Cơ quan phụ trách bầu cử

Hội đồng Quản lý bầu cử Nhật Bản: Mô hình hỗn hợp

- Thứ Sáu, 26/09/2014, 08:46 - Chia sẻ
Ở Nhật Bản các cuộc bầu cử Hạ viện, Thượng viện và bầu cử ở địa phương được giám sát bởi các ủy ban bầu cử dưới sự chỉ đạo chung của Hội đồng Quản lý Bầu cử Trung ương thuộc Bộ Nội vụ và Truyền thông. Đây là mô hình hỗn hợp có số lượng các quốc gia theo ít nhất trong số các mô hình đang tồn tại phổí biến trên thế giới.

Nhiệm vụ của Hội đồng Quản lý Bầu cử Trung ương là phụ trách việc bầu cử hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ theo quy định của hệ thống bầu cử của Nhật Bản. Hội đồng Quản lý Bầu cử Trung ương là cơ quan độc lập, gồm 5 thành viên được bổ nhiệm bởi Thủ tướng trên cơ sở tiến cử của Quốc hội. Nhiệm kỳ của các thành viên 3 năm.


Vận động tranh cử ở Nhật Bản
Chính thể nhà nước Nhật Bản được tổ chức theo phương thức kiểm soát giữa các nhánh quyền lực và bảo đảm sự phân quyền, tự quản cho các địa phương. Mặc dù vậy, các cơ quan bầu cử các cấp có mối quan hệ thông qua các chỉ dẫn và đề xuất. Theo đó, Hội đồng Quản lý bầu cử Trung ương đưa ra các chỉ dẫn và đề xuất kỹ thuật cho các quận, thành phố, cũng như hướng dẫn về mặt pháp lý đối với các vấn đề liên quan đến bầu cử Hạ viện và Thượng viện trên cơ sở hệ thống bầu cử đại diện tỷ lệ. Bộ Nội vụ và Truyền thông có quyền đưa ra các chỉ dẫn và đề xuất kỹ thuật cho các quận, thành phố, và lãnh đạo các cơ sở này trong việc tổ chức bầu cử các thành viên Hạ Nghị viện và Thượng Nghị viện theo hệ thống bầu cử đa số một thành viên.

Các Ủy ban Quản lý bầu cử cấp tỉnh có trách nhiệm phụ trách việc bầu cử hạ nghị sỹ theo hình thức bầu cử đa số một đại diện và bầu cử các thượng nghị sỹ từ các đơn vị bầu cử, thống đốc từ các tỉnh và các thành viên của hội đồng địa phương cấp tỉnh. Các ủy ban quản lý bầu cử cấp tỉnh gồm có 4 thành viên được chọn bởi các hội đồng cấp tỉnh với nhiệm kỳ 4 năm.


Ủy ban Quản lý bầu cử cấp tỉnh và đô thị chịu trách nhiệm về quy trình bầu cử, quản lý bầu cử và liên quan đến các vấn đề bầu cử. Các ủy ban này có vị trí độc lập, công bằng và không thiên vị. Việc tham gia vào Ủy ban quản lý bầu cử cấp tỉnh, thành để mở cho những người là đảng viên hoặc không phải là đảng viên của các đảng phái tham gia. Các ủy ban này cũng có quyền đưa ra các chỉ dẫn và đề xuất về kỹ thuật cho các ủy ban quản lý bầu cử cấp dưới.

Ủy ban Quản lý bầu cử cấp thành phố, thị xã (thành phố, thị trấn và làng) có trách nhiệm quản lý các cuộc bầu cử các lãnh đạo của địa bàn cấp thành phố, thị xã và các thành viên của Hội đồng thành thị. Ủy ban gồm có 4 người và được Hội đồng thành thị lựa chọn với nhiệm kỳ 4 năm. Các ủy ban quản lý bầu cử còn được thành lập ở một số khu vực đặc biệt tại các khu vực hành chính của 12 thành phố trong Tokyo để thực hiện các chức năng được giao phó.

Ngoài các ủy ban được liệt kê ở trên, trong hệ thống bầu cử của Nhật còn có một số cơ quan liên quan đến hoạt động quản lý bầu cử khác như: tiến hành quản lý bầu cử hoặc kiểm phiếu, tiến hành giám sát bầu cử và kiểm phiếu; tổ chức các buổi họp về bầu cử (chịu trách nhiệm tuyên bố người trúng cử); tổ chức các buổi nhóm họp (chịu trách nhiệm kiểm phiếu trong phạm vi cấp tỉnh đối với cuộc bầu cử vào Hạ viện và Thượng viện theo hệ thống đại diện tỷ lệ).

Theo tài liệu của Thư viện Quốc hội