Hoạch định chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp

- Thứ Năm, 05/09/2019, 07:59 - Chia sẻ
Trong bối cảnh chúng ta đang tiến hành quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), xây dựng chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, Hội thảo Giáo dục 2019 (VEC 2019) được đánh giá có vai trò hết sức quan trọng để hoạch định chiến lược phát triển lĩnh vực này thời gian tới, nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.

Hội thảo Giáo dục 2019 (VEC 2019) có chủ đề “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”, với 3 nội dung thảo luận trọng tâm là: Thể chế giáo dục nghề nghiệp; Doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp; Chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Để lựa chọn ra 3 chuyên đề thảo luận này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã tổ chức nhiều tọa đàm, lấy ý kiến chuyên gia ở cả ba miền. Gần 60 tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước đã được gửi tới Ban tổ chức xoay quanh 3 nội dung trọng tâm này. Ban tổ chức mong muốn thông qua hội thảo đem đến cái nhìn rõ hơn, toàn diện hơn về thực trạng GDNN, từ đó đề xuất các giải pháp để phát triển lĩnh vực này, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam cũng như hoàn thiện chính sách pháp luật về GDNN thời gian tới.


Thí sinh Việt Nam tại Kỳ thi Tay nghề thế giới 2019 Nguồn: Tổng cục GDNN

Thực tế lâu nay dư luận nói nhiều về việc thừa thầy thiếu thợ, chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp cũng như sự phát triển của nền kinh tế. Qua nghiên cứu, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận thấy, lao động của Việt Nam rất thiếu kỹ năng nghề. 45% doanh nghiệp tham gia khảo sát của WB cho rằng kỹ năng nghề của lao động thấp cản trở hoạt động kinh doanh của họ. Con số này là cao so với các nước khác đang cùng phát triển ở khu vực Đông Nam Á (chỉ 30% cho rằng như vậy). Bên cạnh đó, cơ chế quản lý bị đánh giá là lo cho hệ thống hành chính nhiều hơn chứ chưa thực sự vì chất lượng đào tạo, hạn chế thẩm quyền của lãnh đạo trường nghề cũng như sự năng động của cơ sở GDNN. Sự gắn kết giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp còn mờ nhạt… Chính vì vậy, như Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh hy vọng, sẽ có nhiều giải pháp được đề xuất tại hội thảo nhằm thúc đẩy doanh nghiệp gắn kết với cơ sở GDNN để nâng cao chất lượng lao động, cùng nhau đào tạo “để khi sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay và doanh nghiệp thì không phải đào tạo lại”.

Từ góc độ cơ quan lập pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng cho rằng, cùng với việc tổ chức giám sát, thu nhận ý kiến của cử tri, “đây là diễn đàn chính thức để chúng tôi thu thập thông tin của các nhà khoa học, nhà quản lý, những người quan tâm đến GDNN nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về lĩnh vực này. Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được triển khai thực hiện 5 năm, qua giám sát chúng tôi nhận thấy có những điểm cần bổ sung, hoàn thiện. Qua hội thảo, chúng tôi muốn lắng nghe thêm ý kiến của nhà khoa học, quản lý, thầy cô giáo, doanh nghiệp, xem đã đến lúc đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật này hay chưa”.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Tạ Văn Hạ bổ sung: “Chúng tôi kỳ vọng hội thảo sẽ tác động thay đổi nhận thức của người dân với học nghề; thay đổi trong quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương với GDNN; thay đổi từ chính các cơ sở GDNN để nâng cao chất lượng đào tạo; và thay đổi của hệ thống doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, kết hợp với cơ sở GDNN để không phải đào tạo lại”. Ông Tạ Văn Hạ cũng khẳng định, những ý kiến tại hội thảo sẽ là nguồn tư liệu, góc nhìn, kinh nghiệm quý báu cho các đại biểu Quốc hội, nhà quản lý trong quá trình hoạch định chiến lược cũng như điều hành lĩnh vực GDNN của Việt Nam.

Lẽ tất nhiên, Hội thảo Giáo dục 2019 không thể giải quyết được hết mọi vấn đề của GDNN Việt Nam hiện nay, nhưng sẽ gợi ý những vấn đề lớn để các nhà hoạch định chính sách, quản lý nhà nước và những người trong ngành hiểu vấn đề gì đang đặt ra và phải làm gì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế. Bởi nguồn nhân lực được xác định là mũi đột phá thứ 3 hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước giai đoạn tới.

Nhật Linh