“Hồi ký Anh Thơ” - Lời thương “từ bến sông Thương”

- Chủ Nhật, 25/08/2019, 08:48 - Chia sẻ
Cuộc đời của nữ sĩ sông Thương, vận mệnh, tài hoa, tấm lòng mãnh liệt với thi ca, hay tinh thần ái quốc, sự can đảm của người cầm bút làm cách mạng… hết thảy đều giống như một giai thoại thần kỳ.

“Trước phòng viết của tôi, mặt biển Hắc Hải lặng gương. Mảnh trăng như chiếc lược vàng, cài ngang bóng thông trên đỉnh núi. Hương hồng, không khí như bằng hương hồng, bao quanh cửa sổ. Cảnh đẹp, nhưng buồn vì vắng người thân, vì xa nước. Tôi nhớ tới bến sông Thương những đêm thu nước cũng lặng như gương, cũng mảnh trăng như chiếc lược vàng cài bóng thông xa. Chỉ khác là đất trời sông Thương đượm hương hoa ngâu, hương hoa lý, hương mùa thu vàng quê hương. Rồi tôi nhớ… Bao mùa thu qua đi từ mùa thu Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác, lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay....” (Trích “Hồi ký Anh Thơ”).

Tôi đọc tập hai “Hồi ký Anh Thơ” do chị Cẩm Thơ sưu tầm và hiệu đính, lại nghĩ tới Hứa An Hoa làm phim về nhà văn Tiêu Hồng, tới Bạch Lạc Mai viết về Trương Ái Linh, thế là cuối cùng tôi cũng tìm được một người khiến tôi ái mộ. Cuộc đời của nữ sĩ sông Thương, vận mệnh, tài hoa, tấm lòng mãnh liệt với thi ca, hay tinh thần ái quốc, sự can đảm của người cầm bút làm cách mạng…, hết thảy đều giống như một giai thoại thần kỳ. 

“Trương Ái Linh lựa chọn đi trên con đường văn chương, không chỉ vì giấc mơ thiên tài của cô, mà cũng vì đây là phương thức sinh tồn của cô trên trần thế này. Cho nên, cô chưa bao giờ nghi ngờ giấc mơ của chính mình. Cô hiểu, chỉ cần chắp cánh cho giấc mơ, sẽ có một ngày bay đi vạn dặm...” (Bạch Lạc Mai, bản dịch của Lục Bích). 

Anh Thơ cũng vậy, bà lựa chọn đi trên con đường thơ ca, không chỉ vì giấc mơ thiên tài của bà, mà còn vì đó chính là phương thức sinh tồn và đấu tranh của bà đối với một xã hội “trọng nam khinh nữ” lúc bấy giờ. 

“Là một ông Tú Nho học của khoa thi Hương cuối cùng, vì mẹ già con đông, lại nhà nghèo, bố tôi phải đi làm thừa phái cho đám tri huyện trẻ có Tây học… Khi bố tôi vớ được những bài thơ của tôi lần thứ hai, ông nọc tôi ra giữa nhà, sai chị sen đi lấy thanh củi tạ. Ông vừa định nện thì chị sen đã lăn ra đè lên người tôi. Bố không đánh được tôi lần ấy thì coi như giam lỏng tôi trong nhà. Nhưng thật lạ, bố tôi càng cấm, tôi lại càng mê làm thơ, mặc ông diếc móc, đay nghiến không tiếc lời. Làm thơ rồi lãng mạn. Lãng mạn rồi “điếm nhục gia phong”! Tôi im lặng trước tất cả những lời bố nói, nhưng trong đầu luôn luôn nghĩ mưu mẹo, làm sao giấu được bố tôi để làm thơ, làm thơ thật hay, đăng trên báo để bố tôi đừng khinh tôi là vô học, là nữ nhân nan hoá...”. Đọc tới đây tôi lại nhớ tới nhà văn Tiêu Hồng, giữa thời loạn lạc, khói lửa đao binh, đã nói trong nước mắt rằng: “Tất cả những gì tôi muốn, là được viết văn trong hòa bình”.

Nhân duyên buồn bã của Tiểu Hồng với hai nhà văn khác là Tiêu Quân và Đoạn Mộc Hống Lương, hay mối tình tưởng khuynh thành lại chẳng bền lâu của Trương Ái Linh với Hồ Lan Trường khiến người ta hâm mộ sự ung dung, khí chất và phẩm vị của Anh Thơ trong cách bà đáp lại kiểu ái tình của Nguyễn Bính. Và khi bà viết về thi sĩ Cẩm Văn. “Chưa bao giờ tôi thấy anh đẹp một cách xuất thần như vậy. Tiếng anh ngâm thơ, vượt lên muôn trùng sóng gió. Tôi tưởng tôi đang sống trong cõi mộng, đang dắt tay anh, bay trên sóng biển rợn vàng...”.

Tôi cũng thích một câu mà Cẩm Văn nói với Anh Thơ: “Cuộc đời tôi bị tù hãm ở thành phố nhiều năm. Tôi rất thèm sống với biển rộng, núi cao, với người bạn đời tri âm, để cùng nhau lo sáng tác. Cô không biết đâu, những thiếu niên như chúng tôi bây giờ, có đầu óc một chút, thì nhiều nỗi buồn chán lắm...”. 

“Thiếu niên như chúng tôi bây giờ, có đầu óc một chút thì nhiều nỗi buồn chán lắm!” - Câu này khiến tôi nghĩ tới những người trẻ(trong đó có tôi) đã có lúc để tuổi trẻ trôi đi trong tiếng thở dài và những cú tặc lưỡi, thay vì dám sống một cách đầy nhiệt huyết và dũng khí. Cũng thua xa thiếu nữ Anh Thơ ngày ấy, dám vì văn chương mà chọn đi con đường gian khổ, lại vì cách mạng mà nguyện theo con đường hiểm nguy, tài hoa tuyệt định lại dũng khí vô song. 

Người con gái sông Thương ấy, có lẽ cũng giống như Trương Ái Linh khi đứng trước sông Hoàng Phố và Tiêu Hồng ở Hô Lan hà, cho dù cảm nhận được hai bên bờ, bến sông phồn hoa, lại vẫn bước chân xuống con thuyền độc mộc, đi vào con đường văn chương đầy sóng gió. “Người con gái bị tháng năm vứt bỏ ấy, lại khoan thai bước ra từ ngõ nhỏ năm xưa. Cô vận một chiếc sườn xám bằng gấm trắng, đi qua mưa khói Dân Quốc, vượt vòng tuần hoàn của bốn mùa, còn thứ vương vãi khắp trên mặt đất đó, chính là ký ức thanh mát như bạc hà”.

Những vần thơ của Anh Thơ, trong ký ức của chúng tôi, như sông, như mưa, lại như hoa theo gió, cũng là bấy nhiêu thanh mát, bấy nhiêu vĩnh hằng:

“Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng, 

Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi

Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng,

Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời...”

Quỳnh Lê