Hợp tác quốc tế dựa trên phát huy tối đa nội lực

- Thứ Năm, 19/09/2019, 07:53 - Chia sẻ
Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang đứng trước những cơ hội và thách thức không nhỏ từ quá trình hội nhập, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đại diện Tổng cục GDNN (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), GDNN cần có những giải pháp đồng bộ, thiết thực, trong đó nhóm giải pháp về hợp tác quốc tế là thiết yếu.

Đại diện Tổng cục GDNN khẳng định, thông qua tiến trình hội nhập sâu rộng và đa chiều trong nhiều khía cạnh của lĩnh vực GDNN, Việt Nam đã từng bước cải thiện cả về số lượng và chất lượng đào tạo, nâng cao trình độ lực lượng lao động, đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế thị trường, từng bước thu hẹp khoảng cách trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Bảo đảm tính bền vững

Báo cáo của Tổng cục GDNN cho thấy, Việt Nam đã và đang nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính thông qua các dự án từ nguồn tài trợ quốc tế song phương của chính phủ các nước: Australia, Pháp, Italy, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch…; các tổ chức đa phương như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc…

Đến nay, Tổng cục GDNN đang triển khai 5 dự án và đã kết thúc hơn 20 dự án do các đối tác phát triển hỗ trợ. Các dự án có tổng mức đầu tư ODA ước tính khoảng 450 triệu USD, bao gồm cả hỗ trợ tài chính và hỗ trợ kỹ thuật. Nhìn chung, ngay từ quá trình thiết kế các dự án, hầu hết nhà tài trợ không chỉ tập trung nâng cao, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị cho cơ sở GDNN, mà còn dành một khoản vốn phù hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng chương trình, giáo trình... (đối với nhà tài trợ ADB, AFD, Keximbank, AFD) hoặc vốn viện trợ không hoàn lại (KfW, GIZ, JICA). Điều này đã góp phần làm cho tính bền vững của dự án được bảo đảm. Chẳng hạn như, các dự án của Đức hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho 10 trường, đầu tư một số trường theo mô hình đào tạo của Đức thành trường kiểu mẫu của Việt Nam và khu vực ASEAN. Hay các dự án của Nhật Bản hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho 13 trường được lựa chọn thành trường chất lượng cao của Việt Nam và đào tạo theo mô hình của Nhật Bản. Dự án của Pháp đầu tư trang thiết bị dạy nghề đồng bộ, hiện đại cho các nghề trọng điểm, xây dựng tại trường Cao đẳng nghề LILAMA 2 một tòa nhà thân thiện với môi trường…


Hợp tác quốc tế góp phần cải thiện chất lượng giáo dục nghề nghiệp Việt Nam Ảnh: Thái Bình

Trên cơ sở quan điểm về hợp tác quốc tế và giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển GDNN về “tiếp nhận, chuyển giao các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề của các nghề được đầu tư trọng điểm ở các cấp độ khu vực và quốc tế”, ngành GDNN đã tiếp nhận, chuyển giao 12 bộ chương trình đào tạo từ Australia, 22 bộ chương trình từ Đức và tổ chức đào tạo thí điểm cho sinh viên trình độ cao đẳng theo tiêu chuẩn quốc tế. Đến nay đã hoàn thành khóa đào tạo thí điểm đối với 12 nghề chuyển giao từ Australia với 41 lớp được tổ chức tại 25 trường tham gia thí điểm. Hiện cũng đã lựa chọn được 45 trường tham gia tổ chức đào tạo thí điểm 22 nghề theo các bộ chương trình chuyển giao từ Đức, dự kiến sắp tới sẽ tổ chức 66 lớp đào tạo thí điểm cho 1.056 học sinh theo chương trình này. Học sinh sau khi tốt nghiệp các khóa đào tạo thí điểm sẽ được cơ sở đào tạo của Đức và Australia công nhận trình độ. Sau khi kết thúc dự án thí điểm, các cơ sở GDNN đã tham gia đào tạo thí điểm các nghề được chuyển giao có thể chủ động phối hợp với cơ sở đào tạo của hai nước này tiếp tục tổ chức liên kết đào tạo các nghề đó.

Một số cơ sở GDNN của Việt Nam thực hiện liên kết đào tạo với các cơ sở GDNN nước ngoài thông qua tiếp nhận các chương trình đào tạo nước ngoài và liên kết để đào tạo cấp bằng, chứng chỉ của nước ngoài; thí điểm đào tạo theo mô hình các nước phát triển theo năng lực thực hiện như: Mô hình đào tạo kép của Đức, KOSEN của Nhật… Hiện tại trên cả nước đã có 7 cơ sở GDNN có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có 4 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, 2 trung tâm. 

Lộ trình cụ thể, bước đi phù hợp

Thông qua hoạt động chuyển giao chương trình đào tạo và nhiều hoạt động hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác phát triển, nhiều lượt giáo viên và cán bộ quản lý GDNN đã được đào tạo tại nước ngoài nhằm nâng cao kỹ năng nghề và kỹ năng quản lý. Được sự hỗ trợ của đối tác, Tổng cục GDNN đã triển khai đánh giá kỹ năng nghề đối với một số nghề theo tiêu chuẩn của các nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Đức…; tổ chức xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho các ngành nghề trong lĩnh vực ưu tiên. Phối hợp với các nước ASEAN và đối tác phát triển đóng góp vào việc xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện các tiêu chuẩn ASEAN và quốc tế về GDNN; ưu tiên hoàn thiện Khung trình độ quốc gia; tham gia xây dựng khung tham chiếu trình độ giữa các nước ASEAN.

Tuy nhiên, Tổng cục GDNN cũng thừa nhận, thời gian qua chúng ta chưa tận dụng tối đa nguồn vốn ODA, kinh nghiệm của các đối tác phát triển vào GDNN, còn hiện tượng thất thoát, lãng phí nên chưa đạt toàn bộ mục tiêu đề ra. Chưa có lộ trình cụ thể và bước đi phù hợp nhằm định hướng cho cơ sở GDNN trong hợp tác với các cơ sở GDNN danh tiếng của thế giới. Các cơ sở GDNN chưa chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực, cơ sở vật chất để tiếp nhận các dự án như: Đào tạo chuyên môn và ngoại ngữ cho giáo viên, cán bộ quản lý; xây dựng nhà xưởng để lắp đặt thiết bị…

Tổng cục GDNN xác định, hợp tác quốc tế cần triển khai trên cơ sở phát huy tối đa nội lực; gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách về hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy; thiết lập cơ quan quản lý đủ thẩm quyền và năng lực để chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và phối hợp các hoạt động hợp tác quốc tế. Xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp, từ Trung ương đến địa phương trong các hoạt động hội nhập, hợp tác quốc tế…

Anh Quân