Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5

- Thứ Ba, 02/06/2020, 23:40 - Chia sẻ
Chiều 2.6, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5.

Tại cuộc họp báo, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, phiên họp thường kỳ Chính phủ đã đề cập đến tình hình phòng, chống dịch Covid-19 khi 48 ngày qua Việt Nam không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Phần lớn ca nhiễm Covid-19 đã ra viện. Trong tháng 5, vấn đề khôi phục thị trường nội địa với sức sống mạnh mẽ đã được phát động. Các trung tâm du lịch lớn đón đông du khách nội địa. Các hãng hàng không, ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19 đã trở lại hoạt động tương đối nhộn nhịp. Đồng thời, Chính phủ đã có nhiều hoạt động tháo gỡ, thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là Nghị quyết 84 mới được ban hành và một số nghị quyết khác.

Ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, trong tháng 5, tháng đầu tiên sau giãn cách, nền kinh tế bắt đầu giai đoạn bình thường mới. Số liệu thống kê cho thấy, đã có 5.056 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 32,7%. Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 26,9%; IIP tăng 11,2%; xuất khẩu tăng 5,2% so với tháng trước... Điều này cho thấy nền kinh tế đang bắt đầu dần bình thường trở lại. Tuy vậy, khó khăn phía trước còn rất lớn. Dịch Covid-19 sẽ tiếp tục thử thách sức chống chịu và khả năng bật dậy của nền kinh tế Việt Nam. Doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 5 tăng mạnh 26,9% so với tháng 4 nhưng giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2019.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp

Cũng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, các thành viên Chính phủ thảo luận về các biện pháp mạnh mẽ hơn về chống xâm hại trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em, nhất là trong mùa hè này, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc đối với trẻ em. Các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo, vui chơi giải trí dành cho trẻ em trên toàn quốc cần đánh giá lại rủi ro, đe dọa an ninh, tính mạng của trẻ em. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình bày một số biện pháp, những yếu tố cấu thành giá thịt lợn, trong đó có chi phí thức ăn chăn nuôi, vấn đề giống, tái đàn và đặc biệt là khâu trung gian. Làm sao để giải quyết căn cơ, bài bản vấn đề giá thịt lợn cao nhưng cũng tránh những thời điểm thịt lợn rớt giá, làm tổn hại đến lợi ích người nuôi, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi…

Cũng tại cuộc họp báo, đại diện các bộ, ngành đã trả lời các câu hỏi về doanh nghiệp khó khăn tiếp cận nguồn vốn, việc chi trả tiền hỗ trợ Covid-19, bảo mật thông tin cho người dùng ví điện tử…

Võ Nam