Hội thảo đánh giá giữa kỳ Chương trình Quốc gia gia việc làm bền vững

- Thứ Tư, 17/07/2019, 13:32 - Chia sẻ
Ngày 17.7, tại Hà Nội, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã tổ chức Hội thảo rà soát giữa kỳ Chương trình hợp tác Quốc gia Việt Nam - ILO về việc làm bền vững giai đoạn 2017-2021. Hội thảo nhằm đánh giá tiến độ và hiệu quả triển khai giai đoạn đầu của Chương trình; rút kinh nghiệm và đề xuất các chỉnh sửa để thúc đẩy hiệu quả của Chương trình trong giai đoạn sau.

Đây là Chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và ILO nhằm hướng tới mục tiêu việc làm bền vững ở các nước thành viên trên toàn cầu. Chương trình Quốc gia việc làm bền vững Việt Nam ILO xây dựng 3 ưu tiên Quốc gia là: Thúc đẩy việc làm bền vững, tạo môi trường thuận lợi cho các cơ hội kinh doanh bền vững; giảm đói nghèo thông qua hoạt động bao phủ an sinh xã hội tới tất cả mọi người và giảm tất cả mọi hình thức việc làm không thể chấp nhận được, nhất là đối với những đối tượng dễ bị tổn thương; xây dựng cơ chế quản trị thị trường lao động hiệu quả tuân thủ những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.


Giám đốc Văn phòng Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam Chang – Hee Lee phát biểu

Sau hai năm thực hiện, Chương tình đã góp phần đẩy nhanh việc xây dựng Dự án Luật Lao động (sửa đổi); tập trung thể chế hóa các quan điểm về quan hệ lao động; phát huy hơn nữa quyền bình đẳng giữa người lao động và người sử dụng lao động; tăng cường đối thoại nơi làm việc, phát huy dân chủ, sáng tạo của người lao động, tạo sự cởi mở trong quan hệ lao động giữa người lao động, đại diện người lao động và chủ sử dụng lao động. Chương trình cũng đã góp phần đẩy nhanh việc thông qua và ban hành Đề án cải cách chính sách BHXH, chính sách tiền lương. Đặc biệt, năm 2019, Việt Nam đã tham gia vào 3 công ước kỹ thuật quan trọng của ILO: Công ước só 88 về tổ chức dịch vụ việc làm; Công ước số 159 về việc làm cho người khuyết tật và Công ước số 98 về Áp dụng những nguyên tắc quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ, TB và XH) Hà Thị Minh Đức, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là khi Việt Nam đã ký kết và chuẩn bị triển khai các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã làm xuất hiện nhiều chính sách, xu hướng, thách thức mới về lao động - việc làm trên toàn cầu và trong nước. "Do đó, chúng ta cần chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện về nội dung và cách thức phối hợp để việc triển khai Chương trình trong giai đoạn từ nay đến 2021 thực sự đáp ứng các mục tiêu, ưu tiên quốc gia và phù hợp với xu thế toàn cầu" – Bà Hà Thị Minh Đức nhấn mạnh.


Toàn cảnh Hội thảo

Đánh giá về việc thực hiện các ưu tiên của Chương trình, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Chang – Hee Lee cho rằng, đối với ưu tiên quốc gia thứ nhất là thúc đẩy việc làm bền vững, tạo môi trường thuận lợi cho các cơ hội kinh doanh bền vững: Cùng với Bộ LĐ, TB và XH, các cơ quan hữu quan giúp Chính phủ xây dựng được các biện pháp tiếp cận chính sách để có thể chính thức hóa các lĩnh vực lao động, việc làm; giúp Việt Nam có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu ở mọi ngành nghề khác nhau. Đây là điều quan trọng giúp các nhà sản xuất Việt Nam tiếp cận thị trường kể cả trong và ngoài nước tốt hơn. Bên cạnh đó, Chương trình cũng đã đào tạo, nâng cao kỹ năng làm việc cho các thế hệ người lao động trong tương lai.

Đối với ưu tiên thứ hai về giảm đói nghèo thông qua hoạt động bao phủ an sinh xã hội tới tất cả mọi người và giảm tất cả mọi hình thức việc làm không thể chấp nhận được, nhất là đối với những đối tượng dễ bị tổn thương. Chương trình giúp Việt Nam xây dựng chiến lược an sinh xã hội đến 2035; có nhiều hỗ trợ thông qua hệ thống an sinh xã hội; xây dựng các nghị quyết về lĩnh vực an sinh xã hội nhằm thực hiện Nghị quyết 27…- đây là chính sách mang tính đột phá cho Việt Nam.

Đối với ưu tiên thứ ba về xây dựng cơ chế quản trị thị trường lao động hiệu quả tuân thủ những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động: Chương trình góp phần cải thiện mối quan hệ lao động, năng suất lao động cho một số ngành như: da dày, chế biến gỗ, chế biến thủy sản, điện tử, may mặc… giúp đưa ra những cam kết thỏa thuận có lợi, tốt  nhất cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Ngoài ra, Chương trình còn góp phần thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động của ILO theo Công ước 98; thúc đẩy công tác thanh tra về lao động, việc làm…

Thái Bình