Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Luật Thanh niên

- Thứ Năm, 01/08/2019, 18:41 - Chia sẻ
Ngày 1.8, tại TP Đà Nẵng, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tổ chức Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện Luật Thanh niên và những kiến nghị cho Luật Thanh niên (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì Hội nghị.

Sau khi đại diện cơ quan soạn thảo trình bày dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), Hội nghị đã nghe các đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo VPQH, Bộ Nội vụ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các ĐBQH TP Đà Nẵng  và các tỉnh Hà Tĩnh, Phú Thọ, Vĩnh Long; Thường trực HĐND một số địa phương khu vực Miền Trung và Tây Nguyên… tham luận, đóng góp ý kiến vào việc thực hiện Luật Thanh niên (2005) và dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) đã xin ý kiến QH ở kỳ họp vừa qua.


Toàn cảnh hội nghị 

Đa số ý kiến đều thống nhất, Luật Thanh niên 2005 đã không còn phù hợp do quan điểm tăng trưởng của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, và đặc biệt là sau khi QH thông qua Hiến pháp 2013. Do đó, việc sửa đổi Luật Thanh niên 2005 là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên phù hợp với tình hình mới; đồng thời phát huy đầy đủ vai trò xung kích, quyền và nghĩa vụ của thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Chia sẻ quan điểm của mình, nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH, GS Trần Ngọc Đường cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật quy định cần rõ ràng và bao quát đến đối tượng chính là thanh niên. Theo ông, dự án Luật muốn theo hướng để điều chỉnh những vấn đề về phát triển thanh niên thì phải đặt đối tượng thanh niên làm trung tâm. Tuy nhiên, những quy định, chính sách cho phát triển thanh niên đưa sau cùng và còn mờ nhạt, không rõ. Nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim đặt vấn đề: Phải tách bạch được công tác quản lý nhà nước về công tác thanh niên với tập hợp thanh niên. Bên cạnh đó, cũng cần xác định rõ cơ quan quản lý nhà nước về công tác thanh niên cho xứng tầm với nhiệm vụ. Theo những nghiên cứu của chuyên gia, một số quốc gia đã có Bộ thanh niên (thường gộp với thể thao), hoặc ủy ban chuyên trách về công tác này. Như vậy mới đề cao được trách nhiệm xã hội công tác thanh niên, không gây ức chế, kìm hãm sự sáng tạo của thanh niên; cũng không để cơ quan không có chuyên môn, nghiệp vụ về công tác thanh niên quản lý đội ngũ này.

Theo quan điểm của một số ĐBQH khác, thanh niên cũng là công dân và cũng như những người khác được pháp luật điều chỉnh. Vì thế, Luật Thanh niên (sửa đổi) nên chọn những quy định nào để giúp thanh niên phát triển trong điều kiện hiện nay, có thể theo những nhóm như quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của thanh niên; trách nhiệm của tổ chức thanh niên như hội, đoàn thể đối với sự phát triển thanh niên; trách nhiệm của gia đình, nhà trường với phát triển của thanh niên; và trách nhiệm của nhà nước để thanh niên phát triển, gắn với việc tổ chức thực hiện chính sách đối với thanh niên…

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình nhấn mạnh: thanh niên là đội ngũ quan trọng không chỉ với chế độ, mà còn với tương lai của dân tộc, của đất nước. Câu chuyện xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới, giàu lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có bản lĩnh chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, có tri thức, sức khỏe, kỹ năng, sống có văn hóa, nghĩa tình, tiếp nối truyền thống hào hùng của Đảng, của dân tộc, nêu cao lòng yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, không ngại khó khăn, gian nan, tình nguyện vì cộng đồng; sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội; có ý thức vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng… cũng cần được tính đến.

Theo thống kê, lực lượng thanh niên chiếm khoảng 20% dân số, vì vậy Luật Thanh niên (sửa đổi) phải tính đến đối tượng điều chỉnh không chỉ là những thanh niên tốt, thanh niên tích cực mà còn bao trùm toàn bộ đối tượng này. Sau Hội nghị này, Ủy ban sẽ tiếp tục tổng hợp, chỉnh lý trước khi trình QH tại kỳ họp tới.

Tin, ảnh: LÊ TÙNG