Xung đột Israel - Palestine

Hòa bình xa vời

- Thứ Năm, 21/05/2020, 08:46 - Chia sẻ
Trong bối cảnh Israel lên kế hoạch sáp nhập khu vực Bờ Tây, Palestine đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất của mình. Tiến trình hòa bình Trung Đông đang đứng trước thách thức ghê gớm trước diễn biến căng thẳng leo thang, nổi bật là tuyên bố rút khỏi mọi thỏa thuận với Israel và Mỹ của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

Palestine rút khỏi mọi thỏa thuận

Trong cuộc họp mới đây tại thành phố Ramallah, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố, Palestine sẽ chấm dứt mọi thỏa thuận với Israel để phản đối việc nước này lên kế hoạch sáp nhập khu Bờ Tây. Theo tờ RT, các thỏa thuận mà ông Abbas đề cập bao gồm: Thỏa thuận Oslo năm 1993, Thỏa thuận Hebron năm 1997 và Thỏa thuận sông Wye năm 1998, vốn thiết lập tạm thời các giới hạn an ninh giữa hai láng giềng ở Bờ Tây.

Ông Abbas cho biết: “Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và Nhà nước Palestine sẽ không bị ràng buộc vào tất cả thỏa thuận sơ bộ và chính thức với Mỹ và Chính quyền Israel cũng như tất cả nghĩa vụ nêu trong các thỏa thuận đó, bao gồm những thỏa thuận an ninh”. Nhà lãnh đạo này chỉ trích nhà nước Do Thái “chiếm đóng lãnh thổ” của người Palestine, do đó “buộc phải chịu trách nhiệm và thực hiện nghĩa vụ của mình trước cộng đồng quốc tế”, cũng như “phải chịu mọi hậu quả dựa trên luật pháp quốc tế và luật nhân đạo quốc tế, đặc biệt là Công ước Geneva lần thứ 4 năm 1949. Tuy nhiên, ông cũng tuyên bố Palestine vẫn cam kết thực hiện “giải pháp hai nhà nước” và sẵn sàng đàm phán với Israel.

Trong bài phát biểu, ông Abbas thậm chí cho rằng, tuyên bố hôm 18.5 của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về kế hoạch mở rộng chủ quyền của Israel đối với các khu định cư và Thung lũng Jordan đã “xóa bỏ” Hiệp ước Oslo năm 1993 và phá hoại tiến trình hòa bình kéo dài hàng thập kỷ nay. Trên thực tế, Hiệp ước Oslo là thỏa thuận cực kỳ quan trọng vì nó định hình tình trạng hiện nay của cuộc xung đột Israel - Palestine, phân chia khu vực quản lý của Israel và Nhà nước Palestine. Năm 1995, Israel và Palestine đã ký một thỏa ước tạm thời tại Washington, tìm cách đưa vào thực thi Hiệp ước hòa bình Oslo vốn được nhất trí hai năm trước đó. Đôi khi được ví như Hiệp ước Oslo II, thỏa ước trên kéo dài chỉ 5 năm cho tới khi hai bên cùng thống nhất ký thỏa thuận chung cuộc vĩnh viễn. Tuy nhiên cho đến nay, cả Palestine và Israel vẫn chưa thể thống nhất thỏa ước mới thay thế.

Thực ra, từ tháng 2 năm nay, ông Abbas đã đe dọa rút khỏi các thỏa thuận với Chính quyền Tel Aviv, ngay khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch hòa bình ở Trung Đông, vốn được biết đến với cái tên Thỏa thuận thế kỷ, trong đó Mỹ ủng hộ việc Israel sáp nhập khu Bờ Tây. Tổng thống Palestine tuyên bố: “Chúng tôi cho rằng, Chính quyền Mỹ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự áp bức đối với người dân Palestine và chúng tôi coi nước này là đối tác chính với Chính phủ chiếm đóng Israel trong tất cả các quyết định xâm lược và không công bằng đối với người dân của chúng tôi”.

 Tổng thống Abbas thúc giục cộng đồng quốc tế bác bỏ Thỏa thuận thế kỷ, thực hiện “các bước răn đe và áp dụng biện pháp trừng phạt nghiêm túc, nhằm ngăn chặn Israel thực hiện các kế hoạch cũng như tiếp tục từ chối quyền của người Palestine. Thực tế, Palestine cũng như nhiều quốc gia Ảrập và châu Âu từng lên án đề xuất của Tổng thống Donald Trump là thiên vị Israel và tạo ra “độc lập có điều kiện” với người Palestine.

Kể từ cuối năm 2017, Chính quyền Washington đã có một vài động thái được xem là gây thiệt thòi lớn cho người Palestine như: Công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, chuyển Đại sứ quán Mỹ ở nhà nước Do Thái từ Tel Aviv đến Jerusalem, cắt giảm hàng trăm triệu USD viện trợ cho người Palestine và cơ quan Liên Hợp Quốc hỗ trợ người tị nạn Palestine, đóng cửa văn phòng đại diện của PLO tại Washington…

Chỉ là lời đe dọa?

Nhà báo Ali Abunimah, làm việc tại trang mạng chuyên về quan hệ Palestine - Israel The Electronic Intifada (trụ sở ở Mỹ), nhận định Tổng thống Abbas chưa chắc sẽ thực sự hủy bỏ các thỏa thuận trên. Theo ông, Palestine sẽ không thể hành động đơn phương mà không có sự tương tác với Israel. Giới truyền thông Israel cũng có suy nghĩ tương tự, vì trước đây, nhà lãnh đạo Palestine từng nhiều lần đe dọa rút khỏi thỏa thuận với nhà nước Do Thái. Trước đó, nhà nước Palestine thậm chí còn từng không ít lần đe dọa sẽ tự giải tán, động thái có khả năng sẽ phá vỡ nguyên trạng ở khu vực.

Cho tới nay, hai Chính phủ luôn làm việc cùng nhau về nhiều vấn đề từ nguồn nước tới an ninh, nên việc rút khỏi các thỏa thuận có thể tác động đến an ninh Bờ Tây. Trong phát biểu mới nhất, Tổng thống Palestine Abbas cho biết, “nhà nước Palestine” sẽ ngay lập tức gia nhập các tổ chức và thỏa thuận quốc tế mà Palestine chưa phải là thành viên. Palestine hiện là thành viên của hàng chục tổ chức, nghị định thư và công ước quốc tế.

Đây là một phần của chiến dịch giành được sự công nhận đơn phương đối với nhà nước non trẻ của họ, trong khi các cuộc đàm phán hòa bình với Israel đang “đi vào ngõ cụt”. Palestine duy trì bước đi gia nhập các tổ chức quốc tế để thúc đẩy mục tiêu thành lập nhà nước riêng, cũng như củng cố vị thế quốc tế của họ. Tuy nhiên, Israel cho rằng, những nỗ lực mang tính một chiều đó của Palestine có thể gây ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán hòa bình, cũng như làm suy yếu vị thế của nhà nước Do Thái trong cộng đồng quốc tế.

Thái Anh