Hoàn thiện cơ sở pháp lý về tiếp xúc cử tri và giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri (*)

- Thứ Sáu, 27/04/2018, 15:14 - Chia sẻ
Bài phát biểu của ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI PHÙNG QUỐC HIỂN tại Hội nghị Thường trực HĐND 14 tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc lần thứ 4 tại Lạng Sơn

Kính thưa các đồng chí,

Hôm nay, trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử, chào mừng kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tôi rất vui mừng được tham dự Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân của 14 tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc lần thứ tư được tổ chức tại tỉnh Lạng Sơn. Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, tôi nhiệt liệt chào mừng và chúc các vị đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Thưa các đồng chí,

Trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đã phát huy truyền thống cách mạng, anh dũng, kiên cường, phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị được chăm lo đặc biệt truyền thống đoàn kết, cách mạng, anh hùng phát huy trong sự nghiệp đổi mới, nhiều thế hệ cán bộ trưởng thành. Trong những thành tích chung của các tỉnh, có sự đóng góp quan trọng của Hội đồng nhân dân các tỉnh, của từng đại biểu Hội đồng nhân dân. Hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc tiếp tục được đổi mới về phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định, đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và nghị quyết của cấp ủy, cụ thể hóa thành các nghị quyết, ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp thiết thực, khả thi, chọn trúng các vấn đề quan trọng, cấp bách để quyết định và giám sát; nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đôn đốc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Tính dân chủ, công khai được tăng cường, hoạt động của Hội đồng nhân dân ngày càng sát thực tiễn, sát dân, sát cơ sở và phát huy hiệu lực, hiệu quả, khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò của cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển
Ảnh: Chí Tuấn

Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, tôi xin chúc mừng và biểu dương những kết quả đáng trân trọng mà Tỉnh ủy, chính quyền, quân và dân các dân tộc 14 tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Thưa các đồng chí,

Qua theo dõi, hướng dẫn và giám sát hoạt động của Hội đồng nhân các cấp từ đầu nhiệm kỳ đến nay có thể khẳng định rằng,  Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đặc biệt là các vị đại biểu Hội đồng nhân dân đã thực hiện theo đúng các quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật tiếp công dân và các văn bản pháp luật có liên quan trong tiếp xúc cử tri và giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri. Ngoài hội nghị tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp, các đồng chí đã có những đổi mới về hình thức tiếp xúc cử tri như tiếp xúc cử tri trực tuyến, theo chuyên đề, lĩnh vực; công tác tổng hợp của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã được chú trọng; việc phân loại, chuyển, giám sát, đôn đốc giải quyết kiến nghị của cử tri thực hiện tích cực; công tác tập huấn kỹ năng tiếp xúc cử tri, kỹ năng giám sát bước đầu đạt kết quả tốt; bên cạnh nguồn thông tin qua tiếp xúc cử tri Hội đồng nhân dân còn tổng hợp thêm từ các nguồn thông tin khác như công tác tiếp công dân, giám sát, khảo sát và trên các phương tiện thông tin đại chúng … Đồng thời, các đồng chí đã chủ động, sáng tạo, quyết liệt, đi đến cùng sự việc trong công tác giám sát giải quyết kiến nghị cử tri, góp phần cùng chính quyền thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt làm được thì hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri vẫn còn có những hạn chế như: Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh chủ yếu tập trung vào trước và sau các kỳ họp, các cuộc tiếp xúc cử tri chủ yếu theo hình thức Hội nghị; công tác tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri ở các Tổ đại biểu có lúc, có nơi còn chậm, chưa đầy đủ; việc giải quyết một số kiến nghị cử tri gửi đến các kỳ họp HĐND các cấp thuộc trách nhiệm của một số cơ quan có thẩm quyền chưa được giải quyết dứt điểm, thấu đáo; việc tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề về giải quyết kiến nghị của cử tri chưa được Thường trực Hội đồng nhân dân tổ chức thực hiện thường xuyên.

Do đó, tôi hoan nghênh việc Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân khu vực trung du và miền núi phía Bắc lần này đã lựa chọn  chủ đề “Kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri” để thảo luận, trao đổi, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Thưa các đồng chí,

Những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp mà các đồng chí đã trình bày, thảo luận tại Hội nghị ngày hôm nay là kinh nghiệm quý để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tiếp xúc cử tri và giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri, thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, tôi xin được tiếp thu và giao Ban Công tác đại biểu tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hướng giải quyết.

Để tiếp tục thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri đối với Hội đồng nhân dân các cấp, trong khuôn khổ Hội nghị này, tôi xin được trao đổi thêm với các đồng chí một số vấn đề cụ thể như sau:

Một là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân và của cử tri trong công tác tiếp xúc xử tri

- Các vị đại biểu Hội đồng nhân dân cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học tập, nghiên cứu và rèn luyện để thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, trong đó có nhiệm vụ tiếp xúc, liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu cử ra mình để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Theo đó, đại biểu Hội đồng nhân dân không chỉ tham gia đủ các cuộc tiếp xúc với cử tri mà đại biểu còn phải định hướng, gợi mở, tạo điều kiện cho cử tri phát biểu; ý kiến, kiến nghị của cử tri phải được giải thích rõ ràng. Không chỉ “ghi nhận” và chuyển kiến nghị tới các cơ quan hữu quan, đại biểu phải giám sát, đôn đốc cho đến khi vấn đề được giải quyết thỏa đáng để trả lời cử tri trong những cuộc tiếp xúc sau; vấn đề nào đòi hỏi thời gian hoặc chưa có điều kiện giải quyết, cần giải thích rõ, không từ chối, né tránh hoặc hứa hẹn. Đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri, đòi hỏi đại biểu Hội đồng nhân dân trước khi tiếp xúc cử tri cần nắm chắc về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các vấn đề bức xúc của địa phương tại nơi tiếp xúc cử tri và chuẩn bị các tình huống giải đáp thắc mắc của cử tri hoặc giao cho các cơ quan có trách nhiệm giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Bên cạnh đó, đại biểu Hội đồng nhân dân cần thường xuyên trau dồi, nâng cao các kỹ năng cơ bản trong tiếp xúc cử tri như kỹ năng trình bày, biết cách lắng nghe, trả lời, giải thích để cử tri nắm vững và hiểu rõ các vấn đề… để tạo không khí thân thiện, cởi mở, gần gũi trong cuộc tiếp xúc cử tri

- Nâng cao ý thức trách nhiệm của cử tri trong việc tham gia tiếp xúc với các vị đại biểu dân cử thông qua vai trò vận động tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể làm sao để cử tri hiểu rằng mỗi lần gặp gỡ các vị đại biểu là quyền lợi của cử tri, từ đó tích cực tham dự hội nghị đông đủ. Mỗi cử tri cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc tham gia các hội nghị tiếp xúc cử tri, vừa để tham gia đóng góp ý kiến cho sự nghiệp phát triển chung của địa phương, của đất nước, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, vừa thực hiện vai trò giám sát hoạt động của các vị đại biểu mà mình đã tín nhiệm.

Hai là, tiếp tục đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri

Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả hội nghị tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp Hội đồng nhân dân, đồng thời điều chỉnh hợp lý nội dung, chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri theo hướng: bảo đảm nội dung đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo, trao đổi với cử tri phải phù hợp với từng nhóm cử tri; chú trọng đến những nội dung đề cập trong chương trình kỳ họp Hội đồng nhân dân và những vấn đề mà cử tri quan tâm, kết hợp với việc gợi mở những vấn đề thực tiễn để cử tri tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị; cải tiến chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri sao cho phù hợp với thực tế, hạn chế các thủ tục hành chính rườm rà, tạo không khí cởi mở, dân chủ, thẳng thắn để phát huy hiệu quả của hội nghị tiếp xúc; dành nhiều thời gian hơn để cử tri phát biểu ý kiến, kiến nghị. Đồng thời cần cải tiến, đổi mới cách thức tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực; tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú và ở nơi công tác; tiếp xúc cử tri trực tuyến hoặc tiếp xúc cử tri bằng hình thức đối thoại trực tiếp giữa các vị đại biểu Hội đồng nhân dân là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với cử tri và nhân dân nơi công tác...

Ba là, tăng cường công tác phối hợp giữa Thường trực Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức tiếp xúc cử tri

- Thường trực Hội đồng nhân dân cần tăng cường công tác phối hợp với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam khi xây dựng Kế hoạch tiếp xúc cử tri. Kế hoạch tiếp xúc cử tri cần căn cứ vào nội dung từng kỳ họp để lựa chọn hình thức, địa điểm và thành phần cử tri tham dự hội nghị cho phù hợp và có hiệu quả cũng như phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể từng cấp, từng ngành, từng vị đại biểu Hội đồng nhân dân trong hoạt động tiếp xúc cử tri.

- Trên cơ sở kế hoạch tiếp xúc cử tri, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cần chủ động phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thống nhất thời gian và địa điểm tiếp xúc cử tri, thực hiện thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để nhân dân biết tham gia. Đồng thời cần phân công luân phiên các đại biểu trong Tổ tiếp xúc cử tri ở các đơn vị bầu cử khác nhau trong địa bàn huyện, thị xã, thành phố.

- Khi tiếp xúc cử tri tại những địa bàn có nhiều vấn đề bức xúc cần có sự tham gia của đại diện chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn để kịp thời nắm bắt, trả lời và làm sáng tỏ thêm những vấn đề mà cử tri kiến nghị.

Bốn là: Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri

Để hoạt động giám sát giải quyết kiến nghị cử tri đạt hiệu quả cao, thiết thực, Thường trực Hội đồng nhân dân cần chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, theo đó cần lựa chọn kỹ nội dung giám sát, đó là những kiến nghị chưa được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng chưa dứt điểm hoặc những kiến nghị mà Ủy ban nhân dân và các cơ quan liên quan đã hứa giải quyết trong thời gian nhất định; phân công rõ trách nhiệm của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và từng đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan chức năng. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng báo cáo kết quả giám sát, báo cáo cần cụ thể, rõ ràng, đánh giá những mặt được, mặt tồn tại, hạn chế, xác định được nguyên nhân để Hội đồng nhân dân có cơ sở ra nghị quyết về việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Nghiên cứu, áp dụng công nghệ thông tin xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác theo dõi, đôn đốc và tổng hợp kết quả trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri của các cấp, các ngành...

Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền về hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri.

Công tác thông tin, tuyên truyền đóng vai trò quan trọng - là cầu nối giữa đại biểu dân cử với cử tri do đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho cử tri, nhất là cử tri ở vùng sâu, vùng xa, giúp cử tri có được nhận thức đúng đắn về quyền và nghĩa vụ khi tham dự tiếp xúc cử tri. Đồng thời, cần đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri để cử tri nắm rõ và cũng là cơ sở để cử tri giám sát việc giải quyết của các cơ quan chức năng.

Ngoài các nội dung trên đề nghị các đồng chí quan tâm tới việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu vào kỳ họp thường lệ cuối năm 2018. Đây là một nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng nhân dân các cấp trong năm 2018. Để hoạt động này được tổ chức thực hiện đúng quy trình, nghiêm túc và tránh hình thức, tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan phải quán triệt sâu sắc, đầy đủ mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, quy trình của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đến tất cả các vị đại biểu Hội đồng nhân dân và những người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu. Bảo đảm quyền và đề cao trách nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc lấy phiếu tín nhiệm; tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm. Công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan; đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Thưa các đồng chí,

Hội nghị của chúng ta được tổ chức tại tỉnh Lạng Sơn - vùng đất thiêng liêng gắn liền với truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta, cửa ngõ của đất nước "nơi dòng sông chảy ngược". Với  truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, trong thời gian qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XIV để xây dựng Lạng Sơn thành một tỉnh “cao về trí tuệ, đẹp về văn hóa, giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng, an ninh” xứng đáng với niềm tin yêu, kỳ vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Một lần nữa, thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội xin cảm ơn Thường trực tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban mặt trận tổ quốc, đặc biệt là đồng chí Bí thư và các đồng chí Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã đăng cai tổ chức Hội nghị chu đáo, xin chúc đồng bào, đồng chí tỉnh Lạng Sơn và các đồng chí đại biểu dự Hội nghị sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

_________________

* Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt