Thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Hỗ trợ có chọn lọc

- Chủ Nhật, 10/11/2019, 08:10 - Chia sẻ
Khởi nghiệp sáng tạo là động lực chính để kinh tế đất nước phát triển bền vững. Tuy nhiên, các chỉ số về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do cơ chế chính sách chưa thực sự tạo ra động lực mạnh cho hoạt động khởi nghiệp. Do đó, cần xây dựng chương trình hỗ trợ có chọn lọc để thúc đẩy khối doanh nghiệp này phát triển.

Bản chất mới là bắt chước ý tưởng

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, hiện nay nước ta có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup), tạm coi là thế hệ thứ 3 ở Việt Nam. Tuy vậy, các doanh nghiệp này còn thua và cách xa so với các startup đúng nghĩa trên thế giới. Theo đó, các startup trên thế giới khi tăng trưởng cao đều dựa trên bằng phát minh sáng chế, ý tưởng mới nhất hoặc kết quả khoa học tích lũy từ lâu. Song, về bản chất, startup của chúng ta mới là bắt chước các ý tưởng, chưa có cái riêng, chưa có bảo hộ tài sản để khi thành lập doanh nghiệp thì có thể phát triển rất nhanh trên thị trường thế giới.

Mặt khác, hiện có khoảng 95% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Cơ bản các doanh nghiệp sản xuất chỉ ở trình độ công nghiệp 2.0 và 3.0, phần nhiều là 2.5. Do đó, chúng ta không thể nhảy một bước lên 4.0 nếu không tập trung để bắt kịp công nghiệp 3.0, 3.5 trước đó.

Nhìn nhận về những khó khăn, thách thức đối với các startup hiện nay, bà Dương Ngọc Hồng, Khoa Kinh doanh Quốc tế - Marketing, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nêu rõ, mặc dù thực trạng khởi nghiệp ở Việt Nam năm 2017, 2018 có nhiều cải thiện giúp tỷ lệ người tham gia khởi sự kinh doanh tăng lên, tuy nhiên vẫn còn nhiều chỉ số mà Việt Nam kém xa so với các nước cùng trình độ phát triển kinh tế và các nước trong khu vực như lo sợ thất bại trong kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh và yếu tố đổi mới sáng tạo trong kinh doanh... Trong khi đó, các chính sách, chương trình hỗ trợ của Chính phủ, chuyển giao công nghệ vẫn không được cải thiện so với trước đây.

Chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa đủ mạnh, chưa ưu tiên cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hiện nay có hơn 20 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết là các quỹ nước ngoài, chỉ có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Như vậy, từ góc nhìn chính sách, nếu không xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, các nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài sẽ không lựa chọn Việt Nam mà thay vào đó là các nước khác ở khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ rất quan trọng đối với startup. Tuy nhiên, hiện tại ở Việt Nam, các thủ tục đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ còn đòi hỏi rất nhiều thời gian mà không có hiệu quả cao, rất nhiều trường hợp đăng ký rồi nhưng vẫn bị làm nhái, thậm chí ăn cắp trí tuệ để thương mại.


Nguồn: ITN

Có tư duy chấp nhận rủi ro

 Báo cáo Chỉ số Đổi mới Toàn cầu 2017/2018 dựa trên kết quả khảo sát hơn 164.000 người trưởng thành và khảo sát hơn 2.000 chuyên gia tại 54 nền kinh tế cho thấy, các chỉ số về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Hai chỉ số của Việt Nam có thứ hạng cao nhất là Năng động của thị trường nội địa xếp thứ 5/54, văn hóa và chuẩn mực xã hội xếp thứ 6/54. Ba yếu tố mà Việt Nam có vị trí thấp nhất là giáo dục về kinh doanh ở bậc phổ thông và giáo dục về kinh doanh sau phổ thông xếp thứ 40/54, tài chính cho kinh doanh xếp thứ 39/54 và chương trình hỗ trợ của Chính phủ xếp thứ 43/54.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, doanh nghiệp muốn đi nhanh thì phải cập nhật nhanh, nếu muốn đi xa thì cần phải làm chủ và hấp thụ công nghệ. Chúng ta phải bắt tay vào một cuộc chơi thật cùng với Nhà nước, cùng các doanh nghiệp Việt Nam để tạo ra năng lực cạnh tranh toàn cầu. Từ các thế mạnh của Việt Nam, chúng ta cần xây dựng lại thế mạnh của riêng mình với tiêu chí “thị trường hẹp nhưng ra được sản phẩm của riêng mình, cạnh tranh được với thế giới”. Ông Duy khuyến nghị, các doanh nghiệp cần đưa ra những yêu cầu, hiến kế cụ thể cho việc thay đổi chính sách. Cần có tư duy chấp nhận rủi ro, đầu tư lâu dài cho khoa học công nghệ. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần phải tháo gỡ các rào cản, vướng mắc giữa các quy định, điều luật không đồng bộ nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.

Đối với cộng đồng khởi nghiệp, có ý kiến cho rằng, cần tích cực thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong doanh nghiệp thông qua khuyến khích đổi mới sáng tạo của các nhân viên. Tăng cường đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu ứng dụng. Tận dụng công nghệ kỹ thuật số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới. Thêm vào đó, tích cực tham gia vào việc góp ý xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến kinh doanh cũng như cải thiện môi trường kinh doanh. Xây dựng một mạng lưới xã hội các dịch vụ tư vấn, cố vấn để hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp và kinh doanh.

Về phía Nhà nước, cần tiếp tục kiên định các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, có như vậy mới tạo niềm tin cho người kinh doanh. Các chính sách phải dễ dự đoán, dễ tiên liệu để người dân dự kiến được kế hoạch kinh doanh của mình. Giám sát quá trình thực thi chính sách để bảo đảm các cơ quan chức năng triển khai thực hiện đúng với các yêu cầu chính sách đã đề ra. Đồng thời, các bộ, ngành tiếp tục gỡ bỏ các rào cản trong kinh doanh, rà soát lại các những quy định về pháp luật có liên quan đến kinh doanh để không cản trở các hoạt động khởi nghiệp, kiên quyết loại bỏ giấy phép con về các điều kiện kinh doanh gây cản trở cho việc kinh doanh.

Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình hỗ trợ, khuyến khích phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhưng không nên phân bổ dàn trải mà có sự chọn lọc, ưu tiên định hướng khởi nghiệp cho các lĩnh vực mũi nhọn như các ngành công nghệ thông tin truyền thông, dịch vụ tài chính, dịch vụ phát triển kinh doanh. Tiếp tục phát huy vai trò cầu nối của Bộ Khoa học và Công nghệ, bên cạnh đó thúc đẩy phát triển các trung tâm, sàn kết nối cung cầu về công nghệ, thông qua việc tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hội chợ kết nối công nghệ.

Tuệ Anh