Hoài niệm phố

- Thứ Hai, 12/08/2019, 08:02 - Chia sẻ
Đời sống phố thị với những tâm tư, hoài niệm, trải nghiệm trong không gian chật hẹp, cũ kỹ và rêu phong được 5 họa sĩ: Vũ Bích Thủy, Trần Lưu Mỹ, Doãn Hoàng Lâm, Tào Linh và Nguyễn Minh “kể” đầy chất đời, song cũng đầy cảm xúc trong triển lãm “Chuyện phố”, đang diễn ra tại 29 Hàng Bài, Hà Nội.

Những cảm nhận khác biệt

Cùng sinh ra và lớn lên ở phố nhưng 5 họa sĩ mang đến những gam màu và cảm nhận khác nhau về đời sống phố thị. Với họa sĩ Vũ Bích Thủy, đó là trải nghiệm bằng những câu chuyện thường nhật, những góc nhìn hoàn toàn riêng tư về người đàn bà của gia đình. Đó là những góc phố nhỏ hay chậu cây nơi thềm nhà, bóng nắng chiều hắt một góc sân hàng xóm… Theo họa sĩ Vũ Bích Thủy, không thể nói hết tâm tư, hoài niệm trong những không gian chật hẹp ấy, nhưng trước đổi thay, nó khiến cho chúng ta nhớ lại cảm giác một thời tưởng như qua rồi song vẫn lưu lại đâu đó trong cuộc sống.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận xét, trừu tượng của Vũ Bích Thủy cho thấy người đàn bà vẽ chỉ trung thành đến cùng tâm hồn của họ, chỉ muốn tìm đẹp trong thiên nhiên. “Mà thiên nhiên trong ngôn ngữ của Vũ Bích Thủy cũng là tiếng lòng của người đàn bà cầm bút, nó đụng chạm đến ai quá nhạy cảm về thị giác, chạm đến những giây khắc nỉ non khó nói ra, phận đàn bà ước ao sự thanh nhàn, sự bình yên. Trừu tượng đã cho cô giải thoát để bình yên sống”.

Là tác giả trẻ nhất nhóm, Nguyễn Minh kể những câu chuyện của ven đô, nơi nửa làng, nửa phố, đôi khi còn đầy ắp dư âm của làng trong ký ức tuổi thơ của tác giả… Câu chuyện của anh là những hồi ức tại vùng quê Hà Tây cũ, ngôi nhà đã gắn bó với anh hơn 30 năm và ăm ắp kỷ niệm. “Đến thời đô thị hóa, những ngôi nhà không còn nữa. Tuy nhiên, trong tranh tôi không muốn diễn tả sự mất mát mà để người xem thấy sự đổi mới đầy lạc quan, thi vị và trữ tình. Tôi muốn người xem không cảm thấy mệt mỏi, mà mở ra một đời sống mới ở phố. Xen giữa những ngôi nhà cấp bốn, những cổng làng, là các khu đô thị sầm uất, có cũ và mới, truyền thống và hiện đại…”.

Từ việc tạo chất, chơi hình, chơi không gian hay là tối giản về hình, lập thể về mảng miếng, đề tài cũ nhưng có cách thể hiện đương đại, các tác phẩm của Nguyễn Minh mang nhiều tầng ý nghĩa.


"Phố” của Vũ Bích Thủy Ảnh: HS

Đối thoại với chính mình

 “Chuyện phố” mang nhiều phong cách, bút pháp thể hiện, nhưng đều là những cách nhìn khác nhau về xã hội Việt đương đại. Phố chỉ là cái cớ để họ bước chậm hơn, bình tĩnh hơn, cẩn trọng hơn, cân nhắc hơn và cả chiều sâu để hiểu rằng với người Việt đương đại, số phận của từng con người ẩn khuất trong các con phố bề nổi.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn

Theo đuổi phong cách bán trừu tượng, tranh của Trần Lưu Mỹ giúp người xem  cảm nhận nhịp sống của một người cả đời ở phố, vừa chật chội vừa phóng khoáng, vừa trầm mặc vừa tươi vui... Đó không phải hình phố bên ngoài mà là cái cảm về phố. Ở không gian đó, anh không muốn người xem đứng từ xa trông vào, thay vào đó họa sĩ để ngập không gian phố trong tranh. Tập hợp các đường nét, màu sắc để tạo nên bố cục, từ đó cho người xem cảm xúc. “Đương nhiên khi vẽ tôi đều có chủ đích nhất định, song không chủ định một phố nào. Đó là tập hợp tín hiệu từ các con phố, bởi thực ra tuy mỗi phố có những nét riêng, nhưng cũng rất chung, chỉ là tôi chọn những mô típ và hình tượng phù hợp cho mỗi bức tranh mà thôi”, Trần Lưu Mỹ cho hay. Đây cũng chính là điểm riêng họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận thấy khi xem tranh Trần Lưu Mỹ: “Đôi khi sống mà thỏa lòng để làm nghệ thuật là hạnh phúc, đó cũng là câu chuyện đối diện với tấm toan để nói lên ước ao của mình”.

Những trăn trở, dùng dằng này ta cũng bắt gặp trong suy tư về con người ở phố trong tranh Doãn Hoàng Lâm. Khi được mời tham gia triển lãm chung, Doãn Hoàng lâm rất hào hứng, bởi nó là cớ cho anh hồi tưởng đời sống nơi phố cổ. Nửa đời người với nhiều ký ức đẹp nhưng buồn, cái thời Hà Nội mang đời sống lặng lẽ, không náo nhiệt, không nhiều thú vui giải trí, nhưng con người gần gũi nhau hơn, các câu chuyện chia sẻ cũng trở nên thú vị.

“Tôi muốn trở lại những ngày tháng ấy từ trong tâm tưởng. Kết hợp màu của rêu phong, màu của thời gian, để thể hiện các tác phẩm trong những màu sắc gợi cảm,  đầy năng lượng và thích thú”, Doãn Hoàng Lâm chia sẻ. “Nghệ thuật đòi hỏi các nghệ sĩ phải quên đi thủ pháp cũ để bức tranh có màu sắc đương đại. Nó giống như việc chúng ta dùng phương tiện để truyền tải tình cảm một cách tự nhiên trong đời sống. Như câu chuyện ẩn ức xưa của tôi về chú mèo nhà hàng xóm, đã 40 năm qua rồi nhưng vẫn như hiện diện đâu đó trong cuộc sống hôm nay”.

Còn với Tào Linh, đơn giản nghệ thuật là những không gian sống mang một chiều kích khác với đời sống thường nhật. “Không phải là chuyện nhà, chuyện cửa, mà là những sâu kín của con người ở phố. Với tôi, những khi mệt mỏi, ngắm bể cá và được cá “ngắm” lại mình, đối thoại với mình, đem đến cho tôi một đời sống khác, được ẩn mình, được thủ thỉ, thì thầm, chứ không đao to búa lớn”.

Hương Sen