Ý kiến cử tri

Hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy<br>Nền móng để thành công

- Thứ Sáu, 15/07/2016, 08:28 - Chia sẻ
Cùng với các địa phương trong cả nước, Hà Nội đã triển khai thành công cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Kết quả đã được công bố, công tác hoàn thiện bộ máy lãnh đạo ở cấp TP đã xong, ở cấp quận, huyện, xã, phường đến nay cũng gần như hoàn tất.

Ngoài yếu tố tài năng, đạo đức được nhân dân và cử tri gửi gắm đối với ban lãnh đạo cũng như từng chức danh chủ chốt trong các cơ quan, sở, ban, ngành của HĐND và UBND các cấp TP Hà Nội, thì những điểm mới của cơ cấu tổ chức bộ máy UBND và HĐND các cấp nhiệm kỳ này được nhân dân đánh giá rất cao. Với phương châm: “Tiếp tục đổi mới, dân chủ, trách nhiệm, hiệu quả, vì dân”, để làm tốt trọng trách của mình trước nhân dân, nhiệm kỳ 2016 - 2021, TP Hà Nội chủ trương giảm các phòng, ban cũng như cấp phó ở các cơ quan chính quyền. Đồng thời, theo quy định của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, tăng số lượng thành viên của Thường trực HĐND, số lượng lãnh đạo các ban là đại biểu chuyên trách cũng tăng. Đây là lần đầu tiên tổ chức các ban của HĐND cấp xã, phường, thị trấn được thành lập.

Việc tăng số lượng Thường trực HĐND và đại biểu chuyên trách cũng như thành lập các ban của HĐND cấp xã, phường không phải để gia tăng biên chế mà thực chất là để tăng hiệu quả hoạt động, trong đó có hoạt động giám sát. HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất tại địa phương có chức năng xem xét, thông qua các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; lập bộ máy hành pháp và giám sát các vấn đề về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn cũng như giám sát việc thực thi các nghị quyết mà mình thông qua. Không những thế, HĐND là cơ quan dân cử, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, cũng như thay mặt cử tri giám sát các vấn đề dân sinh...   

Vì vậy, nếu không tăng số lượng thường trực, đại biểu chuyên trách và thành lập các ban HĐND ở cấp xã, phường thì không thể nào thực hiện đúng chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình. Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - Nhà nước của dân, do dân và vì dân, với phương châm dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, thì HĐND với chức năng đại diện cho cử tri phải có đầy đủ lực lượng lẫn ban tương ứng với khối chính quyền để thực hiện nhiệm vụ mà nhân dân giao phó. Do vậy, việc cải tiến tổ chức bộ máy HĐND các cấp của Hà Nội trong nhiệm kỳ này tin tưởng sẽ nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động.

Ngoài điểm mới lần đầu tiên HĐND cấp xã, phường có đầy đủ các ban chức năng, thì tại nhiệm kỳ này lần đầu tiên Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình bí thư quận, huyện kiêm chủ tịch UBND (áp dụng cho quận Nam Từ Liêm và huyện Quốc Oai). Đây được xem là bước cải cách về tổ chức bộ máy Đảng gắn với bộ máy chính quyền. Tại các nhiệm kỳ trước, trong cơ cấu tổ chức thông thường nhiều địa phương của cả nước nói chung, các cấp HĐND TP Hà Nội nói riêng, chức danh bí thư quận, huyện thường kiêm chức chủ tịch HĐND như trường hợp của quận Hoàn Kiếm. Nay thí điểm mô mình bí thư kiêm chủ tịch được các chuyên gia cho là khâu đột phá, song logic. Logic ở chỗ, Đảng đề ra chủ trương, đường lối bằng nghị quyết, chỉ thị; HĐND cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng và thực thi nhiệm vụ giám sát tối cao; UBND là cơ quan điều hành, thực thi luật pháp. Do đó, mô hình bí thư kiêm chủ tịch UBND là nhằm nâng cao tính độc lập cho HĐND, gắn kết giữa cơ quan chỉ đạo, lãnh đạo và điều hành để đi tới kết quả cao nhất. Đồng thời, tạo ra sự “kiểm tra” chéo giữa các cơ quan này.

Ngoài các yếu tố khác, một khi mô hình tổ chức bộ máy nhà nước khoa học sẽ dẫn đến hiệu quả cao trong công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội. Hy vọng, với việc thí điểm đổi mới cơ cấu tổ chức của Hà Nội trong nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ 2016 - 2021 hoạt động của bộ máy dân cử Hà Nội sẽ thực sự phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT - XH và AN - QP của Thủ đô. 

Lê Hà