Dự thảo Nghị quyết giải thích về một số điều của Luật Quy hoạch

Hồi sinh cái đã hết hiệu lực?

- Chủ Nhật, 11/08/2019, 08:10 - Chia sẻ
Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Kinh tế lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết giải thích về một số điều của Luật Quy hoạch (gọi tắt là Dự thảo) diễn ra mới đây, các đại biểu thẳng thắn cho rằng, bản chất là ban soạn thảo muốn quay về cách làm cũ “chỉ có tôi với anh mang tờ giấy A4 lên là xong vốn để lại nhiều hệ lụy”, thay vì phải thông qua Hội đồng thẩm định quốc gia để khách quan hơn. Thậm chí, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh ví von, cách làm theo Dự thảo là đang muốn hồi sinh cái đã hết hiệu lực, tức “tồn tại 2 hệ thống pháp luật” là không ổn.

“Chưa theo ngôn ngữ xây dựng pháp luật”

Luật Quy hoạch được QH thông qua tại Kỳ họp thứ Tư, QH Khóa XIV, có hiệu lực từ ngày 1.1.2019. “Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn có một số cách hiểu khác nhau về một số quy định của Luật”, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ.

Cụ thể, về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch quy định tại Điều 6 Luật Quy hoạch, khi triển khai lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030, một số bộ, ngành và địa phương cho rằng việc lập quy hoạch theo thứ bậc từ trên xuống dưới song địa phương khác lại cho rằng phải lập đồng thời thì mới bảo đảm tiến độ. Do vậy, để bảo đảm thống nhất cách hiểu, Dự thảo giải thích theo hướng: Việc triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan được thực hiện đồng thời. Các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 được quyết định hoặc phê duyệt độc lập, trường hợp sau khi được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn, các quy định cấp dưới phải điều chỉnh theo cấp cao hơn.

Về quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực theo quy định tại điểm a và c Khoản 1 Điều 59, đối với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được tiếp tục thực hiện, điều chỉnh đến khi có quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 thay thế. Đối với các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo điểm c Khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch, Dự thảo giải thích theo hướng những quy hoạch này được điều chỉnh nội dung cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; trình tự, thủ tục điều chỉnh được áp dụng theo quy định trước ngày 1.1.2019.

Đối với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 đã lập, thẩm định trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực quy định tại Khoản 2 Điều 59 Luật Quy hoạch thì giải thích theo hướng: Các quy hoạch đã tổ chức lập nhưng chưa thẩm định thì tiếp tục tổ chức thẩm định và quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật. Các quy hoạch đã tổ chức thẩm định nhưng chưa được quyết định hoặc phê duyệt thì tiếp tục thực hiện quyết định và phê duyệt. Trong quá trình tổ chức thẩm định và quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch chỉ thẩm định và quyết định hoặc phê duyệt về nội dung quy hoạch, không phải thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Quy hoạch (khoản 4 Điều 1 Dự thảo).

Trước khi cho ý kiến về các nội dung trong Dự thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên đề nghị: “18h hôm qua văn bản của Chính phủ mới gửi sang đến đây, chiều nay đã thẩm tra thì phải ghi rõ trong kết luận thẩm tra là việc trình như thế không bảo đảm đúng theo tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Điều này đã nhắc rất nhiều lần rồi!”.

Cũng theo ông Kiên, việc giải thích Điều 6 về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch thì “cơ bản chúng tôi đồng ý”. Tuy nhiên, Chính phủ trình Dự thảo lần này “chưa theo ngôn ngữ xây dựng pháp luật, đề nghị viết lại theo văn bản pháp luật để phù hợp giọng văn của Nghị quyết UBTVQH về giải thích luật”.


Nguồn: Vneconomy

Nội dung dự thảo không đúng phạm trù văn bản giải thích luật

Một trong những nguyên nhân được ban soạn thảo viện dẫn là “nếu phải tổ chức lập, thẩm định lại theo quy định của Nghị định số 37/2019/NĐ - CP sẽ lãng phí nguồn lực và kéo dài thời gian lập quy hoạch”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng QH giao Chính phủ quy định chi tiết thì Chính phủ hãy sửa Nghị định đi. “Nói như thế khác nào nói cả Chính phủ thiếu trách nhiệm!”, ông Kiên gay gắt.

Thêm vào đó, việc cho rằng trong quá trình thực hiện quy hoạch phát triển điện lực xuất hiện nhiều phát sinh từ thực tiễn cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch như việc thay đổi cơ chế, chính sách phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn đầu tư để được hưởng chính sách ưu đãi... Ông Kiên thẳng thắn: “Ở đây nói về Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chính sách giá điện năng lượng tái tạo. Đấy là do chính sách của Chính phủ thay đổi chứ, tại sao một quyết định của Thủ tướng ban hành ra mà bắt cả một bộ luật phải đi theo thì tính pháp lý ở đâu?”.

Từ đó, theo ông Kiên, trước hết, ban soạn thảo cần quay trở lại với bản dự thảo mà Ủy ban Kinh tế chuyển sang Văn phòng Chính phủ hôm 7.7 vừa qua. Đồng thời lưu ý, việc giải thích trong Khoản 4 Điều 1 của Dự thảo Nghị quyết đồng nghĩa cho dừng lại Điều 16 Luật Quy hoạch về quy trình lập quy hoạch. Song, “văn bản giải thích pháp luật của UBTVQH không đủ thẩm quyền để trình dừng lại thực hiện một điều luật nào”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đánh giá, bản chất của tờ trình Dự thảo là muốn thay đổi chỉ vì ban soạn thảo cho rằng việc áp dụng quy định của Luật Quy hoạch mới sẽ mất nhiều thời gian hơn, không bảo đảm sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành. Thế nhưng, “không ai gạch ra tốn kém bao nhiêu thời gian”.

Cũng theo vị chuyên gia này, cách làm trước đây chỉ có “tôi với anh mang tờ giấy A4 lên là xong” vốn để lại nhiều hệ lụy. Do đó cần làm luật mới là phải thông qua Hội đồng thẩm định quốc gia thay vì chỉ có hai bên để khách quan hơn. “Dự thảo lần này lại phấn đấu mục tiêu duy nhất là cho chúng tôi được làm theo kiểu cũ”. Việc cơ quan soạn thảo cho rằng “để bảo đảm sự linh hoạt” mà thay đổi thì không thuyết phục!

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh bình luận, trong Điều 1 Dự thảo giải thích mối quan hệ giữa các loại quy hoạch rằng việc lập quy hoạch thì “đồng thời” còn việc quyết định hay phê duyệt lại “độc lập” là “cực nguy hiểm, trái với nguyên tắc căn bản về tính đồng bộ”. “Giả sử cấp tỉnh xây dự án xong rồi, mai kia cấp Trung ương có đường chạy qua thì sẽ bỏ dự án đó?”, ông Sinh nêu vấn đề và cho rằng, cách làm này sẽ gây tốn kém cực lớn, chưa kể “viết thế này cho thấy tất cả các quy hoạch đã hết hiệu lực được cho sống lại, tức tồn tại 2 hệ thống pháp luật thì không ổn”.

Trong suốt phiên họp, không dưới một lần, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tỏ ý tiếc nuối. Nhiều giả thiết được ông nêu ra, nếu như Nghị quyết số 11/NQ - CP ngày 5.2.2018 về triển khai thi hành Luật Quy hoạch của Chính phủ thực hiện được, nếu như tài liệu của Chính phủ gửi sớm hơn thay vì các thành viên Ủy ban Kinh tế nhận được vào cuối giờ chiều hôm trước… Thêm nữa, căn cứ vào 3 nguyên tắc giải thích luật theo Điều 158 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, “các nội dung dự thảo đưa ra không phù hợp, vì yêu cầu chỉ giải thích những cái có cách hiểu khác nhau chứ bây giờ lại đưa ra nội dung mới rồi bảo dừng thực hiện là rất khó”. Do vậy, “rất tiếc nội dung đưa ra hôm nay khó có sự  đồng thuận của Ủy ban Kinh tế”, ông Thanh nói.

Vũ Thủy