Chính sách và cuộc sống

“Hội chứng” vô cảm!

- Chủ Nhật, 03/11/2019, 07:59 - Chia sẻ
Tại Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cảnh báo về tình trạng vô cảm trong một số “công bộc” và các cấp chính quyền chính là nguyên nhân đang làm cho lòng dân trăn trở. Rõ ràng phải chặn lại căn bệnh vô cảm này, không để thành “hội chứng”.

Đất nước đổi mới tăng trưởng, nhưng thái độ, trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ “công bộc” ở các cơ quan công quyền lại như thụt lùi đi, chính là “lỗ hổng” trách nhiệm của “công bộc” với người dân!

Xa dân cũng từ những bệnh vô cảm này. Biện minh, đổ lỗi, sợ trách nhiệm cá nhân cũng từ sự vô cảm mà ra. Hãy nghĩ, hãy nhìn về các vùng quê xa nẻo, người dân còn nghèo khó mà một bộ phận “công bộc” khi được trao chức quyền là tính kế, tính bài vụ lợi cá nhân. Không nghèo cũng  ghi danh vào hộ nghèo để hưởng lợi. Đến cả những vụ việc “ăn” tiền Tết, tiền của người có công. Có địa phương còn có cả chuyện dựng lên thương binh giả để trục lợi. Vụ việc ăn lạm vào Quỹ an sinh, trục lợi vào Quỹ  bảo hiểm y tế gần đây  cũng đủ cả “khóc - cười” về những chiêu trò lợi dụng đến nỗi có người đi chữa một lúc ba con mắt. Vụ việc ở Thanh Hóa hai bác sĩ trưởng khoa và cả vợ Giám đốc Bệnh viện Tâm thần câu kết với hai điều dưỡng viên tuồn nhiều loại thuốc bảo hiểm ra ngoài thu lợi tới hàng tỷ đồng vừa bị công an Thanh Hóa bắt giữ. Họ bớt xén vật tư, thuốc của cả những bệnh nhân tâm thần, thì sự vô cảm với những người mang bệnh tật đang chạy từng viên thuốc kia còn đâu chút lương tâm?

Vô cảm nên mới có chuyện vì cái túi tham, nên nhập cả thuốc chữa ung thư “dỏm” về cho người bệnh. Vô cảm nên giấu nhẹm cả thông tin trong vụ cháy ở Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông và vụ ô nhiễm dầu thải ở Công ty nước sạch sông Đà mà dư luận bất bình. Vô cảm nên sẵn sàng “vẩy bút” ký tá phê duyệt cho cả những dự án “giời ơi”, không cần hay biết người dân và Nhà nước thua thiệt thế nào?

Căn bệnh vô cảm với người dân và doanh nghiệp của một số cơ quan công quyền là từ những cán bộ thực thi nhiệm vụ. Đó chính là tình trạng né nể, sợ uy quyền nên biết sai không dám hé răng, không dám tố cáo. Đó chính là căn bệnh lộng quyền, vượt quyền, lạm quyền đang trù dập, áp đảo, đe dọa cả những tiếng nói của những người dũng cảm lên tiếng. Lòng dân nhức nhối với những công bộc quyền uy nhưng vô cảm trước nỗi đau của người dân.

Có không việc người dân sai phạm nho nhỏ cũng xử nghiêm, trong khi quan chức hết sai phạm này, nối sang sang phạm khác thì lại chỉ rút kinh nghiệm? Nói gì, về vụ Phó Chủ tịch Thường trực quận Thủ Đức Lê Hữu Thành xây nhà không phép tới 7 công trình trên diện tích 1.800m2 dân khiếu kiện nhiều năm  mà vụ việc vẫn cứ như “án binh bất động”! Chỉ đến khi báo chí vào cuộc, dư luận lên án thì TP Hồ Chí Minh mới xắn tay? Có không chuyện cán bộ lãnh đạo quân, thành phố còn cố tình  ngó lơ cho sai phạm của nhau? Có không, việc kiểm tra, giám sát các vụ việc còn như “cưỡi ngựa xem hoa”? Những chuyện vô cảm đã gây ra cả những oan ức, nghi kỵ không đáng có, như vụ án oan sai ở Tây Ninh tưởng “chìm xuồng” suốt 40 năm qua.

Vô cảm đang là “hội chứng” khuynh đảo ở đủ các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Sự vô cảm gặm nhấm lòng tin của người dân với chính các cán bộ thực thi và cả các cơ quan công quyền nơi này, nơi kia. Vô cảm nên nhiều việc cần sự có mặt của “công bộc” thì doanh nghiệp và người dân vẫn phải chờ đỏ mắt? Vô cảm nên ngó lơ cả sự thật, né trách nhiệm, sợ trách nhiệm với cả những việc nóng bỏng cần làm, phải làm. Tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước sạch mà chen vào những “công bộc” vô cảm không chịu lăn xả vào lo thì người dân sao có thể yên lòng.

Cần hiểu: “Công bộc” ở các vị trí nào cũng đều là vì dân, để lo cho dân! Nếu để những sự vô cảm đang như “hội chứng” thành bệnh trầm kha trong một bộ phận không nhỏ cán bộ nắm quyền cứ ngó lơ trách nhiệm thì  người dân nhờ cậy cái gì.

“Tự soi” trong từng cán bộ đảng viên, càng phải nhìn rõ hơn bệnh vô cảm trong từng công bộc, liệu ai đó có không?

 Những “công bộc” vô cảm dứt khoát phải loại nhanh ra khỏi đội ngũ các cơ quan công quyền. Đặc biệt với cấp cán bộ chiến lược, thì càng không thể để lọt những người vô cảm vào trong quy hoạch, không thể trao bất cứ trọng trách gì.

Hà Phương