Học hỏi từ nhân dân

- Thứ Ba, 16/02/2016, 08:25 - Chia sẻ
(ĐBNDO) - Bồi hồi ôn lại quá trình làm ĐBQH hai khóa, Khóa XII và XIII với những kỷ niệm và tình cảm đặc biệt, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hải Dương Lê Đình Khanh cho biết, gần 10 năm hoạt động nghị trường, ông luôn xác định việc lắng nghe, học hỏi từ nhân dân để làm nền tảng trong công tác. Qua đó, để tích lũy thêm nhiều tri thức, kinh nghiệm quý báu.

>> Luật pháp cụ thể, chặt chẽ, sát thực tiễn sẽ hạn chế sai phạm

>> Giảm cấp phó, bộ máy sẽ vận hành tốt hơn

>> Chỉ nên có hai hình thức sở hữu chung và riêng, nhưng cần phân định rõ

"Sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng”

Hẹn gặp ông trong dịp ông về Hà Nội dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra QH Việt Nam, ông cho biết rất đỗi tự hào với lịch sử QH và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân. Để xứng đáng với trọng trách nhân dân giao phó, ông luôn tự nhủ bản thân phải ý thức được quyền của QH là quyền của cử tri và nhân dân trao cho. Do đó, để hoàn thành trọng trách được giao, ông không ngừng rèn luyện, học tập và nỗ lực phấn đấu để có thể cống hiến hết mình cho nhân dân, cho đất nước.

Là người đại biểu nhân dân, là thành viên của cơ quan có quyền lập pháp cao nhất, ông cho rằng, để xây dựng nhà nước pháp quyền, trước hết cần có hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ có tính khả thi cao. Khi nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới thì luật pháp cần phải phù hợp với các hiệp ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia. Vì vậy, công tác xây dựng pháp luật đòi hỏi phải có những chuyên gia giỏi, nắm chắc lý luận và có kinh nghiệm thực tiễn phong phú ở những lĩnh vực, những ngành luật cụ thể.


Ảnh: Văn Thăng

Ông nhấn mạnh, đối với ĐBQH, xây dựng luật là một nhiệm vụ quan trọng và diễn ra thường xuyên trước và trong kỳ họp. ĐBQH cần phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, thâm nhập thực tiễn, tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng  mà luật điều chỉnh, các chuyên gia để đóng góp ý kiến một cách xác đáng. Mỗi đại biểu cần đặt mình vào vị trí đối tượng điều chỉnh và phải tranh luận, phản biện để đi tới chân lý. Tuy nhiên, trong công cuộc xây dựng luật, hầu hết các đại biểu đều tham gia ý kiến, nhưng đối với các bộ luật, luật đều rất dài, thời gian thảo luận và trình độ đại biểu không đồng đều nên có đại biểu nêu được nhiều ý, ít ý kiến, đồng thời có những ý trái ngược nhau. Nhưng cuối cùng, QH cũng quyết theo đa số và hầu hết đều được biểu quyết thông qua đúng lịch. Dù thực tế có những luật chưa chín muồi hoặc còn chưa được tranh luận kỹ. Chính vì vậy đã xảy ra thực tế có một số luật qua 3 năm đã phải sửa, thậm chí sửa xong chưa có hiệu lực thi hành đã phải sửa tiếp.

Đặc biệt, là dự án Luật Đất đai, đây là luật rất quan trọng nên trong quá trình làm luật có rất nhiều ý kiến được đưa ra. Trong đó, khi tiếp xúc cử tri, ông cho biết, cử tri rất bức xúc về việc Luật Đất đai khi sửa đổi, bởi mỗi một lần sửa đổi lại có những quy định trái ngược nhau. Có cử tri phát biểu cùng một việc nhưng “sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng”, tức là trước quy định như thế này sau lại sửa ngược lại rồi cuối cùng lại quay lại cái cũ. Điều này làm cho người dân không biết xử lý thế nào đối với những vướng mắc của gia đình. Thậm chí, có những sự việc chỉ nhanh hoặc chậm vài ngày thôi nhưng luật quy định đã khác, gây bức xúc cho dân. Bên cạnh đó, nhiều nơi cán bộ cấp dưới không sát dân, né tránh các vụ việc phức tạp, để tích tụ tồn đọng, càng để lâu càng mắc làm cho người dân khiếu kiện rất nhiều.

Muốn hiểu dân thì phải gần dân

Là ĐBQH 2 nhiệm kỳ, ông tâm sự, làm đai biểu học được nhiều nhưng cũng phải cố gắng nhiều, chỉ có cố gắng nỗ lực mới có thể truyền tải hết được nguyện vọng của cử tri, và cũng chỉ có cố gắng mới gắn bó được với cử tri. Ông nói, người đại biểu muốn gắn bó keo sơn với cử tri trước hết phải là người có trình độ, có tâm và có tầm. Chỉ có đủ trình độ thì mới dám gần dân, mới dám nghe dân nói và mới giải thích được cho dân. Còn không thì sẽ bị dân phản ánh ngay và nếu chỉ biết phản ánh lại lời dân thì không phải là người đại biểu nhân dân mà chỉ là người đưa tin mà thôi. Người đại biểu là người phải thấu hiểu được cuộc sống của dân, muốn hiểu được thì phải gần dân và khi đã hiểu thì phải cùng chia sẻ với dân.

Nói đến mối quan hệ giữa cử tri và đại biểu, ông nhấn mạnh, để gắn bó được với cử tri, điều đầu tiên là phải chọn người đại biểu có tâm, có tầm và có trình độ am hiểu các lĩnh vực. Đồng thời phải gắn bó với người dân. Gần dân thì sẽ được cung cấp cho những thông tin để hiểu được cử tri cần gì. Rõ ràng là đại biểu của dân thì phải lo cho dân, phải thấy được sự bức xúc của người dân ở đâu để phán ánh chính đáng. Dù người đại biểu có giỏi đến đâu mà không gần dân thì cũng không sát với tình hình thực tế. Đây là những đòi hỏi buộc mỗi người đại biểu phải gắn với cử tri. Chất keo trong mỗi quan hệ này là phải có đi có lại, cử tri cung cấp thông tin cho đại biểu và đại biểu phản ánh để đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Còn nếu cử tri cung cấp thông tin rồi nhưng trên các diễn đàn, trong kỳ họp các đại biểu không phản ánh gì thì người đại biểu đó không thể gắn bó được với cử tri.

Bày tỏ mong muốn đối với QH khóa sau, ông cho rằng, QH cần phải phát huy và mở rộng dân chủ hơn nữa. ĐBQH chuyên trách phải tăng hơn, nhiều hơn, phải đưa những người không quá nặng về tuổi tác, không quá nặng về cơ cấu thành phần, cơ cấu là phải có nhưng trong cơ cấu ấy dứt khoát đòi hỏi đại biểu phải có chất lượng. Đối với đại biểu chuyên trách càng phải có chất lượng hơn phải dành toàn tâm toàn lực cho việc hoạt động của QH chứ không nên kiêm nhiệm quá nhiều sẽ bị sao lãng.

Nguyễn Thăng