Thanh Hóa

Hướng đến chính quyền số

- Thứ Tư, 07/08/2019, 19:40 - Chia sẻ
Trước những tồn tại, hạn chế trong xây dựng chính quyền điện tử, tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Thanh Hóa mới đây đã ban hành Nghị quyết số 172 về việc quyết định chủ trương đầu tư “Chương trình đầu tư xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”. Theo đánh giá của cử tri, đây là bước đột phá thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của tỉnh nhằm bắt kịp xu hướng phát triển chung; đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng đến chính quyền số…

Bộc lộ vướng mắc, lúng túng

Sau hai năm triển khai thực hiện Đề án xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017 - 2020 bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng. Đó là, các dự án đã và đang triển khai thực hiện đều phù hợp mục tiêu, đối tượng, nguồn vốn của Đề án và phù hợp với xu hướng, yêu cầu phát triển trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay; một số dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân; một số dự án đang được triển khai thực hiện, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chất lượng với công nghệ tiên tiến, hiện đại trong ngành giáo dục, y tế, giao thông, văn hóa, xã hội. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và làm giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, công dân; ngăn chặn, đẩy lùi tệ nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức; tăng tính công khai, minh mạch trong giải quyết các TTHC.


Hướng đến mục tiêu 100% hồ sơ giải quyết TTHC được thực hiện qua hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện
Ảnh: Hải Phong

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Anh Tuấn, quá trình triển khai thực hiện Đề án cũng bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, lúng túng, thiếu các giải pháp, kinh nghiệm, mô hình thực tế. Cụ thể, việc xây dựng Chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh là vấn đề mới, khó, trong khi các bộ, ngành, Trung ương chưa hướng dẫn tiêu chí cụ thể đối với lĩnh vực này. Một số ngành, địa phương, đơn vị còn thiếu quyết liệt, chưa chủ động trong công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án; một số ngành, đơn vị tự thực hiện hoặc lựa chọn một số đơn vị tư vấn thiếu năng lực, kinh nghiệm nên chưa đánh giá đúng thực trạng, đề xuất mục tiêu, quy mô đầu tư quá lớn, không phù hợp tình hình thực tế và điều kiện nguồn vốn, phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần…

“Bên cạnh đó, nhu cầu, chi phí đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực này rất lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ hàng năm cho tỉnh còn hạn chế nên việc đánh giá, lựa chọn mục tiêu, quy mô cho phù hợp mất nhiều thời gian. Một số bất cập, chồng chéo trong các quy định liên quan đến việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, ảnh hưởng đến tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư các dự án’’, ông Tuấn nhấn mạnh.

Từ thực tế đó, cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị tham vấn các tổ chức, chuyên gia về định hướng, giải pháp xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025. Với quyết tâm mạnh mẽ, tại Kỳ họp thứ 9 mới đây, HĐND tỉnh đã thông qua chủ trương đầu tư “Chương trình đầu tư xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”.

Tạo đột phá, bắt kịp xu hướng phát triển chung

Từ việc đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế, Đề án đã đề ra mục tiêu tổng quát xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Thanh Hóa theo Nghị quyết 17 của Chính phủ và định hướng khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0. Trong đó, nhấn mạnh ứng dụng và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh trên cơ sở ứng dụng các công nghệ mới như: Trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây trong một số lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý, hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của các ngành, các cấp…

Theo đó, mục tiêu cụ thể đối với xây dựng chính quyền điện tử là phấn đấu đến năm 2020: Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên số hồ sơ giải quyết TTHC đạt từ 30% trở lên; tích hợp 40% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ giải quyết TTHC được thực hiện qua hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện. Cổng dịch vụ công của tỉnh được cung cấp giao diện trên thiết bị di động, 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho tổ chức, công dân; 100% cơ quan nhà nước công khai lấy ý kiến mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Có 30% dịch vụ công trực tuyến sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện TTHC; rút ngắn từ 50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử...

Để đạt mục tiêu đề ra, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến cho biết: Thời gian tới, sẽ đầu tư bổ sung, hoàn thiện hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin cho Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng và các sở, ngành, UBND cấp huyện; xây dựng trục kết nối tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh và trang thiết bị kết nối, vận hành, khai thác mạng truyền số liệu chuyên dùng kết nối Trung tâm điều hành an ninh mạng và dữ liệu của tỉnh với trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện. Đồng thời, phát triển các dịch vụ thành phố thông minh về giáo dục, y tế, tài nguyên - môi trường, an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy và điều hành giao thông. Tổng kinh phí thực hiện chương trình giai đoạn 2017 - 2020 là 1.688 tỷ đồng, từ nguồn vốn NSNN trong dự toán ngân sách tỉnh hàng năm… ‘‘Về tiến độ thực hiện chương trình, đối với các dự án chuyển tiếp triển khai bảo đảm tiến độ và thực hiện thanh, quyết toán dự án hoàn thành trong năm 2019. Đối với các dự án khởi công mới giai đoạn 2019 - 2020, khẩn trương triển khai, hoàn thành trước năm 2020’’, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Theo đánh giá của cử tri, việc HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về chủ trương đầu tư “Chương trình đầu tư xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực và các giải pháp đồng bộ của tỉnh, tạo nên bước đột phá, bắt kịp xu hướng phát triển chung, nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh CCHC, hướng đến chính quyền số; đồng thời, cung cấp các dịch vụ chất lượng cao phục vụ nhu cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn... Do đó, UBND tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động người dân tích cực tham gia, cùng đồng hành, để mô hình chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh của tỉnh sớm trở thành hiện thực.

Lệ Thanh