Hợp tác quốc tế trong hoạt động bảo vệ môi trường

- Thứ Năm, 08/08/2019, 07:29 - Chia sẻ
Công tác bảo vệ môi trường (BVMT) ở nước ta đã có những chuyển biến rõ rệt từ nhận thức, cho đến hành động và đã đạt được những kết quả hết sức đáng khích lệ. Tuy nhiên để đáp ứng hơn những yêu cầu ngày càng cao về BVMT trong quá trình hội nhập điều cần thiết là hoàn thiện pháp luật về môi trường để đáp ứng các kế hoạch hành động vì môi trường trong thời gian tới.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Thức cho biết: Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức môi trường có nguy cơ ngày càng tăng cao, do sức ép phát triển kinh tế, sự thay đổi cơ cấu xã hội và những biến đổi trong tự nhiên, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa và không khí. Hiện ô nhiễm môi trường đã và sẽ tiếp tục xảy ra, đang ảnh hưởng đến đời sống, tài sản và sinh kế của hàng triệu người. Ô nhiễm môi trường đã tích tụ đến mức đáng lo ngại. Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước, hơn 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, sử dụng, trong đó khoảng 60% lượng sản phẩm đó được chôn lấp hoặc thải thẳng ra môi trường. Ô nhiễm khói bụi là một trong những dạng ô nhiễm phổ biến và nghiêm trọng, được xem là nguyên nhân lớn nhất gây bệnh tật và tử vong sớm, đặc biệt trong bối cảnh ô nhiễm khói bụi ở các đô thị trở nên báo động. Hợp tác với các đối tác trong và ngoài khu vực là một trong những yếu tố quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường.

Thông qua đường dây nóng nhiều vụ việc ô nhiễm môi trường đã được xử lý. Trong năm 2018, đường dây nóng của Tổng cục Môi trường đã nhận được tổng số 1.143 thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước, trong đó có 542 vụ việc hoàn thành việc xử lý và phản hồi tới người dân; một số vụ việc đang được các địa phương xác minh, xử lý. Có thể thấy, với những nỗ lực của Tổng cục Môi trường, các khu vực, địa phương làm tốt về công tác bảo vệ môi trường dần mở rộng. Xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường đã được kiềm chế, ô nhiễm môi trường đã được hạn chế, ngăn chặn. Tuy nhiên, góp ý tại Hội nghị các đại biểu cho rằng, công tác quản lý môi trường vẫn còn những hạn chế do việc bố trí nguồn lực cho công tác xây dựng văn bản chưa thật hợp lý, nguồn lực còn bị phân tán, chưa bảo đảm tính ưu tiên, tập trung, thống nhất; việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ theo chức năng, nhiệm vụ mới gặp một số khó khăn khi xử lý công việc trong giai đoạn chuyển tiếp… Để khắc phục những khó khăn, hạn chế này.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài: Để hạn chế sự gia tăng ô nhiễm không khí, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí; Bộ TN - MT cùng các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức phi Chính phủ triển khai các hoạt động cụ thể nhằm ngăn ngừa tình trạng gia tăng ô nhiễm. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 985a/QĐ -TTg phê duyệt Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Kế hoạch đề ra mục tiêu tổng quát là hướng tới tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí (CLKK) thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải; giám sát CLKK xung quanh nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Theo đó, cơ quan quản lý phải tập trung kiểm soát bụi trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng; đầu tư, thực hiện đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị sản xuất tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm hạn chế phát sinh khí thải; tiếp tục đầu tư xây dựng, lắp đặt, vận hành các hệ thống thiết bị xử lý khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường không khí. Phải hoàn thành thực hiện quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô 2 bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Tăng cường năng lực quốc gia về kiểm soát khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam. Tăng cường công tác giám sát CLKK xung quanh thông qua việc tăng số lượng trạm quan trắc không khí xung quanh tự động liên tục tại các đô thị so với năm 2015 theo đúng quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia, giám sát thường xuyên các thông số theo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thông số VOCs, HC,...

Tổng cục đã rất tích cực trong việc mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác kỹ thuật với các nước có kinh nghiệm và hỗ trợ nguồn lực trong BVMT không khí; ưu tiên mở rộng quan hệ quốc tế về BVMT không khí dưới hình thức thiết lập các chương trình, dự án đa phương và song phương, hỗ trợ kỹ thuật; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và sử dụng hiệu quả hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như: Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Tổ chức Sáng kiến Không khí sạch châu Á (CAI-ASIA)…

Từ năm 2019, Tổng cục Môi trường đã tăng cường hợp tác với Hội Độc học môi trường và Hóa học khu vực châu Á - Thái Bình Dương để nghiên cứu, xây dựng chính sách phục vụ công tác quản lý. Nâng cao năng lực về thành lập mạng lưới các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực quan trắc môi trường. Trao đổi, hỗ trợ chuyên gia trong công tác xử lý số liệu, dự báo, cảnh báo chất lượng môi trường; tăng cường năng lực quản lý và cải thiện chất lượng môi trường liên quan đến đánh giá rủi ro môi trường và sinh thái do các tác nhân hóa học độc hại. Tăng cường năng lực quản lý môi trường và ứng phó, khắc phục sự cố môi trường từ khai thác bauxite tại Việt Nam.

Việt Nam và Nhật Bản sẽ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực môi trường thông qua cụ thể hóa các chương trình, dự án hợp tác về xây dựng chính sách, tăng trưởng xanh, kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải, nước thải, xử lý các điểm ô nhiễm nghiêm trọng, thúc đẩy công nghệ ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm. Hai bên đã thành lập Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về quản lý chất thải nhằm chia sẻ thông tin, hỗ trợ xây dựng chính sách, mô hình quản lý, xử lý chất thải rắn hiệu quả, bền vững tại Việt Nam.

Cùng với đó, 4 nội dung ưu tiên hợp tác trong năm 2019 giữa Việt Nam và Hàn Quốc gồm ưu tiên hỗ trợ Việt Nam trong việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các tài liệu quy phạm pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam; tăng cường hợp tác hơn nữa về đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; mở rộng thực hiện các dự án hợp tác chung trong các lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu, quản lý nước và nước thải, bảo tồn đa dạng sinh học; thiết lập được một khung khổ hoạt động hợp tác song phương cơ bản về chia sẻ lợi ích đôi bên cùng có lợi trong lĩnh vực bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học.

Tùng Lâm