“Cứu” hãng hàng không:

Hỗ trợ phải thiết thực, kịp thời

- Thứ Ba, 24/03/2020, 07:53 - Chia sẻ
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, trong bối cảnh ngành hàng không đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, việc hỗ trợ thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, phí rất cần thiết, cấp bách và phải thiết thực. Nếu chần chừ hoặc hỗ trợ cho có thì ngành hàng không sẽ khó phục hồi, kéo theo nền kinh tế chồng chất khó khăn bởi đây chính là “bệ phóng” của nhiều ngành như du lịch, giao thương, thu hút đầu tư…

Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội HOÀNG VĂN CƯỜNG: Đợi hết dịch mới hỗ trợ thì quá muộn

Trước hết, phải thấy rằng dịch Covid-19 tác động xấu tới rất nhiều ngành kinh tế, làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Riêng ngành hàng không bị ảnh hưởng nhanh, trực diện và nặng nề, trầm trọng hơn bởi không có khách hàng nên không có doanh thu. Trong khi đó hãng hàng không vẫn phải duy trì hoạt động ở mức tối thiểu để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội. Thêm vào đó, phần lớn máy bay thuê từ bên ngoài nên dù bay hay không vẫn phải trả chi phí. Điều này khiến các hãng bị lỗ, thiệt hại rất lớn. Trên thế giới, người ta ước tính hàng không thiệt hại 5.000 - 6000 tỷ USD và các quốc gia cần hỗ trợ ít nhất 200 tỷ USD cho ngành này. Nếu không có hỗ trợ kịp thời nhiều hãng hàng không sẽ bị phá sản.

Trước tình hình đó, Bộ Giao thông - Vận tải (GT - VT) đưa ra các đề xuất miễn, giảm thuế, phí đối với ngành hàng không là hoàn toàn cần thiết. Việc hỗ trợ phải hướng vào mục tiêu làm thế nào để giảm khó khăn và gánh nặng cho ngành hàng không. Theo đó, đầu tiên là phải cắt giảm các chi phí liên quan đến từng chuyến bay, như phí cất cánh, hạ cánh, điều tiết không lưu. Đối với những máy bay đang đậu chờ cách ly, cần cắt giảm phí bến bãi trong thời gian có dịch để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Về các loại thuế, nên xem xét miễn thuế nhập khẩu và miễn giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Đối với các loại thuế khác, nên cho các hãng được hoãn nộp đến khi hết dịch bệnh, doanh nghiệp phục hồi ổn định mới nên thu trở lại. Ngay với các nghĩa vụ đối với người lao động như các khoản đóng bảo hiểm cũng cần được hoãn lại, vì thực tế các khoản này tương đối lớn, vừa giúp giảm gánh nặng tức thời cho ngành hàng không vừa bảo đảm chế độ, quyền lợi cho người lao động về lâu dài.

Về chính sách tín dụng, cần khoanh các khoản nợ ngân hàng của các hãng, tránh đưa các khoản nợ này vào nợ xấu gây khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn tổ chức tín dụng. Đồng thời, cần giảm các mức lãi suất cho vay với hoạt động hàng không cả trong giai đoạn dịch lẫn khi phục hồi hoạt động.

Tóm lại, các chính sách ưu đãi cho ngành hàng không để giúp họ vượt qua khó khăn do dịch bệnh cần tổng thể và rõ ràng. Việc sớm đưa ra chính sách hỗ trợ đối với ngành hàng không là rất cần thiết, để các hãng biết khoản nào được hưởng, khoản nào phải trả đủ, khoản nào được chậm. Điều này sẽ giúp các hãng tự đặt ra chiến lược và kế hoạch hành động của mình trong thời kỳ dịch cũng như trong tương lai để biết nên tập trung ưu tiên hoạt động gì, từ đó tạo bứt phá trong hoạt động. Các chính sách hỗ trợ cần áp dụng ngay từ bây giờ, nếu đợi khi hết dịch mới làm thì đã quá muộn!

Vừa qua Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã quyết định giảm giá 7 dịch vụ cho tất cả hãng bay từ ngày 1.3 đến hết tháng 8.2020 như giảm 50% phí dẫn tàu bay; giảm 10% đối với 5 loại phí (thang ống, thuê băng chuyền, phân loại hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất); giảm 30% phí thuê mặt bằng làm văn phòng đại diện. Tuy nhiên, thực tế các phí này không có nhiều ý nghĩa gì với các hãng hàng không vì phần lớn máy bay đang “đắp chiếu” và không phải hãng nào cũng sử dụng dịch vụ này. Do vậy, các chính sách hỗ trợ phải thiết thực hơn, chứ nếu hỗ trợ cho có thì khó mà cứu được các hãng hàng không, kéo theo nền kinh tế chồng chất khó khăn bởi đây chính là bệ phóng của nhiều ngành như du lịch, giao thương, thu hút đầu tư…!

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế PHÙNG VĂN HÙNG: Hỗ trợ thuế, phí là chính sách hiệu quả nhất

Đến thời điểm này có thể nhận thấy, dịch Covid-19 đang tác động nặng nề tới nền kinh tế toàn cầu, không riêng gì kinh tế Việt Nam. Trong đó, hàng không, du lịch là chịu tác động nặng nhất.

Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT - TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 (Chỉ thị 11). Chỉ thị nêu ra một loạt giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, như tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh… Chỉ thị cũng nêu rõ “khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, hàng không”. Theo đó, “giao Bộ GT - VT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan có các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không; rà soát, xử lý đúng pháp luật về giảm giá, phí, lệ phí, chi phí của ngành hàng không”…

Rõ ràng, Chỉ thị 11 rất kịp thời. Hiện nay, chúng ta phải tập trung thực hiện nhiệm vụ kép là vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, việc hỗ trợ về thuế, phí, giãn nợ cho các doanh nghiệp, gồm cả các hãng hàng không, mới là chính sách hiệu quả nhất. Bởi ngành hàng không đang khó khăn, doanh thu không có thì làm sao có thể đóng thuế, phí đầy đủ như trước khi có dịch được. Tuy nhiên, trên thực tế, các chính sách hỗ trợ cụ thể hóa Chỉ thị 11 đối với ngành hàng không dường như vẫn còn chậm. Do đó, cần khẩn trương đưa ra chính sách hỗ trợ cụ thể, nếu không sẽ chuyển các khoản nợ thành nợ xấu, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không, của các tổ chức tín dụng và ảnh hưởng tới sự phát triển của cả nền kinh tế.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam NGUYỄN VĂN THÂN: Nếu chần chừ, hậu quả sẽ khó lường

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc miễn, giảm thuế, phí đối với ngành hàng không trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Cũng có người lo ngại nếu miễn, giảm thuế cho ngành hàng không sẽ khiến thu ngân sách vốn đã khó khăn sẽ càng khó khăn hơn. Tất nhiên, đây là hậu quả do Covid-19 gây ra và hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế đều bị ảnh hưởng. Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ các ngành, không riêng gì hàng không. Do đó, không thể nói vì hỗ trợ ngành A hay ngành B mà khiến ngân sách vốn đã khó khăn sẽ càng khó khăn hơn được. Tình thế buộc phải vậy để giải cứu, phục hồi kinh tế.

Đối với các loại phí, theo phản ánh của các hãng hàng không, hiện có khoảng trên dưới 20 loại. Tôi cho rằng, trong đợt dịch này, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét để miễn giảm, gia hạn các phí này cho doanh nghiệp. Các bộ, ngành phải sớm cùng ngành hàng không ngồi lại bàn bạc, lắng nghe nguyện vọng của họ, trên cơ sở đó đưa ra các mức hỗ trợ cụ thể cho hợp lý. Cần khẩn trương làm ngay, không thể chần chừ bởi nếu không, hậu quả sẽ khó lường!

Đan Thanh ghi