Hội thảo Nâng cao hiệu quả Kỳ họp Quốc hội

- Thứ Hai, 08/07/2019, 14:43 - Chia sẻ
Ngày 8.7, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (VPQH) phối hợp với Cơ quan quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo Nâng cao hiệu quả Kỳ họp QH. Phó Chủ nhiệm VPQH Phạm Thúy Chinh, Giáo sư Tsuboi Yoshiharu, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn của Dự án JICA đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện Thường trực HĐDT, các Ủy ban của QH, các ĐBQH chuyên trách tại địa phương, lãnh đạo các vụ của VPQH, đại diện một số Văn phòng Đoàn ĐBQH một số tỉnh, thành cùng các chuyên gia đến từ Văn phòng Hạ viện Nhật Bản và trụ sở Jica tại Tokyo (Nhật Bản); Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam Konaka Tetsuo.  


Phó Chủ nhiệm VPQH Phạm Thúy Chinh phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm VPQH Phạm Thúy Chinh nêu rõ: Hội thảo là hoạt động tiếp nối các kết quả đã đạt được của Dự án “Tăng cường năng lực cho VPQH Việt Nam”. Mặc dù, tổ chức và hoạt động của QH Việt Nam và Nhật Bản có những điểm không giống nhau, nhưng cũng có những điểm tương đồng, trong đó có điểm chung quan trọng là mọi quyết định cuối cùng của QH đều được thực hiện tại phiên họp toàn thể. Nghị viện Nhật Bản được biết đến là một trong những nghị viện hoạt động chuyên nghiệp, công khai và dân chủ. Theo Phó Chủ nhiệm VPQH, phải chăng đó là do tính khoa học trong vận hành của QH Nhật Bản, trong đó phải kể đến công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho kỳ họp, sự kết nối chặt chẽ giữa phiên họp của các Ủy ban với phiên họp toàn thể của QH...

Phó Chủ nhiệm VPQH cũng cho biết, qua nhiều hội thảo, tọa đàm cũng như đoàn nghiên cứu, làm việc giữa hai bên, VPQH Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ tận tình, chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản, từ kỹ thuật lập pháp, soạn thảo dự án luật, điều hành kỳ họp QH đến kỹ năng phục vụ ĐBQH... Hội thảo này thêm cơ hội để VPQH Việt Nam thu nhận những kinh nghiệm quý báu trong vận hành của QH Nhật Bản, từ đó có những đề xuất phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả kỳ họp, nhất là phiên họp toàn thể của QH Việt Nam…

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam Konaka Tetsuo nhấn mạnh: Dự án “Tăng cường năng lực cho Văn phòng Quốc hội Việt Nam” nhằm mục đích nâng cao năng lực hỗ trợ cho QH trong thực hiện chức năng lập pháp, đại diện cho người dân, những kinh nghiệm chia sẻ từ thực tiễn hoạt động của QH Nhật Bản sẽ cung cấp những thông tin hữu ích, những khuyến nghị để nâng cao hiệu quả điều hành, cũng như hoạt động của QH Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, hiệu quả hoạt động của QH thể hiện qua hiệu quả của kỳ họp QH. Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của QH, trước tiên cần quan tâm đến hiệu quả kỳ họp QH. Trong các nhiệm kỳ gần đây, QH Việt Nam đã có nhiều cải tiến, đổi mới tại phiên họp, đã mang lại những hiệu ứng tích cực, trong đó có việc học hỏi kinh nghiệm hoạt động của QH Nhật Bản. Quy trình, thủ tục tiến hành các hoạt động lập pháp tại kỳ họp được thực hiện theo hướng tăng tính chủ động, chặt chẽ, minh bạch, dân chủ. Số lượng và chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết đều được nâng lên thể hiện rõ rệt qua từng nhiệm kỳ QH. Các luật được QH thông qua đã bám sát yêu cầu của cuộc sống và đáp ứng các tiêu chí của hệ thống pháp luật về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch; xử lý tốt những vấn đề phức tạp, phản ánh đầy đủ và sát hơn thực tiễn xã hội.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, kỳ họp QH Việt Nam còn những khó khăn, hạn chế cần tiếp tục nghiên cứu và có giải pháp khắc phục để nâng cao hiệu quả trong thời gian tới. Đó là, trong hoạt động lập pháp, việc chuẩn bị dự án luật còn chậm hoặc mức độ hoàn thiện chưa cao; vẫn còn tình trạng điều chỉnh chương trình, không ít dự án đưa vào chương trình lại phải điều chỉnh tiến độ, thậm chí đưa ra khỏi chương trình và phải bổ sung một số dự án mới vào chương trình, điều này dẫn đến phải điều chỉnh chương trình của kỳ họp QH. Việc phối hợp giữa các Ủy ban của QH trong thẩm tra, hoàn thiện dự án luật chưa chặt chẽ, hiệu quả; chưa có biện pháp nâng cao trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra.Trong hoạt động giám sát chưa có quy định về hình thức, nội dung của báo cáo công tác, thiếu chuẩn mực chung, những thông tin cần thiết để ĐBQH có căn cứ đánh giá đối tượng chịu sự giám sát; một số cơ quan được giám sát chưa thực hiện nghiêm túc yêu cầu của các đoàn giám sát. Trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, một số đề án, công trình quan trọng chưa được chuẩn bị kỹ, chưa làm rõ được cơ sở khoa học thực tiễn hoặc chưa có các giải pháp thực thi rõ ràng nên khó khăn cho thảo luận, quyết định tại kỳ họp…

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe, thảo luận về một số vấn đề về kỳ họp QH Việt Nam; quá trình thay đổi phiên họp toàn thể QH Nhật Bản; thủ tục thẩm tra dự thảo luật tại Phiên họp toàn thể; thủ tục thẩm tra dự thảo luật tại các Ủy ban của QH; đặc trưng của QH Nhật Bản dựa trên so sánh QH hai nước. 

Hà An