Hoạt động giám sát của Quốc hội Đức: Chất vấn - hoạt động thường xuyên và thời sự

- Thứ Sáu, 23/01/2009, 00:00 - Chia sẻ
Quyền chất vấn - quyền đặt câu hỏi đối với Chính phủ liên bang và yêu cầu trả lời là một “vũ khí” của Quốc hội liên bang nhằm giám sát Chính phủ và buộc các Bộ trưởng chịu trách nhiệm về hoạt động của mình.

      Nội quy Quốc hội liên bang quy định cụ thể về quyền được hỏi và được cung cấp thông tin của Quốc hội liên bang, trong đó, chia ra thành các buổi chất vấn lớn, nhỏ, đưa ra quy định về thời gian chất vấn và thời điểm chất vấn.
      Trong các buổi chất vấn lớn, ít nhất là 26 nghị sỹ gửi câu hỏi cho Chủ tịch Quốc hội liên bang để chuyển cho Chính phủ liên bang. Các câu hỏi chất vấn lớn được Chính phủ liên bang trả lời cụ thể bằng văn bản. Sau đó, câu trả lời chất vấn sẽ được tranh luận ở phiên họp toàn thể. Đối với phe đối lập, buổi chất vấn lớn là vũ khí để buộc Chính phủ liên bang trình bày công khai về quan điểm của mình, tạo thuận lợi cho việc giám sát Chính phủ. Trong buổi thảo luận, chất vấn lớn chỉ ra các điểm yếu trong chính sách của Chính phủ liên bang, lỗ hổng trong chương trình, sự tin cậy và mục đích được Chính phủ liên bang theo đuổi.
      Buổi chất vấn nhỏ được tổ chức để Quốc hội liên bang tìm kiếm thông tin về “những chứng cứ đã được xác định”. Đối tượng của các buổi chất vấn nhỏ không phải là vấn đề chính trị lớn, mà thường là vấn đề hành chính cụ thể. Chất vấn nhỏ được bộ trưởng có thẩm quyền trả lời bằng văn bản. Văn bản trả lời được in thành ấn phẩm của Quốc hội liên bang. Ngoài ra, bộ trưởng có thể trả lời trực tiếp người chất vấn hoặc cũng có thể trước Chủ tịch đảng. Khác với buổi chất vấn lớn, kết thúc buổi chất vấn nhỏ không có hoạt động thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội. Chất vấn nhỏ không hoàn toàn nhằm truy xét trách nhiệm chính trị của Chính phủ liên bang. Vì vậy, chất vấn nhỏ thường được Liên đảng đoàn trình.
      Ngoài ra, ở đầu mỗi phiên họp toàn thể, Quốc hội dành ra một khoảng thời gian gọi là "tiếng đồng hồ chất vấn". Các nghị sỹ có thể chất vấn trực trực tiếp trong thời gian này. Các câu hỏi chất vấn của nghị sỹ được chuyển qua thư ký của đảng, sau đó được chuyển cho Chủ tịch Quốc hội liên bang để chuyển tiếp cho Văn phòng Thủ tướng liên bang. Mỗi nghị sỹ mỗi tuần có thể đưa ra tới 2 chất vấn gửi Chính phủ liên bang. Các câu hỏi chất vấn phải được trình bày ngắn gọn và phải liên quan đến một vấn đề cụ thể. Trong câu hỏi chất vấn, nghị sỹ không được phép đưa ra những lời khẳng định hoặc đánh giá chủ quan. Câu hỏi chất vấn phải được đưa ra chậm nhất là trưa thứ 6 trước tuần làm việc của Quốc hội liên bang. Đối với những vấn đề cấp bách, thì câu hỏi chất vấn được phép đưa ra chậm nhất là đến trưa ngày trước phiên họp.
      Mỗi tháng, các nghị sỹ còn có thể đưa ra 4 chất vấn bằng văn bản cho Chính phủ. Các câu hỏi chất vấn được phân loại theo lĩnh vực và được nêu ra để trả lời trong “tiếng đồng hồ chất vấn”. Sau khi đã nghe câu trả lời, người chất vấn có thể đặt thêm 2 câu hỏi phụ. Nếu bộ trưởng tự thấy không thể trả lời trực tiếp về vấn đề này, thì có thể trả lời bằng văn bản.
      Bên cạnh "tiếng đồng hồ chất vấn", Nội quy của Đức còn quy định về "tiếng đồng hồ thời sự". Với đơn đề nghị của ít nhất 26 nghị sỹ, “tiếng đồng hồ thời sự” có thể được tiến hành ngay sau “tiếng đồng hồ chất vấn”, nếu đảng đoàn không tán thành với câu trả lời của Chính phủ liên bang. Đây là thực tế phổ biến của Quốc hội liên bang. Rất ít trường hợp “tiếng đồng hồ thời sự” không phụ thuộc vào “tiếng đồng hồ chất vấn” trước đó. “Tiếng đồng hồ thời sự” kéo dài một tiếng, mỗi nghị sỹ và Bộ trưởng được phát biểu không quá 5 phút. Nếu thời gian phát biểu của Chính phủ liên bang vượt quá 30 phút, thì thời gian thảo luận kéo dài thêm 30 phút. “Tiếng đồng hồ chất vấn” trước hết là phục vụ phe đối lập để thu thập thông tin và giám sát. Người phát biểu chủ yếu là thành viên ban lãnh đạo đảng đoàn và các chuyên gia của các đảng đoàn. Hoạt động này cho thấy sự sống động của hoạt động tranh luận ở Quốc hội liên bang.

Lương Minh