Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ lần thứ 7 tại Hà Nam

Hướng đến chuyên nghiệp, hiệu quả

- Thứ Ba, 17/09/2019, 07:51 - Chia sẻ
Chất lượng đại biểu là yếu tố then chốt bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử, trong đó, các đại biểu chuyên trách được xem là lực lượng nòng cốt. Bên cạnh nỗ lực của đại biểu, tại hội nghị, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố cũng cho rằng, cần tạo hành lang pháp lý và những cơ chế, chính sách phù hợp để đại biểu HĐND các cấp phát huy năng lực, hướng đến chuyên nghiệp, hiệu quả, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Đại biểu chuyên trách là cốt cán

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thái Bình Đàm Văn Vượng, để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp, quan trọng nhất là nâng cao chất lượng của đại biểu HĐND, đặc biệt là đại biểu chuyên trách, hướng đến tính chuyên nghiệp, hiệu quả. Thực tế là vậy, tuy nhiên, cơ quan soạn thảo Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện đang đề xuất việc phải giảm tỷ lệ đại biểu chuyên trách, cụ thể là giảm 1 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện và 1 Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh. Cho rằng đề xuất này không sát với yêu cầu thực tiễn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thái Bình trăn trở: “Trong khi khối lượng công việc ngày càng lớn và đòi hỏi chất lượng càng cao, chúng ta đang thiếu người làm việc thì lại đưa ra ý kiến giảm đại biểu chuyên trách. Như vậy, làm sao có thể bảo đảm hoạt động của HĐND đi vào thực chất?”.


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và các đại biểu trao đổi bên hành lang hội nghị
Ảnh: Tường Vy

Liên quan đến việc sáp nhập 3 văn phòng tham mưu, giúp việc của Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, thực tế thí điểm mô hình này ở 12 tỉnh, thành phố đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho hoạt động của địa phương do sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; khiến cho hoạt động của cơ quan dân cử khó có thể bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Thời gian tới, đề nghị Ban Công tác đại biểu tổng hợp ý kiến của các địa phương và báo cáo với UBTVQH theo hướng: Văn phòng UBND là đơn vị độc lập, chỉ có thể hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND để phù hợp với thực tiễn hoạt động của chính quyền địa phương.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định Trần Văn Chung cũng khẳng định, đại biểu chuyên trách là lực lượng cốt cán trong hoạt động của HĐND các cấp hiện nay. Do đó, để ngày càng nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động HĐND, nên tăng thêm số đại biểu chuyên trách ở các cấp. Điều này không chỉ giúp đại biểu chuyên trách có nhiều thời gian, điều kiện, chuyên tâm vào công việc mà còn khắc phục “bệnh” ngại va chạm, né tránh; khắc phục tình trạng “người biết thì không dám nói, người muốn nói thì hiểu không sâu”.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu không ngần ngại nêu thực tế, hiện nay phần lớn số lượng đại biểu HĐND các cấp đều hoạt động kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động của HĐND rất hạn chế và không liên tục; nhất là còn một bộ phận khá lớn đại biểu là lãnh đạo trong các cơ quan hành chính nhà nước đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của HĐND các cấp. Tham gia chất vấn tại kỳ họp hầu hết là đại biểu chuyên trách. Những đại biểu khác có những người dù gần hết nhiệm kỳ hoạt động nhưng chưa lần nào chất vấn. Cũng có những đại biểu chất vấn nhưng không truy vấn, không làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn do tâm lý nể nang, ngại va chạm.

Theo đó, Thường trực HĐND các địa phương nhất trí với chủ trương giảm số lượng đại biểu HĐND ở các cấp, tuy nhiên, cần xem xét giảm số lượng đại biểu công tác tại các cơ quan hành chính nhà nước, tăng số lượng đại biểu chuyên trách. Bên cạnh đó, việc chọn ứng cử viên đại biểu HĐND không nên nặng về cơ cấu mà nên coi trọng phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực công tác, tâm huyết với hoạt động của HĐND. Cần đặc biệt chú ý tiêu chuẩn “có năng lực đóng góp vào hoạt động của HĐND, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu” khi lựa chọn đại biểu.

Tạo cơ chế thu hút nhân lực

Trong hoạt động tại địa phương, bên cạnh nỗ lực của đại biểu, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm bảo đảm các điều kiện cần thiết giúp các đại biểu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên Đỗ Xuân Sảng, cần có chính sách ưu đãi đặc thù, như: Phụ cấp cho đại biểu HĐND chuyên trách, phụ cấp chức danh hoạt động kiêm nhiệm; có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời đối với đại biểu chuyên trách hoạt động tích cực. Theo nhận định của nhiều đại biểu: Cơ chế, chính sách tốt sẽ góp phần thu hút nguồn lực chất lượng cao về hoạt động cho cơ quan dân cử.

Bên cạnh đó, để hướng đến tính chuyên nghiệp, hiệu quả hơn nữa trong hoạt động của HĐND các cấp, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đề nghị UBTVQH tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND các cấp thông qua các lớp tập huấn, hội thảo trao đổi kinh nghiệm. Đồng thời, tăng cường cung cấp thông tin, kiến thức cho đại biểu HĐND tỉnh để đại biểu tự học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết cho hoạt động.

Lắng nghe những ý kiến tâm huyết của các địa phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, việc giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp từ 10 - 15% theo Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương còn nhiều vấn đề cần phải được thảo luận kỹ hơn. Giảm ở khu vực nào, giảm bao nhiêu phần trăm để vừa tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương nhưng vẫn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử. Tỷ lệ đại biểu chuyên trách, cơ cấu chức danh Phó Chủ tịch và lãnh đạo các Ban của HĐND như thế nào cũng là bài toán đang cần lời giải.

Bên cạnh đó, đồng tình với quan điểm của các địa phương về tạo cơ chế, chính sách thu hút nhân lực về hoạt động ở HĐND các cấp, Phó Chủ tịch QH khẳng định: “Chế độ chính sách để khuyến khích, tạo động lực cho những người làm việc ở cơ quan dân cử là điều chúng ta phải tính đến, vừa để thu hút nhân tài, cũng là giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương”. 

ĐÀO CẢNH