Chính sách và cuộc sống

“Hội chứng” liều!

- Thứ Hai, 23/09/2019, 07:56 - Chia sẻ
Vụ việc lãnh đạo Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba bị các cơ quan pháp luật bắt giữ đang gây xôn xao dư luận. Nhiều nạn nhân của vụ lừa đảo bán đất kiểu “bánh vẽ” kéo đến công ty đòi lại tiền mua đất nền đã vô cùng thất vọng, hoang mang khi được trả lời: Đến 500 đồng cũng không có, vì hồ sơ, bạc tiền đều đã bị công an phong tỏa.

Tất cả phải chờ điều tra, xét xử của các cơ quan chức năng, nhưng từ vụ việc của Alibaba lừa tới 6.700 người chiếm đoạt số tiền khủng hơn 2.500 tỷ đồng cần gióng lên hồi chuông về những “hội chứng” liều! Nói gì khi ở đâu cũng có các cơ quan, sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, thanh tra, kiểm tra mà vẫn xuất hiện những “anh hùng” liều trục lợi từ đất thế này?

Đất đai đang là lĩnh vực màu mỡ béo bở để cho những cái “vòi bạch tuộc” chĩa vào! Pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai không thiếu. Quy định của các điều luật rất chặt. Nhưng thực tế vẫn cứ bị biến báo làm méo mó đang là dấu hiệu không vui về điều hành quản lý ở các cấp chính quyền hiện nay. Một công ty Alibaba đẻ ra hoạt động trên lĩnh vực bất động sản lại có thể khuynh đảo mua thu gom mấy trăm hecta đất nông nghiệp ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận… rồi vẽ ra cả loạt dự án ma quảng cáo như chuông khánh mà các cấp chính quyền các địa phương chẳng lẽ không hay? Hàng chục nghìn người bị ông chủ doanh nghiệp này đưa vào bẫy với những lời như “rót mật”, giờ như đứng trên đống lửa. Mới thấy một bộ phận không nhỏ người dân còn quá nhẹ dạ cả tin. Ném cả núi tiền mồ hôi, nước mắt của mình mà không biết đồng tiền đi đâu, về đâu?

Nhưng suy đến cùng, để xảy ra những vụ việc “động trời” này, các cấp chính quyền không thể đứng ngoài vòng trách nhiệm.

Một số địa phương, dẫu biết hoạt động sai trái của doanh nghiệp Alibaba nhưng mới chỉ phát cảnh báo với người dân thận trọng trong các giao dịch mà chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Dư luận đặt câu hỏi do năng lực quản lý hay vì lý do nào đó mà chính quyền cơ sở lờ đi, để doanh nghiệp tác oai tác quái trong thời gian dài? Còn bao nhiêu Alibaba lừa đảo nữa trỗi dậy, tung hoành lừa gạt cộng đồng nếu vẫn chỉ là năng lực quản lý hời hợt, yếu đuối, vô cảm của các cấp chính quyền? Càng thấy việc giám sát quản lý sử dụng đất đai ở tất cả bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố phải có giải pháp siết chặt lại.

 Đất đai đang nằm trong “vòng ngắm” của đủ kiểu làm ăn chụp giật, xéo đạp lên kỷ cương. Chạy dự án, vẽ ra dự án, biến báo đủ trò nên nhiều cán bộ quyền uy cũng ngã sóng xoài vì đất. Thôi thì “bắt tay” với lâm tặc phá rừng, chiếm đất rừng. Thôi thì sang nhượng chia chác biến đất công thành đất riêng như “làm xiếc”. Chưa bao giờ nhiều cán bộ quyền uy bị kỷ luật như vừa qua. Tất cả cũng đều dính đến đất đai công sản. Những chuyện đổi đất lấy hạ tầng không qua đấu thầu, đấu giá mà tự đặt giá với nhau trong những cái bắt tay kiểu “đi đêm”, chính là “hang ổ” của tham nhũng, tiêu cực. Mất cán bộ, mất cả lòng tin với dân cũng từ những cái bắt tay ma quỷ này?

Có không sự nhờn luật, né luật, lách luật trong quản lý và sử dụng đất đai? Nếu như “hòn đất mà biết nói”, nhà công sản nơi những khu “đất ngọc đất vàng” ở các đô thị lớn, những đất rừng, đất biển, đất nông nghiệp ở các vùng mà biết cất tiếng nói, thì cũng chẳng thiếu những chuyện đắng lòng trong vòng vây đầy ma lực của lợi ích nhóm vụ lợi từ đất giăng ra.

 Rõ ràng quản lý và sử dụng đất đai đang là vấn đề rất nóng. Nóng trong điều hành chỉ đạo. Nóng trong cả niềm tin, trong tai mắt của người dân nhìn vào những vụ thao túng đất đai đến khó tin của những phê duyệt liều, những ký tá liều với những ông chủ doanh nghiệp liều nói một tấc lên giời, kiểu như doanh nghiệp Alibaba mà dư luận đang ồn ã?

Đăng Quang