Cơ quan phụ trách bầu cử

Hội đồng Bầu cử Thái Lan: Chọn người liêm khiết và công tâm

- Thứ Sáu, 26/09/2014, 08:46 - Chia sẻ
Hội đồng Bầu cử Thái Lan là một cơ quan Nhà nước có tư cách độc lập, cơ quan duy nhất có quyền quản lý bầu cử ở Thái Lan, với nhiệm vụ giám sát tất cả các cuộc bầu cử của Nhà nước, cũng như các cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức trên toàn Vương quốc Thái Lan.

Hội đồng bầu cử gồm có 1 Chủ tịch và 4 ủy viên do Nhà vua bổ nhiệm sau khi Thượng viện biểu quyết tuyển chọn. Tiêu chuẩn của những người này phải là những người liêm khiết và công tâm về mặt chính trị. Các ủy viên Hội đồng Bầu cử phải đáp ứng đủ các điều kiện như: từ 40 tuổi trở lên; tốt nghiệp cử nhân hoặc tương đương trở lên. Ngoài ra, họ không được là thẩm phán của Tòa án hiến pháp, Thanh tra Quốc hội, thành viên của ủy ban chống tham nhũng quốc gia, thành viên của ủy ban kiểm toán nhà nước hay thành viên của ủy ban nhân quyền quốc gia. Các ủy viên của Hội đồng bầu cử có nhiệm kỳ 7 năm kể từ ngày được Nhà vua bổ nhiệm và chỉ được giữ một nhiệm kỳ.


Chức năng của Hội đồng bầu cử là tiến hành giám sát và tổ chức hoặc yêu cầu tổ chức các cuộc bầu cử hạ nghị sỹ, thượng nghị sỹ, thành viên của hội đồng và cơ quan quản lý hành chính địa phương, trong đó bao gồm cả việc bỏ phiếu trong các cuộc trưng cầu dân ý với mục đích làm cho các cuộc bầu cử đó được tiến hành một cách trung thực và công bằng.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Hội đồng bầu cử có quyền yêu cầu bất kỳ cơ quan, cá nhân giao nộp bất kỳ tài liệu hay bằng chứng phù hợp, triệu tập bất kỳ người nào tới để chất vấn; hoặc yêu cầu tòa án, công tố viên, điều tra viên, các cơ quan chính phủ, các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước hay chính quyền địa phương tiến hành những hoạt động cụ thể để thực hiện nhiệm vụ, tìm hiểu, cân nhắc và phục vụ việc ra các quyết định của mình. Hội đồng bầu cử có quyền ủy quyền cho một cá nhân hay tổ chức thay mặt mình thực hiện các công việc và nhiệm vụ được giao. Hiến pháp trao quyền cho Hội đồng bầu cử tiến hành một cuộc điều tra ngay lập tứác trong một số  trường hợp.

Trong thời gian tiến hành bầu cử hoặc trưng cầu dân ý các cơ quan không được phép bắt, tạm giam hoặc triệu tập xét hỏi đối với các ủy viên của Hội đồng bầu cử, trừ trường hợp được sự cho phép của Hội đồng bầu cử hoặc phạm tội quả tang. Trong trường hợp một ủy viên Hội đồng bầu cử đã bị bắt quả tang, hoặc bị bắt hoặc tạm giam trong những trường hợp khác, vụ việc phải được thông báo ngay lập tức tới Chủ tịch Hội đồng bầu cử và Chủ tịch có thể ra lệnh thả ủy viên bị bắt ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu Chủ tịch Hội đồng bầu cử là người bị bắt hoặc tạm giam thì quyền ra lệnh thả sẽ thuộc về Hội đồng bầu cử, với thành phần là những thành viên còn lại.

Hiến pháp Thái Lan cũng liệt kê những nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng bầu cử cấp tỉnh: quản lý hoạt động bầu cử cấp tỉnh; thực hiện và hỗ trợ các công việc khác có liên quan do Hội đồng Bầu cử ủy nhiệm; chuẩn bị các kế hoạch thực hiện bầu cử và chuẩn bị các phương án tài chính cần thiết cho hoạt động của Hội đồng bầu cử ở cấp tỉnh; thu thập thông tin, số liệu; tổ chức biên soạn và xuất bản các thông tin cần thiết; tổ chức các nhiệm vụ hành chính của cơ quan quản lý bầu cử cấp tỉnh; kiểm tra các tài liệu và các loại báo cáo; kiểm tra và giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của các quan chức và nhân viên của Hội đồng Bầu cử cấp tỉnh. Ngoài ra, cơ quan quản lý bầu cử cấp tỉnh còn được ủy quyền bởi Hội đồng Bầu cử (cấp quốc gia) thực hiện các nhiệm vụ về hướng dẫn và phân chia các khu vực bầu cử; đồng thời tổ chức và triển khai các cuộc bầu cử.

Theo tài liệu của Thư viện Quốc hội