Hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ

- Thứ Bảy, 07/09/2019, 08:32 - Chia sẻ
Thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) không ngừng được hoàn thiện, cao nhất là Luật GDNN 2014. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế, theo PGS. TS. CAO VĂN SÂM - Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề công tác xã hội Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, chính sách pháp luật lĩnh vực này cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung thì mới có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Nên tổ chức đánh giá 5 năm thi hành Luật GDNN     

- Cùng với sự phát triển của đất nước, GDNN cũng đã khẳng định được vai trò trong đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật trực tiếp cho các ngành kinh tế. Có được điều đó một phần nhờ các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông đánh giá thế nào về hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này?

- Gần 55 năm qua, hệ thống chính sách pháp luật đối với dạy nghề trước đây, và nay là GDNN ngày càng được hoàn thiện. Đặc biệt là sau khi Quốc hội thông qua Luật GDNN năm 2014, đã tạo hành lang pháp lý để hệ thống GDNN có thể hoạt động mở, linh hoạt, chuẩn hóa, quốc tế hóa và hội nhập quốc tế.

Tuy vậy, Luật GDNN lại có quá nhiều quy định giao Chính phủ hướng dẫn, khiến nó chậm đi vào cuộc sống. Lẽ ra là luật chuyên ngành thì càng chi tiết càng tốt, nhưng lại phải chờ nghị định, thông tư. Tính đến nay đã có 63 văn bản hướng dẫn thực hiện Luật GDNN được ban hành, hầu hết chỉ được ban hành trong năm 2017 và 2018. Đây là số lượng khá lớn, và cùng với sự chậm chễ, đã làm các quy định trong Luật khó triển khai trên thực tế. Chưa kể một số vấn đề chưa được điều chỉnh trong Luật, như lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia quá trình GDNN, tự chủ của các cơ sở GDNN, rồi phân luồng... Đây là những điểm nghẽn lớn.


Ảnh: Ng. Anh

Theo ông, làm thế nào để tháo gỡ các điểm nghẽn trên?

- Tất nhiên là phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về GDNN, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch và phù hợp với yêu cầu thực tiễn; xây dựng chương trình mục tiêu, đề án, dự án đổi mới giáo dục nghề nghiệp, gắn với đào tạo và đào tạo lại đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Năm 2020, nên tổ chức đánh giá 5 năm thi hành Luật GDNN để nhận diện đúng những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế chính sách phải sửa đổi, bổ sung, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đặc biệt cho kỷ nguyên số.

Đào tạo lao động theo tiêu chuẩn kỹ năng quốc tế

- Những cơ hội từ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư cũng như quá trình hội nhập quốc tế đã được nói nhiều, song thực tế, thách thức đối với lao động Việt Nam cũng không ít. Làm thế nào để lao động Việt Nam có thể cạnh tranh với lao động các nước trong khu vực và thế giới, thưa ông?

Nhà nước nên đầu tư có trọng điểm cho những trường “đầu đàn” Ảnh: Đức Kiên

- Muốn đào tạo lao động quốc tế, cốt lõi chính là đào tạo nguồn nhân lực mà các nước mình có quan hệ hợp tác có thể công nhận, sử dụng và có cơ chế chính sách cho người lao động như nước sở tại. Mà muốn như vậy, cần đưa vào Luật quy định là các cơ sở GDNN phải đào tạo theo tiêu chuẩn kỹ năng của các nước phát triển, khi ấy, đương nhiên, nước ở cấp độ phát triển thấp hơn cũng có thể áp dụng được. Các trường chủ động phát triển chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của các nước phát triển, nhưng phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam, của từng cơ sở GDNN, đặc biệt là phù hợp với năng lực của người học. Còn Nhà nước có trách nhiệm ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau, để lao động Việt Nam có thể hòa nhập, đáp ứng yêu cầu của các nước chúng ta hợp tác.

- Hiện tại, năng lực của các cơ sở GDNN Việt Nam có đáp ứng được việc đào tạo lao động có khả năng hội nhập như ông vừa phân tích không?

- Đương nhiên khi đặt ra mục tiêu và yêu cầu thì phải có cách đi thích ứng. Rõ ràng, chúng ta phải phân loại các cơ sở GDNN. Với những cơ sở có đủ điều kiện, yếu tố để đào tạo được lao động trình độ cao, có năng lực và công nghệ quản lý hiện đại, chúng ta ưu tiên cho các trường ấy trong đào tạo lao động hội nhập quốc tế. Đề án Phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 của Chính phủ gồm 45 trường, phải tiếp tục nâng cao năng lực của các trường này nhằm đào tạo nguồn lực chất lượng cao theo các tiêu chuẩn kỹ năng của những nước phát triển.

Theo tôi, Nhà nước nên đầu tư có trọng điểm cho những trường “đầu đàn”, để từ đó một mặt đào tạo lao động hội nhập quốc tế, mặt khác trở thành mô hình cho các cơ sở GDNN khác học tập kinh nghiệm và nâng cao khả năng của mình. Bởi rõ ràng, với điều kiện kinh tế nước ta hiện nay, không thể đầu tư đại trà, hơn thế, cách thức đầu tư đại trà cũng gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện.

- Xin cảm ơn ông!

N. Anh - T. Nguyên thực hiện