Hội thảo “Nguồn lực đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi”

- Thứ Bảy, 19/10/2019, 20:11 - Chia sẻ
Ngày 19.10, tại TP Hạ Long, Quảng Ninh, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Nguồn lực đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi – Thực trạng và giải pháp”.

Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông; Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, địa phương và các tổ chức quốc tế.


Quang cảnh hội thảo  

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu nhấn mạnh, hội thảo là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, lấy ý kiến tham chiếu của các Bộ, ngành địa phương, các tổ chức quốc tế để làm rõ khả năng nguồn lực bảo đảm cho các  mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, từ đó đặt ra cơ chế, cách thức bố trí ngân sách hàng năm cho các chương trình, dự án cũng như đưa ra bức tranh tổng thể, khái quát về khả năng đáp ứng nhu cầu đầu tư cho miền núi, vùng dân tộc thiểu số trong giai đoạn tới. Qua hội thảo sẽ chỉ ra những yếu tố hợp lý, thuận lợi trong công tác cân đối ngân sách nhà nước cho các chính sách, chương trình, dự án đầu tư đối với miền núi, vùng dân tộc thiểu số cần tiếp tục được kế thừa, tổ chức thực hiện; chỉ ra những khó khăn, bất cập cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách trong thời gian tới; đưa ra những đề xuất, kiến nghị giải pháp hoàn thiện cơ chế cân đối, phân bổ nguồn lực trong giai đoạn tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn, phù hợp với điều kiện của đất nước và đáp ứng được yêu cầu phát triển của các vùng, miền, địa phương. 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hệ thống chính sách dân tộc được xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện tương đối toàn diện, bao phủ hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đạt nhiều thành tựu quan trọng như: tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh vùng dân tộc thiểu số khá nhanh, hạ tầng cơ sở (đường giao thông, đường điện, trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi…) được đầu tư đồng bộ; phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân; tỷ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và nhà nước được củng cố và tăng cường.

Tuy nhiên, vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là nơi khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là nội dung chính sách còn bất cập, chính sách tản mạn, vốn đầu tư dàn trải, tổ chức thực hiện chưa hợp lý... dẫn đến hiệu quả chính sách thấp, tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn trước việc chính sách ban hành ra nhưng không có nguồn lực thực hiện. Các đại biểu này đề nghị, các Bộ, ngành Trung ương giải trình làm rõ các vấn đề cơ cấu nguồn lực, các khâu tổ chức thực hiện phân bổ nguồn lực để triển khai các chính sách an sinh xã hội vùng dân tộc thiểu số; cơ chế phân bổ nguồn lực cần tập trung vào các vùng thực sự khó khăn cần ưu tiên; còn tình trạng chậm trễ trong việc cấp phát giải ngân theo Quyết định 2085 và Quyết định 2086 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số…

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các ý kiến tham luận của các Bộ, ngành địa phương, các tổ chức quốc tế về một số nội dung như: việc cân đối ngân sách nhà nước cho các chính sách, chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 – 2025; giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; thực trạng và giải pháp về cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với các chính sách cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 – 2025; nhu cầu về nguồn lực thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2025…

Phát biểu bế mạc tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu ghi nhận ý kiến của các đại biểu; cho rằng, đây là những vấn đề còn bất cập, khó khăn đòi hỏi phải đổi mới trong thời gian tới. Hội đồng Dân tộc sẽ làm hết trách nhiệm để thẩm định đề án của Chính phủ, thẩm tra báo cáo của Chính phủ, đưa ra ý kiến đề nghị QH xem xét, thông qua Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng khẳng định, Đề án này sẽ đánh dấu một giai đoạn mới trong chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tin và ảnh: Bùi Linh – Sĩ Nghiêm