Hồ Dzếnh - nhà văn của những người yêu thương

- Chủ Nhật, 01/01/2017, 10:19 - Chia sẻ
“Hỡi nước Việt Nam! Tôi nghiêng lòng xuống Người, trên những luống cày mà hương thơm còn phảng phất, vì tôi đã từng uống nước và nói tiếng nói của Người, vì tôi đã thề yêu Người trên bậc tuyệt vời của tôn giáo”…

Vào một buổi chiều cách đây hơn thế kỷ, trên bờ con sông Ghép lặng lẽ của tỉnh Thanh Hóa có một người khách lạ mặc bộ quần áo lĩnh Quảng Đông ngả màu xám kệch đã dừng chân và dừng cả đời mình trong căn nhà lá lợp sơ sài của cô lái đò mà ngước lên thấy cả dòng ánh trăng đang chảy xuống. Mối thiên duyên ấy đã sinh ra Hà Anh, tức Hồ Dzếnh - đọc theo tiếng Quảng Đông - một nhà văn, nhà thơ tài năng và độc đáo trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại.


Minh họa của Trung Dũng

Là người gốc Trung Quốc, ông không nguôi nhớ về cố quận. Tôi không biết đêm đêm lòng ông có như vó ngựa quá quan không, nhưng khi đọc: Tô Châu lớp lớp phù kiều/ Trăng đêm Dương Tử, mây chiều Giang Nam (Đợi thơ) thì bỗng thấy như chính mình đang nhớ, không hẳn là nỗi nhớ quê mà một cái gì còn rộng rãi thiết tha hơn thế. Nó có một tình yêu sâu không cần nói đến yêu, đến nhớ, có một khát vọng lặng thầm mà day dứt.

Một thời gian rất dài, từ thời còn là học sinh, sinh viên, cho đến nay, khi tóc cỗi màu sương, tôi vẫn giật mình, vẫn se sắt với cái nhớ trong thơ Hồ Dzếnh:

Trời không nắng cũng không mưa
Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung
Chiều buồn như mối sầu chung
Lòng êm nghe thoảng tơ chùng chốn xa…

 (Màu thu năm ngoái)

Trong sổ tay của những chàng trai ra trận thời chống Mỹ; trên chiếc khăn mùi-soa các cô gái tiễn đưa, thường thêu hai câu thơ:

Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Đời chỉ vui khi giữ vẹn câu thề
Đó là thơ Hồ Dzếnh được cải biên, nguyên gốc là:
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Tôi sẽ trách, cố nhiên, nhưng rất nhẹ
Nếu trót đi em hãy gắng quay về
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp khi hãy còn dang dở…

                                            (Ngập ngừng)
Vì thế chăng mà người ta so ông với Xuân Diệu? Lại có người nói, ông gần với Nguyễn Bính trong giọng thơ lục bát, với Huy Cận trong cái xạc xào im vắng:

Khi vàng đứng bóng im trưa
Tiếng khô lá rụng làm thưa phố phường

                                             (Phố huyện)
Nếu vậy thì câu này gần với Nguyễn Du lắm, cũng là gần với thơ hiện đại lắm:

Nát thân không nát nổi hồn
Lẫn trong cái chết vẫn còn cái đau!

      (Tưởng chuyện ngàn sau)
Nhưng thật ra ông chỉ là ông, Hồ Dzếnh. Ông còn có những câu thơ đọc đến bây giờ còn lạ:

Trời xưa huyễn lộng màu hoa nắng
Trong thoáng thơ vàng len ý đau

Thuyền tre nằm ngủ trong mơ trúc
Buông lặng chiều mi lớp bóng vừa

 (Trong nắng trưa)

Trong đời người, hẳn ai cũng có lần rơi vào sự cô đơn, trống trải. Nhưng bơ vơ đặc biệt nhất có lẽ là khi quê mẹ không còn mẹ, khiến ta bị xa lạ ngay trên nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Còn Hồ Dzếnh, có lẽ cả đời ông sống trong tâm trạng ấy: Trung Hoa là quê, nhưng ai biết đến ông và người cha lưu lạc? Trên đường về dù có nhớ đầy, nhớ tất cả Trung Hoa, từ Tư Mã, Chiêu Quân đến liễu Động Đình thơm, cỏ xanh Anh Vũ, trăng nước Giang Nam, thì tránh sao khỏi cái cười vô tình khách từ đâu tới? (Tiếu vấn, khách tòng hà xứ lai - Hạ Tri Chương). Thậm chí còn hơn thế nữa. Còn ở Việt Nam, một nửa vẫn được coi là khách. Cho nên, vào một buổi chiều, chắc cũng không hẳn hiu hắt ở nơi biên tái, vọng bên này vọng bên kia, ông đem cài hiu hắt, tê tái của lòng mình cộng với mối sầu vạn cổ để thổi dâng lên bài thơ Chiều tuyệt bút, đã được Dương Thiệu Tước phổ nhạc thành một bài hát rất phổ biến:

Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây

Chim rừng quên cất cánh
Gió say tình ngất ngây
Có phải sầu vạn cổ
Chất trong hồn chiều nay?

Tôi là người lữ khách
Màu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ hồn mình là mây…
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây!

 
Nhớ nhà đây là quê nhà Trung Quốc hay ngôi nhà quê Thanh xứ mẹ? Tâm sự ông theo làn khói mà nhập vào cây rừng, vào trời đất vì họa chăng có đất trời cao rộng, linh diệu mới thấu hiểu được nỗi lòng này.

*    *
*

Không hiểu sao đọc văn Hồ Dzếnh tôi bị ám ảnh bởi câu chuyện cổ tích mang phong vị ngụ ngôn về hạnh phúc. Bao chàng trai từ bỏ quê hương mong tìm ra hạnh phúc và ý nghĩa của đời mình, thứ hạnh phúc lộng lẫy, mới lạ ngỡ chỉ có ở những chân trời tít tắp. Nhưng cuối cùng, khi ngã thân trong vòng tay của cỏ cây, hoa lá, của một niềm đợi chờ thủy chung của quê hương, mới thấy được hạnh phúc luôn hiện hữu, lộng lẫy trong những điều bình dị nhất ở nơi ta có mặt và cất bước đầu tiên vào với cuộc đời…

Nghệ thuật là cuộc hành hương về cõi xa Chân - Thiện - Mỹ. Nhưng cõi ấy ở đâu? Bao nhiêu thiên tài đã dừng lại dọc đường hóa thân làm viên đá lát. Hồ Dzếnh dường như không có và ngại những tư tưởng lớn, những cuộc săn tìm bạo liệt. Ông chỉ viết về chính mình, về cha mẹ, vợ con, những người thân, căn nhà nhỏ có thềm hè bằng đất nện, nơi mẹ ông thường kể những chuyện ngày xưa, về Phin, Dìn, Tài Ngôn, chị Yên… Những người có thật, mà sau này ông định viết về Hậu Chân trời cũ (1) kể tiếp số phận của họ. Sức cuốn hút của những thiên truyện này, trước hết ở sự chân thực của nó khiến ta gần gũi như chính chuyện nhà mình, quê mình… Hơn nữa, nó được viết ra bởi một tấm lòng chan chứa yêu thương trào ra đầu ngọn bút. Chân - Thiện - Mỹ là ở đó chăng?

“Hỡi nước Việt Nam! Tôi nghiêng lòng xuống Người, trên những luống cày mà hương thơm còn phảng phất, vì tôi đã từng uống nước và nói tiếng nói của Người, vì tôi đã thề yêu Người trên bậc tuyệt vời của tôn giáo”… (Chị Yên).

Phải, vì không có một tôn giáo nào lại có thể hơn người mẹ lam lũ, sau mỗi buổi dọn hàng lại đứng chờ trước cổng trường để đưa cho con tấm bánh giò; người chị nuôi, chị Yên, khi bị chính tác giả đá vào chân lại nói thác đi là vấp vào bậc cửa  khiến cậu em tỉnh ngộ, chặt đôi giày đi để không bao giờ làm điều ác nữa…

Tất nhiên, lòng cao thượng, sự nhẫn nhịn và tình yêu thương vô hạn không phải lúc nào cũng làm lu mờ đi cái ác. Nhưng cho đến bây giờ và còn nhiều năm nữa, những trang văn giàu nhân ái của Hồ Dzếnh còn dào lên tha thiết trong lòng bạn đọc để gieo tình yêu và điều thiện trong cuộc sống ngày thường.

Hồ Dzếnh viết về những chuyện bình thường. Ông cũng sống một cuộc sống người thường.

Trước Cách mạng Tháng Tám, ở Thanh Hóa có ba người viết văn xuôi là Thanh Châu, Nguyễn Tuân và Hồ Dzếnh. Cùng thời với ông còn nhiều văn tài khác. Sau này, nhiều người đã trưởng thành, giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước. Còn ông, ông làm thợ đúc thép, rồi thợ cơ khí ở các nhà máy xe lửa Gia Lâm, Cơ khí trung quy mô… Có khi nào đó ông bị lãng quên, hay ông tự chọn cho mình số phận một người lữ hành đơn độc? Và nếu như ai đó lãng quên thì những bài thơ, trang văn của ông còn làm day dứt lớp lớp người đọc mai sau. Nhà thơ Bùi Giáng có lần nói quá đi rằng, là người Việt Nam có thể không đọc nhiều người, nhưng không thể không đọc Rằm tháng Giêng của Hồ Dzếnh. Vì nó Việt Nam quá, nó tình quá!

Ngày xưa còn nhỏ... ngày xưa
Tôi đeo khánh bạc lên chùa dâng nhang,
Lòng vui quần áo xênh xang,
Tay cầm hương, nến, đỉnh vàng mới mua.
… Chị tôi nay đã xế chiều,
 Chắc còn nhớ mãi những điều chị mơ.
Hằng năm, tôi đi lễ chùa,
Chuông vàng, khánh bạc ngày xưa vẫn còn.
Chỉ hơi thấy vắng trong hồn,
Ít nhiều hương phấn khi còn ngây thơ.
Chân đi, đếm tiếng chuông chùa,
Tôi ngờ năm, tháng thời xưa trở về.

___________

(1) Tác phẩm chính của Hồ Dzếnh Chân trời cũ (tập truyện ngắn 1942); Quê ngoại (thơ 1943); Hoa xuân đất Việt (thơ 1946); Cô gái Bình Xuyên (tiểu thuyết 1946); Người nữ cứu thương Trung Hoa (kịch 1947)…

Nguyễn Sĩ Đại