Giáo dục Nhật Bản

Học để thích ứng và đổi thay

- Thứ Hai, 25/05/2020, 08:05 - Chia sẻ
Qua nhiều thời kỳ, Nhật Bản đã có những thay đổi căn bản trong chương trình, sách giáo khoa cho phù hợp với tình hình thực tế đặt ra, từ đó tạo nên một nền giáo dục có nhiều thành tựu đáng ngưỡng mộ như hiện nay.

Giáo viên tự chủ nội dung và phương pháp giáo dục

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử, Đại học Kanazawa, Nhật Bản, từ năm 1947 đến nay, cứ 10 năm Chính phủ Nhật lại thay đổi chương trình giáo dục một lần cho tất cả các cấp học. Cơ quan chịu trách nhiệm biên soạn là Viện Nghiên cứu chính sách giáo dục quốc gia, còn cơ quan ban hành chỉ đạo thực thi là Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ. Chương trình hiện nay được ban hành năm 2017 và có hiệu lực thực thi từ năm 2018.

Cũng từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, Nhật Bản chuyển từ chế độ cả nước dùng chung một bộ sách giáo khoa do Nhà nước biên soạn, phát hành, sang cơ chế một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Theo đó, các nhà xuất bản tư nhân đảm nhiệm việc làm sách giáo khoa với đội ngũ tác giả của mình. Nhà nước không làm sách và không đầu tư ngân sách làm sách. Sau khi có bản thảo, nhà xuất bản trình Hội đồng của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ để đăng ký thẩm định. Sách đạt yêu cầu được công bố công khai trên website riêng để nhân dân biết. Việc chọn sách giáo khoa do các trường tư tự quyết định, còn các trường công sử dụng sách giáo khoa theo lựa chọn của hội đồng địa phương. Đáng chú ý, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, bao gồm các thành viên là giáo viên, có tính độc lập tương đối với cơ quan hành chính giáo dục địa phương.

Việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa và lựa chọn sách được thực hiện theo quy chế rõ ràng, thống nhất, phân định rõ chức năng của các bộ phận ngay từ đầu bảo đảm kiểm soát lẫn nhau và hạn chế tự do sáng tạo. Các khâu của quá trình này được minh bạch và công khai hóa thông tin để nhân dân, truyền thông giám sát và phản biện.

Đáng chú ý, với nền giáo dục Nhật Bản, sách giáo khoa được coi là “một trong những tài liệu tham khảo quan trọng”, không phải là duy nhất và tuyệt đối. Giáo viên là người tự chủ toàn bộ nội dung và phương pháp giáo dục. Xã hội dân sự của Nhật Bản phát triển mạnh và công nhận thực tiễn giáo dục của giáo viên (cải cách từ dưới lên). Ở Nhật Bản cũng đang tồn tại phát triển mô hình giáo dục khác nhau, trên cơ sở bảo đảm tuân thủ Luật Giáo dục và hướng tới đích chung được quy định trong triết lý giáo dục quốc gia.


Nhật Bản chú ý tới giáo dục đời sống cho học sinh

Trường phổ thông chuyên về... nghề

Chương trình giáo dục phổ thông ở Nhật Bản cũng có nhiều điểm độc đáo, như việc dạy và học ngoại ngữ ở bậc tiểu học được cân nhắc kỹ lưỡng; trong khi bộ môn khá được coi trọng là thể dục. Theo thống kê, ở Nhật Bản, số giờ dành cho môn thể dục chiếm tương đối lớn, với 507 giờ (hơn thời lượng cho môn thể dục ở chương trình học của Việt Nam là 157 giờ), cơ sở vật chất cho bộ môn này cũng được quan tâm với sân bóng đá, bóng chày, bể bơi, nhà thi đấu đa năng... và nhiều câu lạc bộ, hoạt động nhằm phát triển thể lực cho học sinh.

Bên cạnh giáo dục khoa học, đạo đức, thể chất, các trường học quốc gia còn chú ý đến giáo dục đời sống, hướng đến tạo ra những công dân có khả năng vừa thích nghi với xã hội, vừa có ý chí và năng lực cải tạo không ngừng xã hội đó để làm cho nó ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Ở Nhật Bản, nội dung giáo dục này được thực hiện qua tất cả môn học, nhưng trọng tâm là các môn như “Đời sống” (lớp 1, 2), “Gia đình”, “Xã hội” (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông), Xã hội công dân, Xã hội hiện đại (trung học cơ sở, trung học phổ thông)… Chương trình giáo dục quốc gia cũng xác định “năng lực sống” là năng lực trọng tâm mà giáo dục phổ thông cần hình thành cho trẻ, thông qua các môn học, hoạt động giáo dục và môi trường trường học, nhằm giúp lớp trẻ hiểu biết về cuộc sống và có năng lực ứng phó linh hoạt với sự biến đổi của môi trường xã hội.

Cách thức bố trí các môn học trong chương trình trung học phổ thông Nhật Bản cũng giống như đại học hiện đại, bao gồm các môn học chung và môn chuyên ngành. Không giống Việt Nam có chuyên Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Anh... các môn chuyên ngành ở đây trong danh mục chương trình môn tự chọn, với nhiều ngành học như: Nông nghiệp, Thương nghiệp, Thủy sản, Hộ lý, Phúc lợi, Thông tin, Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật… Các trường có mạng lưới cộng tác viên tốt, có cơ sở vật chất phục vụ việc dạy, ví như trường nào lấy nông nghiệp làm môn chuyên thì trường sẽ có hẳn một nông trang. Các môn chuyên cung cấp kiến thức rất sâu và học sinh chọn học theo chế độ tín chỉ như đại học. Chẳng hạn, học sinh học Thương nghiệp sẽ tiếp cận với các nội dung như: Thương mại cơ bản, nghiên cứu chủ đề, giao tiếp thương mại, Marketing, phát triển sản phẩm và lưu thông, du lịch, quản trị thương mại, kinh tế toàn cầu…

Có thể thấy, giáo dục Nhật Bản đã “tận dụng” 12 năm học trong trường phổ thông để dạy nghề cho học sinh. Bởi vậy, nhiều người học xong phổ thông đã có khá đủ kỹ năng, có thể làm việc kiếm sống. Với những sinh viên vào đại học hoặc cao đẳng, đến năm thứ hai đã có thể xin việc tại doanh nghiệp và được “nợ” bằng cấp cho tới khi tốt nghiệp…

Dù các vấn đề giáo dục thu hút nhiều ý kiến khác nhau tại Nhật Bản hướng tới những thay đổi nhằm thích ứng với tình hình mới, nhưng những gì giáo dục Nhật Bản đã trải qua có thể là kinh nghiệm giá trị với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Thảo Nguyên