Góc nhìn

Hình thức kỷ luật tương xứng với hành vi vi phạm

- Thứ Ba, 28/05/2019, 08:14 - Chia sẻ
Một trong những nội dung được nhiều ĐBQH, cử tri và dư luận quan tâm trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức trình QH tại Kỳ họp thứ Bảy là xử lý kỷ luật cán bộ, công chức. So với Luật Cán bộ, công chức hiện hành thì dự thảo Luật đã bỏ hình thức kỷ luật “giáng chức”.

Thời gian qua, nhiều cán bộ, công chức vi phạm đã phải chịu xử lý kỷ luật dưới nhiều hình thức tùy mức độ vi phạm nặng - nhẹ khác nhau. Để có cơ sở cho việc xử lý cán bộ, điều 79 Luật Cán bộ, công chức hiện hành quy định: Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc. Tuy vậy, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức lần này, liên quan đến hình thức kỷ luật đối với công chức, dự thảo Luật chỉ quy định, các hình thức kỷ luật gồm: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; cách chức; buộc thôi việc. Như vậy, dự thảo Luật đã bỏ quy định hình thức kỷ luật giáng chức.

Lý giải về việc bỏ kỷ luật “giáng chức”, Chính phủ cho rằng, việc quy định đồng thời 2 hình thức kỷ luật “giáng chức” và “cách chức” áp dụng đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dễ dẫn đến tình trạng nể nang, chỉ áp dụng hình thức “giáng chức” thay vì phải áp dụng hình thức “cách chức”. Đồng thời, Chính phủ cũng lưu ý, việc quy định về hình thức kỷ luật “giáng chức” là không phù hợp với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm. Bởi hình thức “giáng chức” thực chất là bổ nhiệm vào chức vụ thấp hơn. Vì vậy, để bảo đảm tính nghiêm minh, sự nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng lợi dụng quy định để xử lý kỷ luật ở mức độ nhẹ hơn, Chính phủ đề nghị không nên tiếp tục quy định hình thức kỷ luật “giáng chức”.

Câu hỏi đặt ra là, nếu giữ hình thức kỷ luật “giáng chức” liệu có gây nên tình trạng xung đột về yêu cầu vị trí việc làm hay không? Trong trường hợp, một đơn vị có “1 trưởng 3 phó”, nếu cấp trưởng bị giáng chức thì sẽ bổ nhiệm ở cấp thấp hơn, trong khi đơn vị có tới 3 cấp phó rồi thì sẽ không còn vị trí việc làm nào để bổ nhiệm. Hơn nữa, hiện nay kỷ luật bên Đảng gồm: Cảnh cáo, khiển trách, cách chức và khai trừ khỏi Đảng. Do vậy, có ý kiến cho rằng, việc không quy định hình thức kỷ luật “giáng chức” sẽ bảo đảm sự tương đồng với 4 hình thức kỷ luật bên Đảng, tạo sự liên thông trong công tác cán bộ. Ngoài ra, cũng có ý kiến lo ngại: Ranh giới giữa việc áp dụng hình thức kỷ luật “giáng chức” và “cách chức” đôi khi mong manh bởi có thể tiềm ẩn sự “duy tình” khi áp dụng, cố tình giảm nhẹ hình thức kỷ luật.

Tuy vậy, từ góc nhìn của cơ quan thẩm tra dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành phương án tiếp tục giữ quy định về hình thức kỷ luật “giáng chức”. Bởi về mặt pháp lý, quy định hình thức xử lý kỷ luật “giáng chức” đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, mang tính răn đe cao và thực tế thời gian qua căn cứ vào quy định này của Luật Cán bộ, công chức thì hình thức kỷ luật “giáng chức” cũng đã được áp dụng. ĐBQH Hoàng Văn Trà (Phú Yên) cũng cho rằng, kỷ luật “giáng chức” thực tế áp dụng rất ít nhưng lại rất cần thiết. Tuy nhiên, phải có hướng dẫn cụ thể để không lợi dụng giáng chức để “né” áp dụng hình thức kỷ luật “cách chức”.

Mục đích cuối cùng của việc xử lý kỷ luật cán bộ là vừa phải bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, vừa răn đe, giáo dục để công chức hoàn thiện bản thân tốt hơn. Do đó, việc áp dụng hình thức kỷ luật phải tương xứng với hành vi vi phạm của công chức, tránh tình trạng xử lý kỷ luật quá nặng khiến công chức không còn đường để phấn đấu, hay “xử lý mà như không” dẫn đến tình trạng “nhờn” kỷ luật. 

Lê Hùng