Hội đồng Dân tộc cần thẩm tra vấn đề dân tộc trong các dự luật

- Thứ Hai, 23/03/2020, 17:35 - Chia sẻ
Chiều 23.3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, có ý kiến đề nghị, dự thảo luật cần quy định rõ, Chính phủ phải xin ý kiến Hội đồng Dân tộc về các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chính sách dân tộc.

Một vấn đề được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quan tâm là, quy định trách nhiệm tham gia thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc đối với dự án luật, pháp lệnh, Nghị quyết, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu rõ, tại Điều 69, Luật Tổ chức Quốc hội quy định thẩm quyền của Hội đồng Dân tộc là thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong các dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, UBTVQH và tham gia ý kiến về việc ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc của Chính phủ. Như vậy, Luật quy định Hội đồng Dân tộc có trách nhiệm thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong các dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, UBTVQH. Quy định này là thẩm quyền bắt buộc, cũng là cụ thể hóa Điều 75 Hiến pháp, khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc, Chính phủ phải lấy ý kiến Hội đồng Dân tộc. Hiến pháp và luật đã rõ, nhưng thời gian qua hầu như không thực hiện được các quy định này. Trừ Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua, Hội đồng Dân tộc chưa bao giờ thẩm tra các chính sách về dân tộc dù trước đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tới 118 chính sách về lĩnh vực này. 


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành Phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết thêm, theo Luật Tổ chức Chính phủ, Chính phủ có hai chức năng, trình dự án luật, pháp lệnh có liên quan đến chính sách dân tộc. Một là, Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội về chính sách dân tộc; hai là, Chính phủ ban hành chính sách cụ thể thực hiện chính sách dân tộc. Hai lĩnh vực này, Hội đồng Dân tộc chưa được thực hiện theo đúng quy định. Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần nêu rõ hai điểm, Hội đồng Dân tộc được tham gia thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chính sách dân tộc thì Chính phủ phải xin ý kiến Hội đồng Dân tộc. 


Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Cùng quan điểm này, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, Hội đồng Dân tộc có vị trí, vai trò quan trọng, ngay cả trong phiên họp của Chính phủ cũng bắt buộc có sự tham gia của Hội đồng Dân tộc. Điều này cũng chứng tỏ sự quan tâm của chúng ta đối với chính sách dân tộc. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh lưu ý, nếu Hội đồng Dân tộc thẩm tra việc lồng ghép vấn đề dân tộc trong các dự án văn bản quy phạm pháp luật thì phải xác định vấn đề dân tộc có ở trong dự án đó không; tác động đối với lĩnh vực dân tộc trong các dự án đó như thế nào. Chúng ta phải tìm và nhận thấy sự bất lợi đối với đồng bào dân tộc trong các dự án luật, từ đó xác định chính sách, nguồn lực và trách nhiệm bảo đảm sự bình đẳng cho đồng bào các dân tộc, xem xét tính khả thi của các quy định dự kiến sẽ được ban hành. 

Trên cơ sở cân nhắc các ý kiến, kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị xác định chỉ có một cơ quan chủ trì thẩm tra, còn các cơ quan khác tham gia thẩm tra. Riêng Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Về các vấn đề xã hội do vị trí, tính chất của hai cơ quan này, có thể đưa ra điều luật riêng, trong đó nói rõ trách nhiệm của hai cơ quan này.

Hoàng Ngọc