Tản mạn

Học nhớ

- Thứ Bảy, 27/04/2019, 08:23 - Chia sẻ
Giá như chúng ta có thể dễ dàng nhớ mọi thông tin muốn lưu giữ thay vì mọi thứ cứ nhanh chóng bỏ chúng ta mà đi!

Giá như đừng quên khi vô siêu thị định là phải mua “n” thứ, thì thể nào cũng đứng đực ra trước khi tính tiền không biết mình có quên mua gì không - và về tới nhà thì bao giờ cũng biết là đã quên gì.

Giá như đừng quên thì không ngượng chín mặt khi gặp người quen giữa đám đông, trong lúc tay bắt mặt mừng thì não nhăn nhó tìm mãi không ra cái tên để gọi.

Và giá như chúng ta có thể dễ dàng nhớ mọi thông tin muốn lưu giữ thay vì mọi thứ cứ nhanh chóng bỏ chúng ta mà đi!

Ước vọng này chẳng phải của mình tôi đâu, mà của phần lớn nhân loại đang mắc căn bệnh trí nhớ suy tàn. Nên cải thiện trí nhớ trở thành một đề tài nghiên cứu của rất nhiều nhà khoa học trên thế giới. Nhiều thử nghiệm đã được tiến hành và cho kết quả khá tin cậy. Và những cách thức tỏ ra hữu hiệu nhất giúp cải thiện trí nhớ lại khiến người ta bất ngờ nhất.

Cách thứ nhất là... đi giật lùi. Hầu hết các nền văn hóa đều cho rằng tương lai là khoảng không gian trải ra trước mặt, còn quá khứ là ở sau lưng. Chúng ta để những chuyện đã qua lại “phía sau”. Chúng ta “hướng tới” kỳ nghỉ cuối tuần. Các nhà nghiên cứu tại ĐH Roehampton (Anh) quyết định khai thác mối liên hệ giữa không gian và thời gian trong tâm trí của chúng ta để tìm ra cách hỗ trợ trí óc con người ghi nhớ tốt hơn các sự kiện. Và nghiên cứu này cho thấy dường như việc “đi lùi” trong không gian khuyến khích tâm trí người ta cũng quay ngược lại thời gian và kết quả là những người đó dễ dàng gợi lại ký ức dễ dàng hơn. Phương pháp này thậm chí có tác dụng cả khi bạn chỉ tưởng tượng đang đi lùi mà thôi.

Tôi biết một người đã áp dụng phương pháp “đi giật lùi’ từ vài năm nay, là nhà văn Nguyên Ngọc. Ở tuổi 88, sự minh mẫn và sáng suốt của ông dường như không vơi cạn.

Cách thứ hai là vẽ. Thay vì viết tên các thứ cần nhớ, hãy vẽ nó. Một nghiên cứu mới đây cho thấy người ta sẽ nhớ tốt hơn hẳn khi vẽ nó ra. Sự khác biệt này lớn tới mức, người già thậm chí trở nên nhớ tốt tương đương với những người trẻ khi họ cầm bút vẽ. Nghiên cứu còn cho thấy vẽ thậm chí đã tạo ra khác biệt đáng kể ở những người mắc chứng mất trí nhớ. Khi chúng ta vẽ một thứ gì đó, chúng ta buộc phải chú ý chi tiết hơn và chính việc xử lý kỹ lưỡng này khiến chúng ta nhớ lâu hơn. Vẽ ra hình ảnh sẽ còn tiến thêm một bước cao hơn trong việc ghi nhớ.

Cách thứ ba nghe chừng thích nhất nhưng không dễ như ta tưởng, ấy là... không làm gì. Những nghiên cứu mới nhất cho thấy các ký ức mới hình thành mong manh ra sao, mong manh tới mức thậm chí chỉ cần khoảng ngưng ngắn cũng tạo tác động to lớn trong việc khiến chúng biến mất khỏi đầu hoặc đọng lại trong tâm trí ta. Bởi vậy, không-làm-gì chính là để tạo nên khoảng ngưng đọng của ký ức. Không - làm - gì ở đây là một dạng “thiền” (chứ không chịu lao động gì, mà cứ... ngồi lướt face thì ký ức còn lướt nhanh hơn!).

Thủy Phạm