Tản mạn

Hố đen

- Thứ Bảy, 13/04/2019, 08:28 - Chia sẻ
Chắc chắn đó sẽ là bức ảnh nổi tiếng nhất, giàu cảm xúc nhất của năm 2019, bởi lần đầu tiên trong lịch sử, con người chụp được tấm ảnh của hố đen.

1. Câu chuyện thứ nhất về hố đen xoay quanh một lần thua cuộc của Hawking - người đã đi vào lịch sử một phần lớn nhờ nghiên cứu về Bức Xạ Hawking, một thứ bức xạ được dự đoán phát ra từ những vật thể đen. Nhưng thứ bức xạ ấy đến từ nơi nào của hố đen?

Hawking ngày đó tin rằng nó đến từ những vùng không gian phía ngoài chân trời sự kiện - giới hạn “một đi không trở lại” ngăn cách lòng hố đen và thế giới bên ngoài. Kip Thorne cũng tin như ông. Kip Thorne cũng là học giả vô cùng nổi tiếng, một người bạn cố tri của Hawking, cũng chính là cố vấn khoa học cho bộ phim nổi tiếng “Interstellar”.

Nhưng nhà vật lý học hậu sinh Thomas Preskill thì lại không tin như vậy. Ông tin rằng hố đen phát ra những bức xạ, hay nói cách khác, thông tin đã đi vào lỗ đen, cứ tưởng sẽ vĩnh viễn mất đi, đi ngược “định luật bảo toàn thông tin”, nhưng thực tế thì không phải vậy, thông tin vẫn có đường về. 

Cuối cùng Hawking thừa nhận đã thua. Hố đen có thể rò rỉ thông tin. Không gì bị mất ở đó. 

2.  Thuyết tương đối của Einstein dự đoán sự tồn tại của hố đen. Nhưng Einstein không phải người đầu tiên nhắc tới nó. Mà cũng chẳng phải Newton hay nhà khoa học đình đám nào cả.

Người đầu tiên nói về hố đen gần như vô danh vào thời đại ông sống, cũng gần như vô danh sau hơn 200 năm đối với đại bộ phận công chúng. Ông chỉ là một giáo sĩ với 26 năm sống bình yên ở Thornhill, trên một ngọn đồi dốc đứng. Ở đó ông tiếp nhiều người, nào Benjamin Franklin, nào Henry Cavendish...

John Mitchell tự làm ra những chiếc kính viễn vọng của riêng mình, và chính ông là người đầu tiên nói về hố đen, trong một lá thư gửi Henry Cavendish: “Nếu thực sự tồn tại trong tự nhiên bất kỳ vật thể nào, có mật độ không nhỏ hơn mặt trời và đường kính của nó lớn hơn 500 lần đường kính của mặt trời, vì ánh sáng của chúng không thể chiếu tới chúng ta; hoặc nếu có tồn tại bất kỳ vật thể nào khác có kích thước nhỏ hơn một chút, không phát sáng; về sự tồn tại của các vật thể trong một trong hai trường hợp này, chúng ta không thể có thông tin quan sát...”.

Những nghiên cứu của John Mitchell tiếp tục bị chôn vùi theo thời gian. Cho đến khi những công trình nghiên cứu độc lập khác ra đời. Cho đến khi hố đen được chứng minh là có thật. Cho đến cả hôm nay, khi tấm ảnh đầu tiên của hố đen được chụp.

Còn John Mitchell thì như một hố đen ẩn nấp giữa vũ trụ, cần mẫn nuốt những hệ sao to lớn, như để nhắn nhủ với hậu thế rằng, dù chúng ta là ai đi chăng nữa, dù chúng ta trong mắt người khác chỉ là một người bình thường, thì vẫn chẳng ai ngăn được chúng ta chạm đến bầu trời lấp lánh.

 3. Câu chuyện thứ ba về hố đen lại về Hawking. Lại là một lần… cá cược. Về chính sự tồn tại của hố đen, với… Kip Thorne, người “cùng chiến tuyến”.

Kip Thorne cá rằng hố đen có tồn tại. Hawking lại đặt cược vào cửa hố đen chỉ là ảo tưởng của con người.

Trong “Lược sử thời gian” kinh điển, Hawking nói về vụ cá này: “Tôi coi đây là một dạng chính sách bảo hiểm cho mình. Tôi đã nghiên cứu về hố đen nhiều đến thế, và sẽ thật phí phạm biết bao nếu hố đen không có thật. Nhưng trong trường hợp ấy, tôi sẽ có chút an ủi khi thắng cuộc, nó sẽ giúp tôi giành được tạp chí Private Eye trong vòng 4 năm...”.

Có lẽ phải chia buồn với Hawking chăng? Vì ông đã không thể có được những số Private Eye trong 4 năm. Những tấm ảnh đã đưa về, hố đen đã được nhìn thấy, thứ mà chúng ta tưởng sẽ mãi vô hình, cuối cùng đã hiện hình trong đôi mắt con người.

Vũ trụ rất lớn lao, chúng ta ngưỡng mộ và ngưỡng vọng, nhưng dù không nắm bắt được, chúng ta vẫn sẽ vui vẻ về nhà và sống cuộc đời mà vũ trụ đã ban cho.

Hiền Trang