Vai trò của Thư viện Quốc hội

Hỗ trợ xây dựng luật tốt hơn - vai trò xuyên suốt của thư viện nghị viện

- Thứ Sáu, 30/08/2013, 08:52 - Chia sẻ
“Hỗ trợ xây dựng luật tốt hơn: vai trò xuyên suốt của thư viện và dịch vụ nghiên cứu nghị viện” là chủ đề Hội nghị năm nay của Ban Thư viện và dịch vụ nghiên cứu nghị viện thuộc Liên đoàn quốc tế các hiệp hội thư viện (IFLA). Hội nghị diễn ra trong các ngày từ 14 – 16.8.2013 tại Singapore với sự tham gia của đại diện Thư viện Quốc hội 46 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Có một điểm thống nhất trong các bài tham luận được trình bày tại Hội nghị là khẳng định giá trị của việc cung cấp các thông tin, nghiên cứu mang tính độc lập, khách quan và kịp thời để hỗ trợ Quốc hội trong việc xây dựng luật tốt hơn. Đối với các đại biểu Quốc hội, thông tin là yếu tố quan trọng hàng đầu để quyết định việc có nên hay không nên thông qua một đạo luật, một chính sách lập pháp. Khi được cung cấp thông tin một cách đầy đủ, các đại biểu Quốc hội sẽ có điều kiện phân tích và tìm ra các giải pháp lập pháp hợp lý, xây dựng nên các đạo luật tốt.

Ở hầu hết các nước, nhiệm vụ cung cấp thông tin tham khảo cho đại biểu Quốc hội được giao cho Thư viện Quốc hội. Đây là các thư viện thuộc dạng thư viện nghiên cứu, tức là ngoài chức năng sưu tầm, lưu trữ các tài liệu, ấn phẩm phục vụ tra cứu, thư viện còn tổ chức các nghiên cứu theo nhu cầu của đại biểu và các uỷ ban của Quốc hội (dịch vụ nghiên cứu). Các thảo luận tại hội nghị cho thấy phần lớn các Thư viện Quốc hội đều có những chức năng này, từ những thư viện Quốc hội đã được thành lập từ lâu đời (ví dụ như Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ được thành lập từ năm 1800) cho đến những Thư viện vừa mới được thành lập (Thư viện Hluttaw của Myanmar được thành lập vào năm 2011).


Thư viện nghị viện Hà Lan
Mặc dù chưa có những bằng chứng rõ ràng và vững chắc để khẳng định tác động của việc cung cấp các thông tin, nghiên cứu tới chất lượng của các đạo luật của Quốc hội (nghiên cứu của Iain Watt, 2012), nhưng vai trò của các thư viện Quốc hội đối với hoạt động lập pháp đã được khẳng định một cách rõ ràng  qua những điểm sau đây:

Cung cấp thông tin đúng nhu cầu 

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, lượng thông tin được cung cấp đến các đại biểu Quốc hội là tương đối nhiều và đa dạng. Tuy nhiên, việc tiếp nhận thông tin lại phụ thuộc vào mục đích cá nhân của các đại biểu. Có thể trong một vấn đề nào đó, đại biểu được cung cấp rất nhiều thông tin nhưng vẫn thiếu những nội dung thiết thực để phục vụ cho các cuộc tranh luận của đại biểu. Vai trò của Thư viện Quốc hội là giúp các đại biểu có được những thông tin đó. Như khẳng định của bà Karin Finer từ Thư viện Nghị viện Liên minh châu Âu, thì vai trò thực tế của Thư viện Quốc hội tập trung nhiều hơn vào việc nâng cao hiệu quả sử dụng thông tin so với việc phát triển nguồn tin. Hay nói một cách rõ hơn, đối tượng phục vụ của Thư viện Quốc hội là những người có định hướng tìm kiếm và sử dụng thông tin có tính mục đích rất cao. Do vậy, nhiệm vụ cơ bản của Thư viện Quốc hội là phải tập trung nâng cao khả năng phục vụ nhu cầu cá nhân của đại biểu Quốc hội.

Cung cấp thông tin khách quan

Với vai trò là nhà lập pháp, các thông tin được gửi đến đại biểu Quốc hội sẽ có tác động đến các chính sách mang tầm quốc gia. Do vậy, thông tin các đại biểu Quốc hội cần để xây dựng nên các đạo luật tốt phải là những thông tin mang tính độc lập, khách quan, không định kiến, thiên lệch. Thư viện Quốc hội, với tính chất là một đơn vị thuộc bộ máy giúp việc của Quốc hội, là nơi có đủ điều kiện để bảo đảm yêu cầu này. Trong nhiều trường hợp, thông tin do Thư viện Quốc hội cung cấp còn là sự kiểm chứng đối với các nguồn tin khác.

Cung cấp thông tin kịp thời, dễ tiếp cận

Để theo kịp lịch trình làm việc bận rộn của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cần được cung cấp các thông tin một cách kịp thời và dễ tiếp cận. Với kho tài liệu được tổ chức một cách khoa học và sẵn có, Thư viện Quốc hội hoàn toàn đáp ứng nhu cầu được đòi hỏi này. Bên cạnh đó, sự gần gũi và am hiểu các đại biểu cũng giúp cho các thông tin do Thư viện Quốc hội cung cấp được thể hiện dưới những hình thức dễ tiếp cận nhất đối với đại biểu Quốc hội.

Minh Khuê