Đối thoại Shangri-La lần thứ 17

Hứa hẹn kịch tính

- Thứ Bảy, 02/06/2018, 07:25 - Chia sẻ
Hội nghị cấp cao An ninh châu Á hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La thường niên lần thứ 17 diễn ra tại Singapore từ ngày 1 - 3.6, quy tụ bộ trưởng, quan chức quốc phòng hơn 50 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với diễn biến căng thẳng gần đây trên Biển Đông và diễn biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên, nhiều khả năng đây sẽ là hai chủ đề chi phối hội nghị năm nay.

Triều Tiên và những lần đầu tiên

Trong 3 ngày diễn ra hội nghị, Đối thoại Shangri-La năm nay có 5 phiên họp toàn thể, tập trung vào các chủ đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định khu vực như vai trò của các nước lớn, thách thức an ninh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, vấn đề hạt nhân, trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á, chủ nghĩa khủng bố.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên dự kiến làm “nóng” chương trình nghị sự của Đối thoại Shangri-La 2018 trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên có thể diễn ra tại Singapore ngày 12.6 tới. Điều này được thể hiện ở chỗ lần đầu tiên Hội nghị dành hẳn một phiên thảo luận toàn thể sáng 2.6 để bàn về vấn đề bán đảo Triều Tiên. Phát biểu tại phiên họp này có Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-Moo cùng hai người đồng cấp Itsunori Onodera (Nhật Bản) và Harjit Singh Sajjan (Canada). Đây cũng là lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc tham gia phát biểu và đối thoại tại Shangri-La, dù vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên năm nào cũng được đề cập.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong phiên đầu tiên bàn về sự lãnh đạo của Mỹ và các thách thức an ninh vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương chắc chắn cũng sẽ nói rõ lập trường của Washington về vấn đề này. Ông Mattis hôm 29.5 khẳng định quân đội Mỹ sẽ tiếp tục trú đóng tại Hàn Quốc, trái với điều kiện của Triều Tiên về việc phi hạt nhân hóa. Cử tọa vì thế rất trông chờ quan điểm rõ ràng của Mỹ về vấn đề này.


Trung tướng Hà Lôi của Trung Quốc từng dẫn đầu phái đoàn tham dự Đối thoại Shangri-La 2017

“Nóng” vấn đề Biển Đông

Đối thoại Shangri-La lần này còn là cơ hội để giới chức quốc phòng tập trung vào xu hướng tăng cường hiện diện hải quân của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là việc Trung Quốc cho máy bay ném bom diễn tập ở Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam thời gian qua.

Giới chuyên gia trông chờ bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về “Vai trò lãnh đạo của Mỹ và các thách thức an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương”, trong phiên thảo luận ngày 2.6. Bài phát biểu được hy vọng sẽ trả lời cho câu hỏi Mỹ tìm kiếm vai trò gì ở châu Á. Ông Tim Huxley - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS), cơ quan tổ chức hội nghị - nói: “Đó là một câu hỏi lớn hiện nay trong lúc nổi lên chính sách nước Mỹ trên hết”.

Trong khi đó, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế của Washington, Greg Poling cho rằng, ông Mattis phải cho thấy Mỹ có khả năng tập trung vào những thách thức khác, bao gồm Biển Đông và đe dọa của những áp bức kinh tế từ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc dù cho Triều Tiên đang là mối lo ngại tức thời.

Về phần mình, trả lời phỏng vấn trên đường đến Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông. “Chúng tôi nỗ lực hết sức để hợp tác với các nước Thái Bình Dương, đó là cách chúng tôi làm trên khắp thế giới. Nhưng chúng tôi cũng sẽ đối đầu với những gì chúng tôi tin là đi ngược lại luật pháp quốc tế, đi ngược lại những gì mà các tòa án quốc tế đã ra phán quyết” - tờ South China Morning Post dẫn lời ông Mattis.

Trung Quốc né tránh

Theo tờ South China Morning Post, trong khi Mỹ được cho là sẽ nêu cao vấn đề Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, Bắc Kinh lựa một phái đoàn có phần “nhẹ ký” tới Đối thoại Shangri-La. Thay vì một nhà hoạch định chính sách quân sự, Trung Quốc chọn Trung tướng Hà Lôi, Phó Chủ tịch Học viện Khoa học quân sự. Các chuyên gia cho rằng nước này muốn định hình diễn đàn đối thoại an ninh thường niên khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm nay thành sự kiện trao đổi học thuật chứ không phải để tranh luận chính sách.

Năm ngoái, nước này lấy lý do đang chuẩn bị Đại hội Đảng Cộng sản toàn quốc nên cử trưởng đoàn cấp thấp và hứa hẹn sẽ “nâng cấp” trong những năm sau. Tuy nhiên, trưởng đoàn năm nay vẫn là nhân vật của năm ngoái - một viên tướng 2 sao trong khi hầu hết các nước đều cử quan chức cấp Bộ. “Chúng tôi từng kỳ vọng chí ít Bắc Kinh sẽ cử Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội đến Shangri-La 2018. Với đà này, trong vài năm tới, chúng ta không thể kỳ vọng hơn”, một chuyên gia của Bộ Quốc phòng Singapore nhận định. Đoàn Trung Quốc cũng sẽ vắng mặt trong phiên thảo luận nhóm về các giải pháp tăng cường an ninh biển như bộ quy tắc ứng xử và xây dựng lòng tin.

Việt Nam tích cực, chủ động, trách nhiệm

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch dẫn đầu đoàn tham dự. Việt Nam là khách mời từ những kỳ Shangri-La đầu tiên, nhưng cấp Bộ trưởng thì đây là lần thứ 4.

Trung t-ướng Vũ Chiến Thắng - Cục trưởng Cục Đối ngoại - Bộ Quốc phòng cho biết: Với chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế trong có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, dự kiến Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch tham gia và có bài phát biểu tại phiên toàn thể thứ 3 với chủ đề Định hình trật tự an ninh đang biến đổi tại châu Á. Sự tham dự của Bộ trưởng một lần nữa khẳng định sự ủng hộ và tham gia tích cực của Việt Nam. Đồng thời, đây cũng cơ hội tốt để Việt Nam trình bày quan điểm về những vấn đề an ninh khu vực; thông qua diễn đàn này, tìm kiếm ủng hộ của thế giới đối với những lợi ích chính đáng của Việt Nam.

Quỳnh Vũ