Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

Hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo vệ người lao động ở nước ngoài

- Chủ Nhật, 28/06/2020, 17:12 - Chia sẻ
Đây là yêu cầu đặt ra với dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Do đó, đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với dự thảo Luật và đề nghị, cần làm rõ cơ chế bảo vệ người lao động khi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong bối cảnh Nhà nước chủ trương xã hội hóa lĩnh vực này, nhiều đại biểu cũng đề nghị phải tính toán kỹ việc bổ sung đối tượng điều chỉnh là cơ quan sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh, thành phố có thẩm quyền đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Làm rõ cơ chế bảo vệ người lao động

Dẫn kết quả khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2018, ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) cho biết, trong quá trình làm việc có khoảng 76% người lao động Việt Nam di cư đối mặt với một số hình thức vi phạm quyền lao động và ít được tiếp cận các biện pháp giải quyết pháp lý. Bởi vậy, sửa đổi Luật Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cần hoàn thiện cơ chế pháp lý để bảo vệ người lao động ở nước ngoài.

Quan điểm chỉ đạo trong Tờ trình của Chính phủ cũng đã chỉ rõ: Phải bảo đảm danh dự, nhân phẩm và các quyền tự do cơ bản của người lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Dự thảo Luật cũng đã tiếp cận vấn đề này bằng các quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ như ở điểm e, Khoản 2 Điều 28 và một số nghĩa vụ của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề này ở các Điều 16, 18, 21, 29, 30. Trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài được quy định tại Khoản 1 Điều 73... Tuy nhiên, cơ chế thực hiện trách nhiệm của các chủ thể này như thế nào và cơ chế bảo vệ người lao động như thế nào thì lại chưa được làm rõ trong dự thảo Luật. Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, làm rõ thêm để bảo vệ tốt hơn người lao động Việt Nam đang lao động ở nước ngoài.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu tại hội trường  

Ảnh: Quang Khánh 

Có nên gia hạn giấy phép 5 năm 1 lần? 

Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 đã nêu lên khá đầy đủ các bất cập trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể, vẫn còn tình trạng một bộ phận doanh nghiệp được cấp phép hoạt động nhưng không trực tiếp tổ chức khai thác, tìm kiếm hợp đồng cung ứng lao động, tư vấn, tuyển chọn lao động mà giao lại mọi hoạt động, từ việc tìm kiếm thị trường đến việc tuyển chọn, đào tạo và cung ứng lao động cho chi nhánh hoặc trung tâm trực thuộc. Một số doanh nghiệp còn không kiểm soát được hoạt động của cán bộ trong doanh nghiệp. Tình trạng nhân viên mượn danh nghĩa của doanh nghiệp để tuyển lao động thu tiền bất chính hoặc cung ứng lao động tuyển được cho doanh nghiệp khác để nhận hoa hồng làm tăng chi phí tuyển chọn, gây thiệt hại về kinh tế cho người lao động. 

Từ thực tế này, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về thời hạn Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, thời hạn của Giấy phép là 5 năm, được gia hạn một lần và mỗi lần là 5 năm. Theo Tờ trình của Chính phủ, việc bổ sung quy định mới này nhằm tạo chuyển động tích cực đối với hoạt động của doanh nghiệp sau khi được cấp phép, bảo đảm các doanh nghiệp sau khi được cấp phép luôn nỗ lực nâng cao năng lực, uy tín hoạt động, duy trì và phát triển mở rộng thị trường; chăm lo quyền lợi của người lao động do mình đưa đi, tạo cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn cho cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của các doanh nghiệp.

Nhưng quy định như vậy liệu có bảo đảm đủ răn đe, khắc phục được thực trạng vừa qua hay không? Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, để quản lý nhà nước hiệu quả hơn thì cần quy định chặt chẽ đầu vào và tăng cường kiểm tra, giám sát. Hơn nữa, thay đổi quy định về thời hạn giấy phép như dự thảo Luật có tạo ra nguy cơ gây phiền hà hơn cho doanh nghiệp hay không? Cần cân nhắc thật kỹ về việc bổ sung quy định về thời hạn và gia hạn Giấy phép, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị. 

Tránh thành lập ồ ạt các đơn vị sự nghiệp công lập 

Điểm mới của dự thảo Luật là bổ sung đối tượng điều chỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh để thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế (Điều 5). Theo đó, các đơn vị sự nghiệp này được dự thảo Luật quy định hoạt động phi lợi nhuận, chỉ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Thỏa thuận quốc tế đã được địa phương ký kết.

Ban đầu, nội dung này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội - cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật, do lo ngại sẽ không bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân và đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng như tính phù hợp với chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực dịch vụ công. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, quy định này xuất phát từ mô hình của tỉnh Đồng Tháp. Thời gian qua, tỉnh này đã ký được nhiều hợp đồng với các tỉnh bạn ở Nhật Bản, Hàn Quốc, đưa được rất nhiều lao động tại địa phương sang những thị trường tiếp nhận lao động rất tốt này để làm việc mà người lao động không phải mất bất cứ khoản phí nào. “Thực tế, việc quản lý người lao động ở nước sở tại qua mô hình này cũng rất tốt, không có trường hợp nào người lao động vi phạm, bỏ trốn ở lại sau thời gian làm việc”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội nói.

Từ góc độ của cơ quan quản lý, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, mô hình trên đã được thí điểm tại 4 địa phương, trong đó có Đồng Tháp, Ninh Thuận… đều cho thấy hiệu quả. Bản chất của việc này là thỏa thuận lao động được ký kết giữa địa phương với quốc gia khác. Bộ cũng đã tiến hành tổng kết 2 năm việc thí điểm mô hình, kết quả đánh giá tích cực nên mới quyết định đưa vào dự thảo Luật sửa đổi. “Thực tế, ngay trong Luật hiện hành đã cho phép các đơn vị tương tự trực thuộc các bộ, ngành thực hiện việc này nhưng đến nay hầu hết vẫn không làm. Còn nếu để toàn bộ hoạt động này cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải làm vì lợi nhuận, nên chắc chắn có thu phí của người lao động. Do đó, mô hình mới đề xuất đưa vào luật sẽ giúp giảm chi phí cho người lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung  nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương, ĐBQH Lê Minh Hoan (Đồng Tháp) cho biết, mô hình này giúp kết nối chặt chẽ hơn với người lao động dù họ đang ở nước ngoài. “Có những vụ, nửa đêm công dân gọi Zalo cho cán bộ UBND tỉnh báo bị quấy rối, chính quyền lập tức liên hệ với nghiệp đoàn phía nước bạn, cử được luật sư xuống hỗ trợ ngay. Việc thẩm định nghiệp đoàn của hai bên, UBND tỉnh cũng giám sát chặt chẽ”, đại biểu Lê Minh Hoan cho biết. 

Cơ bản tán thành với mô hình mới được đưa vào dự thảo Luật, song điều khiến ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) băn khoăn là quy định này có phù hợp với chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực dịch vụ công hay không? Có phát sinh bộ máy đơn vị sự nghiệp công và việc sử dụng vốn ngoài ngân sách như thế nào? Đại biểu cũng đề nghị làm rõ việc bảo vệ quyền lợi của người lao động được quy định như thế nào trong dự thảo Luật trong trường hợp đơn vị sự nghiệp bị giải thể hoặc không còn chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cơ quan nào giải quyết quyền lợi cho người lao động?

Thực tế, tại Đồng Tháp không có đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh mà chỉ có trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội của tỉnh. Nghị quyết số 19 - NQ/TW ngày 25.10.2017 của Trung ương yêu cầu giảm mạnh về đầu mối, đến năm 2025, tối thiểu bình quân cả nước phải giảm được 10% đơn vị sự nghiệp công lập. ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chỉ rõ, nếu thành lập đơn vị sự nghiệp công lập mới trực thuộc UBND tỉnh, thành phố có thẩm quyền đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì sẽ làm phát sinh bộ máy, không phù hợp với chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực dịch vụ công. Đại biểu đề nghị, cần cân nhắc có nên thành lập đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh không hay sẽ làm giống như mô hình tại Đồng Tháp? 

Cùng quan điểm nêu trên, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng, quy định trong dự thảo Luật có thể dẫn đến tình trạng thành lập ồ ạt các đơn vị sự nghiệp hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi nước ngoài. Hơn nữa, dự thảo Luật chỉ quy định về người đứng đầu của đơn vị sự nghiệp, chưa đề cập đến các yếu tố khác của đơn vị như là tổ chức hoạt động hiệu quả hoạt động, yếu tố con người, cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động. Cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp này sẽ như thế nào cũng phải làm rõ vì đây là đơn vị sự nghiệp hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, cần có quy định chung về cơ chế tài chính cho các đơn vị này để thực hiện thống nhất trong cả nước, dễ kiểm tra, dễ kiểm soát và dễ truy cứu nếu có sai phạm.

Nhật An