Pháp luật các nước về chống hối lộ công chức nước ngoài

Hình sự hóa hành vi hối lộ và nhận hối lộ

- Chủ Nhật, 27/05/2018, 09:28 - Chia sẻ
Nhằm giành được lợi thế kinh doanh và đầu tư, nhiều nhà đầu tư trên thế giới đã thực hiện hành vi hối lộ công chức của các chính phủ, cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế. Do đó, rất nhiều quốc gia đã rất chú trọng đến việc xây dựng một hệ thống pháp luật chặt chẽ nhằm chặn đứng vấn nạn này.

Những số liệu đáng suy nghĩ

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), vào tháng 6.2014, Mỹ đã phải xử lý 128 trường hợp hối lộ nước ngoài liên quan đến các cá nhân và pháp nhân, Đức xử lý 26 vụ, Hàn Quốc - 11 vụ, Anh, Italy, Thụy Sỹ - 6 vụ, Nhật Bản - 3 vụ…

Đến cuối năm 2017, có thể khẳng định, Mỹ đã điều tra, truy tố và kết án nhiều nhất các vụ hối lộ công chức nước ngoài trong số các nước thành viên Công ước Chống hối lộ công chức nước ngoài trong giao dịch thương mại quốc tế của OECD. Chỉ trong năm 2017, 13 vụ hối lộ công chức nước ngoài đã bị truy tố tại các tòa án hình sự của nước này.
Cũng theo báo cáo của OECD, có tới 2/3 các vụ hối lộ công chức nước ngoài xảy ra trong 4 lĩnh vực: khai thác (19%); xây dựng (15%); vận chuyển và lưu kho (15%); thông tin và truyền thông (10%). Trong phần lớn các trường hợp, hối lộ được trả để có được hợp đồng mua sắm công (57%), để giải quyết các thủ tục hải quan (12%). Trung bình, số tiền hối lộ bằng 10,9% tổng giá trị giao dịch và 34,5% lợi nhuận.

Ngoài ra, cứ 3 trong số các vụ hối lộ công chức nước ngoài là qua trung gian. Trung gian này có thể là các đại lý, chẳng hạn như đại lý bán hàng và tiếp thị địa phương, nhà phân phối hay môi giới (41% trường hợp), các công ty (chiếm 35% trường hợp) như công ty con, công ty tư vấn địa phương, các công ty ở các trung tâm tài chính nước ngoài hoặc các công ty thuế, công ty được thành lập dưới quyền sở hữu lợi nhuận của công chức nhận hối lộ...

Các khoản hối lộ được hứa hẹn, cung cấp hoặc trao đổi thường xuyên nhất cho các người làm việc tại các doanh nghiệp công (doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp do nhà nước kiểm soát - 27%), tiếp theo là cán bộ hải quan với 11%, cán bộ y tế với 7% và các quan chức quốc phòng là 6%).

Xây dựng khung pháp lý nghiêm minh

Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Thụy Sĩ… nằm trong số những nước đã hình sự hóa hành vi hối lộ công chức nước ngoài.

Chẳng hạn, Mỹ có đạo luật chống các hành vi tham nhũng có yếu tố nước ngoài viết tắt là FCPA, hình sự hóa hành vi hối lộ quan chức chính phủ nước ngoài từ rất sớm, vào năm 1977. Ngoài ra nước này còn có Luật Đi lại, trong đó nghiêm cấm việc đi chào hàng thương mại giữa các bang hoặc ra nước ngoài, việc sử dụng thư điện tử hoặc bất kỳ phương tiện nào trong thương mại giữa các bang hoặc ra nước ngoài với mục đích phân tán tài sản có được do những hoạt động bất hợp pháp, hoặc để thúc đẩy, điều hành, thiết lập hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động phi pháp nào. Ngoài ra, Mỹ còn xây dựng các văn bản pháp luật khác về chống rửa tiền, thư tín điện tử giả mạo, vi phạm thuế… nhằm hỗ trợ cho việc áp dụng và thực thi luật chống hối lộ công chức nước ngoài.

Trong khi đó, Anh phê chuẩn Công ước chống hối lộ công chức nước ngoài trong các giao dịch thương mại quốc tế của OECD từ năm 1998. Kể từ đó Anh đã xác định hối lộ công chức nước ngoài là hành vi phạm tội trên cơ sở tham chiếu Luật Ngăn ngừa Tham nhũng năm 1906, Luật chống các Hành vi tham nhũng của các Thiết chế công năm 1889 cũng như án lệ về các tội hối lộ. Tuy nhiên có thể nhận thấy rằng không có bất kỳ tội danh nào trong các đạo luật trên phản ánh một cách rõ ràng hành vi hối lộ công chức nước ngoài cho đến khi có Luật về An ninh, chống Tội phạm và Khủng bố năm 2001 và việc xác định trách nhiệm của pháp nhân đối với các vụ án hối lộ nước ngoài căn cứ theo luật án lệ. Tháng 4.2010, xứ sở sương mù ban hành Luật chống Hối lộ, trong đó đưa ra một tội danh riêng về hối lộ công chức nước ngoài. Ngoài ra, Anh còn có Luật về Tài sản do phạm tội mà có (2002), Luật Cung cấp thông tin vì lợi ích công (1998)…

Trong giai đoạn 1998 - 1999, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng hình sự hóa hành vi trên. Nhật Bản đã sửa đổi, bổ sung Luật Ngăn ngừa cạnh tranh không lành mạnh, trong đó có điều khoản để hình sự hóa hành vi hối lộ công chức nước ngoài. Nước này tiếp tục ban hành các quy định bổ sung năm 2004 để mở rộng phạm vi áp dụng của điều khoản trên đối với các hành vi phạm tội của công dân Nhật Bản ở nước ngoài. Ngoài ra Bộ luật Hình sự cũng có điều khoản quy định trách nhiệm hình sự đối với các pháp nhân. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn có Luật Bảo vệ người tố giác (2004). Về phía Hàn Quốc, đất nước kim chi ban hành Luật Ngăn ngừa Hối lộ công chức nước ngoài trong các giao dịch Thương mại quốc tế vào 15.2.1999 và một số văn bản pháp luật bổ trợ như Luật Tương trợ Tư pháp Hình sự Quốc tế, Luật Thuế Thu nhập của công ty và Luật thuế Thu nhập của Cá nhân nghiêm cấm việc khấu trừ thuế cho các khoản hối lộ trong nước và nước ngoài…

Còn ở Trung Quốc, hành vi hối lộ công chức nước ngoài sẽ bị xử lý theo Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ tháng 5.2011. Bên cạnh đó, nó còn nằm dưới sự điều chỉnh của Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh…

Đa số pháp luật các nước cho rằng, đối với hành vi hối lộ công chức nước ngoài, xử lý hình sự không phải là biện pháp duy nhất hoặc đầu tiên. Giải pháp hàng đầu và căn bản là phải có cơ chế pháp lý để phòng ngừa, phát hiện hành vi này. 

Thái Anh