Hợp lực vốn giúp doanh nghiệp phát triển

- Thứ Ba, 06/08/2019, 08:13 - Chia sẻ
Có những địa phương thành lập trên 10 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách từ nguồn ngân sách để hỗ trợ, cho vay, đầu tư, bảo lãnh cho tổ chức doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn hoạt động có mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng số vốn sử dụng thấp (dưới 50%) phải gửi cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Trong khi đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần vốn thông qua quỹ bảo lãnh nhưng khó tiếp cận do tài sản bảo đảm thiếu, lãi và phí cao, mức vốn cho vay thấp. Do vậy, rất cần sự gắn kết, chia sẻ giữa các quỹ với tổ chức tín dụng để hợp lực vốn từ nguồn ngân sách nhà nước vào hoạt động giúp doanh nghiệp phát triển.

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Theo quy định của luật, nghị định của Chính phủ, có những địa phương đã thành lập trên 10 Quỹ tài chính nhà nước từ nguồn ngân sách nhà nước với mô hình đa số hoạt động độc lập. Một số quỹ theo hình thức ủy thác hoặc gộp các quỹ. Số vốn điều lệ ban đầu khi thành lập của mỗi quỹ không nhiều như: Quỹ Đầu tư phát triển (100 tỷ), Quỹ khoa học công nghệ, Quỹ tài nguyên môi trường dưới 70 tỷ… Qua nhiều năm hoạt động, vốn chủ sở hữu được nâng lên từ kết quả kinh doanh và Ngân sách cấp bổ sung. Qua khảo sát 5 năm gần đây cho thấy: Một số quỹ sử dụng khoảng 50% vốn, số còn lại gửi ngắn hạn ở tổ chức tín dụng thương mại.

Quỹ bảo lãnh tín dụng với chức năng, nhiệm vụ bảo lãnh cho doanh nghiệp được vay vốn ở tổ chức tín dụng thương mại trên địa bàn bằng hình thức quyền tài sản, tài sản hiện có hoặc hình thành trong tương lai; có phương án sản xuất kinh doanh khả thi bảo đảm khả năng trả nợ, xếp hạng tín nhiệm theo đánh giá doanh nghiệp bảo đảm khả năng trả nợ. Giới hạn bảo lãnh vay vốn đầu tư của một khách hàng tối đa 15% tổng vốn điều lệ hiện có ở quỹ và 15% cho vốn lưu động nhưng tối đa không vượt quá vốn chủ sở hữu của khách hàng. Tổng mức bảo lãnh cho các bên tối đa không vượt qua 3 lần vốn điều lệ. Trong khi đó, vốn điều lệ được cấp thấp (30 tỷ).

Mặt khác, doanh nghiệp làm hồ sơ được bảo lãnh phải mất 0.5% phí bảo lãnh/năm/tổng số vốn vay. Lãi suất ngân hàng cho vay bằng với lãi suất doanh nghiệp vay không bảo lãnh. Tức là doanh nghiệp bảo lãnh đang khó khăn về vốn, cạnh tranh với doanh nghiệp cùng lĩnh vực, bị yếu thế (phải vay vốn với tổng tiền lãi cao hơn 0.8%). Do vậy, doanh nghiệp chưa mặn mà với quỹ bảo lãnh tín dụng, nếu có là doanh nghiệp rất khó khăn, tức là độ rủi ro khi bảo lãnh cao. Có địa phương nhiều năm nay chỉ tập trung thực hiện nhiệm vụ thu hồi nợ vay bắt buộc, chưa mở rộng, tăng thêm được khách hàng.


HĐND tỉnh Vĩnh Phúc giám sát việc sử dụng vốn tại Qũy tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng tỉnh
Ảnh: Chu Kiều

Hiệu quả bước đầu

Khắc phục khó khăn, vướng mắc trong hoạt động bảo lãnh tín dụng, Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng tỉnh Vĩnh Phúc tham mưu, trình cấp có thẩm quyền thực hiện Nghị định 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng giữ nguyên mô hình tổ chức bộ máy theo Quyết định 58/2013/QĐ-TTg ngày 15.10.2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị UBND tỉnh giao Chủ tịch Quỹ bảo lãnh là Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Đầu tư phát triển, Trưởng ban Kiếm soát là  Trưởng ban Kiểm soát Quỹ Đầu tư phát triển, Giám đốc Quỹ là Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển. Phòng chuyên môn (Tổ chức hành chính, Tài chính kế toán) đảm nhận nhiệm vụ chung của 2 quỹ. Phòng bảo lãnh đảm nhận nhiệm vụ chuyên môn quỹ bảo lãnh. Xây dựng điều lệ riêng, hạch toán độc lập theo quy định Nghị định 34/2018/NĐ-CP. Trong khi chờ cấp có thẩm quyền quyết định, Ban điều hành quỹ tiếp tục chỉ đạo phòng chuyên môn thực hiện nhiệm vụ bảo lãnh theo hướng những nội dung, quy trình, thủ tục chưa phù hợp với Nghị định 34/2018/NĐ-Chính phủ của Chính phủ thì chỉnh sửa cho phù hợp để doanh nghiệp khó khăn về vốn được tiếp cận và hoạt động khi có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có khả năng trả nợ được.

Mặt khác, quỹ chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng thương mại trên địa bàn chọn những lĩnh vực, điều kiện vốn, lãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ về lãi suất để tổ chức ký hợp tác cam kết phối hợp hoạt động giữa quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng với tổ chức tín dụng thương mại theo hướng: Tổng phí bảo lãnh với lãi suất ngân hàng đối với doanh nghiệp được bảo lãnh bằng với lãi suất doanh nghiệp vay không bảo lãnh. Quỹ gửi vốn điều lệ tại ngân hàng ký kết cam kết từ tháng 4.2019 đến nay, đã đang cam kết với 2 tổ chức  tín dụng thương mại; đã có 15 doanh nghiệp quan tâm đăng ký, và có 5 doanh nghiệp được bảo lãnh vay số vốn ký hợp đồng tín dụng trên 10 tỷ đồng.

Sự hợp tác giữa quỹ với tổ chức tín dụng đã đem lại hiệu quả bước đầu: Giúp doanh nghiệp khó khăn về vốn được vay tại tổ chức tín dụng thương mại với lãi suất bằng với doanh nghiệp không bảo lãnh, tạo cho doanh nghiệp có điều kiện cạnh tranh bình đẳng, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có điều kiện thực hiện phương án sản xuất kinh doanh thông qua hoạt động bảo lãnh tại quỹ. Thông qua quỹ bảo lãnh, thu hút được doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có phương án theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu định hướng tỉnh đặt ra. Giúp quỹ sử dụng vốn điều lệ gắn với nhiệm vụ bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển thông qua tổ chức tín dụng thương mại, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận thông qua tổ chức tín dụng thương mại. Thông qua ký kết hợp tác quỹ và tổ chức tín dụng thương mại thực hiện bảo lãnh quy trình, thủ tục vay, thẩm định, giải ngân, giám sát, kiểm tra quá trình sử dụng vốn được tốt hơn.

Cần sử dụng linh hoạt số vốn nhàn rỗi

Tuy nhiên, trong hoạt động đã bộc lộ hạn chế: Vốn chủ sở hữu quỹ bảo lãnh thấp nên mức bảo lãnh cho 1 khách hàng vốn thấp so với nhu cầu của khách hàng; số lượng doanh nghiệp bảo lãnh không nhiều. Trong khi đó, một số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách sử dụng vốn thấp 50% trong thời gian  dài, số vốn chưa sử dụng gửi tổ chức tín dụng thương mại. Vì vậy, hiệu quả sử dụng đồng vốn từ nguồn ngân sách địa phương cấp chưa cao. Trong khi vốn của quỹ bảo lãnh thấp.

Để phát huy hiệu quả ngân sách địa phương, vốn giao cho các quỹ nhưng chưa sử dụng hết, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép sử dụng linh hoạt số vốn nhàn rỗi của các quỹ được gửi vào tổ chức tín dụng thương mại mà quỹ bảo lãnh ký kết phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn để làm cơ sở tính định mức bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn. Kết quả hoạt động cần thực hiện hạch toán độc lập cho từng quỹ. Được như vậy, hiệu quả hoạt động bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn được nhiều hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong điều kiện vốn điều lệ của quỹ bảo lãnh tín dụng bị hạn chế.

Văn Đức Sơn - Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng Vĩnh Phúc