Diễn đàn Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội - những vấn đề đặt ra

Hoàn thiện quy định tiêu chuẩn Đại biểu

- Thứ Sáu, 14/02/2020, 08:02 - Chia sẻ
ĐBQH là trung tâm hoạt động của Quốc hội, nên nhiệm vụ đầu tiên đặt ra với dự án Luật này là phải hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn ĐBQH. Để thực hiện được mục tiêu này cần giải mã cá nhân như thế nào mới đủ tiêu chuẩn làm ĐBQH. Một ĐBQH phải có năng lực như thế nào thì cần chỉ rõ. Điều này không khó làm, vì năng lực của đại biểu thể hiện trong thực hiện ba chức năng “thẩm - kiến - giám” của Quốc hội.

Bảo đảm hiệu quả, hiệu lực hoạt động

Việc cơ cấu, tổ chức các cơ quan của Quốc hội cần đáp ứng yêu cầu sắp xếp bộ máy tinh gọn được Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nhưng mục tiêu hướng đến không chỉ tinh gọn bộ máy được tinh gọn, mà còn bảo đảm hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Do vậy, cần thảo luận kỹ về những chính sách cần được cụ thể hóa trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội để Quốc hội Khóa XV thực sự là Quốc hội đổi mới, đóng góp nhiều hơn nữa cho dân, cho nước.


Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phát biểu kỳ họp Quốc hội Ảnh: Quang Khánh

Từ góc nhìn này, tôi nhận thấy, cần rà soát chức năng, tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đã bảo đảm chưa, quán xuyến hết các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Quốc hội chưa? Khi rà soát chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cũng cần chú ý sẽ có những điểm giao thoa giữa các cơ quan này. Sự giao thoa về chức năng, nhiệm vụ này là đương nhiên, vì Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: Quyền lực của Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát. Trong đó, nguyên tắc hiến định về sự phối hợp giữa các cơ quan được xác định cũng bởi có sự giao thao về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan. Sự phối hợp ở đây là phối hợp về nhiệm vụ. Ví dụ như, Ủy ban Pháp luật có nhiệm vụ bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, nhưng không có nghĩa các cơ quan khác của Quốc hội không cần tham gia, thậm chí ĐBQH có thể tham gia.

Bên cạnh đó, việc chuyển các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan của Quốc hội đã chín muồi. Các lý lẽ được đưa ra cho đề nghị chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành cơ quan của Quốc hội ngắn, nhưng không sơ sài, đều trên cơ sở nghiên cứu kỹ ý kiến của nhiều ĐBQH. Chúng ta cần thấy, việc chuyển các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan của Quốc hội này không gây trở ngại mà ngược lại sẽ giúp nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Vậy tại sao chúng ta không phát huy những ảnh hưởng này mạnh mẽ hơn trong thời gian tới?

Cụ thể hóa hơn tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội

Chúng ta cần tìm những điểm mấu chốt để tháo gỡ trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, giúp lựa chọn những đại biểu xứng đáng với tín nhiệm, kỳ vọng của người dân.

ĐBQH không phải là một công chức mà là một chính khách, nên không thể quy hoạch họ như một công chức. Điều 22, Luật Tổ chức Quốc hội không quy định độ tuổi, chỉ quy định đủ phẩm chất, sức khỏe sẽ được ứng cử làm ĐBQH; không nên quan niệm khi cán bộ ở cơ quan khác đến tuổi về hưu mới chuyển sang làm ĐBQH chuyên trách. Mỗi đại biểu chỉ cần có đủ điều kiện đều xứng đáng được bầu chọn làm ĐBQH chuyên trách và được tạo điều kiện hoạt động. UBTVQH cần giám sát, theo dõi hoạt động của ĐBQH, nếu không sẽ có tình trạng “anh làm nhiều cũng như anh làm ít”, không có khen thưởng, khuyến khích.

Việc tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật này không chỉ là nhiệm vụ của Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, mà đây là nhiệm vụ chung của các ĐBQH, Đoàn ĐBQH và các cơ quan của Quốc hội. Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cần nghiên cứu trình ra Quốc hội xem xét, quyết định dự thảo Luật tiếp thu đầy đủ ý kiến Ủy viên UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH đề nghị.

Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện
Thanh Hải ghi