Hòa thanh kết điệu

- Thứ Tư, 29/05/2019, 08:21 - Chia sẻ
Hàm chứa tâm hồn của mỗi vùng đất, dân tộc, con người, âm nhạc được coi như một ngôn ngữ không rào cản. Trong một thế giới ngày càng “phẳng”, bên cạnh nét độc đáo, tinh túy được gìn giữ qua thời gian, sự đối thoại, hòa thanh giữa các nền âm nhạc ngày càng trở nên rộng mở.

Giao tiếp toàn cầu bằng âm nhạc

Âm nhạc đã và đang hội nhập như một tất yếu trong các cuộc giao lưu văn hóa. Không chỉ biểu diễn tác phẩm âm nhạc truyền thống, cổ điển, việc nghệ sĩ đến từ các quốc gia khác nhau cùng hòa tấu nên tác phẩm chung, với nhạc cụ, phong cách riêng của mỗi dân tộc đã trở nên khá quen thuộc. Dù âm nhạc gắn với lối sống, lịch sử, truyền thống, phong tục, tập quán xã hội của từng cộng đồng, có những điểm khác biệt nhất định; nhưng việc nghệ sĩ cùng gặp gỡ, khám phá âm nhạc của nhau, tìm ra những nét tương đồng đan xen, những âm thanh khác biệt để cộng hưởng, cũng tạo nên những yếu tố mới mẻ của phương thức “giao tiếp toàn cầu” này.


Nghệ sĩ Đồng Quang Vinh biểu diễn cùng dàn nhạc “Sức sống mới” Ảnh: Nhật Linh

Gìn giữ những nét tinh túy của âm nhạc truyền thống đã được cộng đồng bản địa khai sinh, sáng tạo là hướng đi được duy trì, góp phần tạo nên sự phong phú của âm nhạc thế giới. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở nguyên bản, những năm gần đây, khán giả yêu nhạc Việt Nam cũng dần quen thuộc với những cuộc “đối thoại” giữa các nền văn hóa bằng âm nhạc.

Ở đó, nghệ sĩ cùng kết hợp, cộng hưởng, đưa nhạc truyền thống vào cuộc “phiêu lưu”, nhằm khám phá thêm những khả năng mới, tìm tòi những biểu hiện mới: Nhạc cụ truyền thống chơi cùng các nhạc cụ phương Tây; Pop hóa nhạc cụ dân tộc, sáng tác và chuyển soạn lại những giai điệu dân gian; nhạc của đồng bào dân tộc miền núi vang lên trên nền hòa âm jazz; chất liệu âm nhạc dân gian với âm thanh của nhạc điện tử, hay nhạc cụ truyền thống biểu diễn các tác phẩm âm nhạc nước ngoài...

Trong các Liên hoan Âm nhạc châu Âu thường niên tại Việt Nam nhiều năm nay, nghệ sĩ trong nước và quốc tế đã gặp gỡ, làm việc chung, với các chất liệu âm nhạc vô cùng khác nhau. Không chỉ vậy, nhiều nghệ sĩ trong nước cũng đã tìm tòi, thử nghiệm và phá cách, mang đến nét mới mẻ cho các giai điệu, nhạc cụ đã rất đỗi quen thuộc với khán giả.

Giữ âm sắc Việt

Thế giới ngày càng rộng mở đã thôi thúc nghệ sĩ đưa âm nhạc đến với nhiều vùng đất, nền văn hóa, chinh phục nhiều khán giả khác nhau. Trong xu thế ấy, không chỉ mãi gắn liền với giai điệu truyền thống, các nhạc cụ đáp ứng được nhu cầu biểu hiện, sáng tạo đa dạng, thử nghiệm trong nghệ thuật đã vượt ra khỏi khuôn khổ quen thuộc, làm nên tác phẩm từ sự pha trộn, tương tác giữa các kho tàng âm nhạc.

Tiếp cận với âm nhạc phương Đông và phương Tây, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cho rằng, hai nền âm nhạc có nhiều điểm chung. Chẳng hạn lấy dàn nhạc dân tộc Việt Nam so với dàn nhạc giao hưởng, một bên có đàn nhị, đàn cò, bên kia có violon; rồi đàn nhị hồ so với viola... Việt Nam có sáo trúc, kèn sona, thì các nước có sáo flute, kèn oboe, trumpet. Bộ gõ t’rưng, ching’ram sánh với marimba, xylophone. Một dàn nhạc dân tộc khi xếp vào nhau được lựa chọn theo bố cục không khác mấy với dàn nhạc phương Tây. Có lẽ vì thế, trong cuộc gặp gỡ giữa hai nền âm nhạc ấy, nhiều nghệ sĩ chơi nhạc dân tộc với nhạc cụ của dàn nhạc phương Tây hoặc nhạc điện tử. Muốn tiếp nối câu chuyện đó theo cách riêng, nghệ sĩ Đồng Quang Vinh đã sáng lập dàn nhạc “Sức sống mới”, gồm những nghệ sĩ chơi nhạc cụ được chế tác từ tre, nứa như T’rưng, Ching’ram, K’lông pút, Đinh Pá, bộ gõ tre nứa, sáo trúc… Từ nhạc cụ tre nứa Việt, các bản nhạc phương Tây đã vang lên, thể hiện sự pha trộn độc đáo giữa cổ điển và hiện đại, giữa văn hóa Đông - Tây, gây chú ý cho không chỉ khán giả của nhạc truyền thống, mà thu hút cả khán giả trẻ thích nghe nhạc hàn lâm và khách quốc tế.

Việt Nam có đến 54 tộc người với âm nhạc, nhạc cụ riêng. Kho tàng phong phú ấy chưa nhiều người tường tận. Ở đó có tiếng đàn bầu thổn thức, da diết, ngân nga chạm vào trái tim thính giả; đàn T’rưng âm sắc hơi đục, tiếng không vang to, vang xa nhưng khiến người nghe cảm nhận được tiếng suối róc rách, tiếng thác đổ, tiếng xào xạc của rừng tre nứa khi gió thổi... Mỗi nhạc cụ, cũng như âm nhạc từng vùng miền có đặc trưng riêng, mà khi giao thoa, sáng tạo, nghệ sĩ cần phải am hiểu sâu sắc, cảm được cái hay cái đẹp ở đó, để tạo nên sự hòa hợp của âm thanh.

Trong quá trình trao cho nhạc cụ truyền thống được “nói nhiều ngôn ngữ phong phú hơn”, tạo ra các cách thức biểu hiện mới, điều quan trọng là làm sao hòa âm nhưng vẫn giữ được “sắc”. Để làm được điều đó, nghệ sĩ phải làm cho tiếng nhạc phát ra không bị ngọng nghịu, bị phô, nhạc truyền thống hòa đương đại nhưng vẫn giữ được nét riêng, thể hiện được tình cảm, tâm hồn Việt.

Thảo Nguyên