lũng Ngọc Linh, xã Tiến Xuân, Thạch Thất

Gắn nông nghiệp với phát triển du lịch

Để giải bài toán nâng cao hơn nữa năng suất, thu nhập cho người dân, huyện đã gắn phát triển nông, lâm nghiệp với du lịch. Đơn cử như, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái Ngọc Linh (xã Tiến Xuân), có quy mô 5ha, áp dụng công nghệ nano đã tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao như: Rau hữu cơ công nghệ Nhật Bản, sản phẩm trứng gà Codycep AM+ chống ung thư được xuất bán sang Nhật Bản… Nhờ vậy, Ngọc Linh đã trở thành địa điểm cung ứng thực phẩm an toàn cho nhiều gia đình, là vườn ươm chuyển giao toàn bộ khu nông nghiệp công nghệ cao tiên tiến nhất Việt Nam. Hiện, khu này đang thu hút rất nhiều du khách tới tham quan.

Thực tế, Thạch Thất có nhiều tiềm năng về du lịch với 209 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật; một số khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp trồng rừng, phát triển rừng đã và đang dần hình thành. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoàng Chí Lượng, các sản phẩm nông, lâm nghiệp có thể tham gia vào chuỗi phát triển du lịch, từ đó nâng cao được giá trị và tăng sức cạnh tranh. Bởi vậy, huyện rất cần sự đầu tư của các doanh nghiệp có tâm, có tầm vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp gắn với du lịch. Huyện đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung tuyên truyền đến người dân hướng đến sản xuất hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm tạo ra sản phẩm bảo đảm chất lượng.

Ở góc độ khác, để du lịch phát triển, Thạch Thất cần phải đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để giữ chân được du khách. Hiện, trên địa bàn huyện có một số dự án du lịch sinh thái đã có chủ chương đầu tư. Đây được coi là động lực để huyện vươn mình. Đơn cử như, Dự án Khu du lịch Thác Bạc Suối Sao (xã Yên Trung) - mô hình điểm kết hợp rừng sản xuất với du lịch sinh thái. Du khách đến đây vừa có thể nghỉ dưỡng, thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương và tham quan các mô hình trồng cây dược liệu, mô hình hoa ban, hoa anh đào, hoa phong linh…

Có thể nói, tới đây, khi dự án này hoàn thành, các sản phẩm nông nghiệp của địa phương sẽ có cơ hội trở thành những món ăn đặc sản. Nhiều mặt hàng cũng sẽ được giới thiệu, quảng bá rộng rãi, từ đó nâng cao được giá trị kinh tế. Ngoài ra, hàng trăm nông dân sẽ có cơ hội tham gia vào chuỗi phát triển du lịch. Qua đó, không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn giải quyết được bài toán lao động tại địa phương.

Hy vọng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng của người dân, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, Thạch Thất sẽ trở thành địa danh du lịch gắn với thương hiệu nông sản sạch của Thủ đô trong tương lai không xa.

TRỌNG HIẾU