Mỹ công bố kế hoạch rút bớt quân khỏi Đức

Hình phạt cho đồng minh?

- Thứ Hai, 03/08/2020, 08:12 - Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Esper vừa công bố kế hoạch rút khoảng 11.900 trong tổng số 36.000 lính Mỹ đồn trú tại Đức. Theo đó, gần một nửa sẽ được chuyển tới đóng ở các nước đồng minh khác và số còn lại trở về Mỹ. Trong khi các quan chức Lầu Năm Góc khẳng định, việc tái triển khai quân sẽ tăng cường an ninh cũng như khả năng đối phó cho nước Mỹ trước các mối đe dọa, thì các đồng minh và một số nghị sĩ lại xem đây là “hình phạt” đối với Đức.

Động thái được cân nhắc từ lâu

Quyết định của Lầu Năm Góc cắt giảm quân đội Mỹ ở Đức từ khoảng 36.000 binh sĩ xuống còn khoảng hơn 24.000 là để phù hợp với cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump, cũng như nỗ lực của ông nhằm đưa lực lượng Mỹ về nước từ những cuộc chiến bắt đầu sau ngày 11.9.2001.

Người đứng đầu Nhà Trắng từng quyết liệt yêu cầu các đồng minh châu Âu phải chịu thêm gánh nặng cho việc bảo vệ chính họ. Cụ thể, từ lâu, ông đã lớn tiếng chỉ trích Đức vì không đáp ứng cam kết dành 2% GDP cho quốc phòng. Thực tế, kế hoạch vừa được Bộ trưởng Esper công bố sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai của Mỹ tới Đức nhiều hơn bất kỳ đồng minh NATO nào, đồng thời được xem là đòn đáp trả việc Berlin từ chối tăng chi cho quốc phòng. Năm 2014, các thành viên NATO nhất trí tăng chi tiêu quốc phòng lên ít nhất 2% GDP vào năm 2024. Nhưng năm ngoái, Đức mới chi 49,3 tỷ USD, tương đương với chỉ 1,38% GDP.

Theo ông Rachel Rizzo, Giám đốc chương trình tại Trung tâm Chính sách quốc gia Truman, Mỹ, “điều này rõ ràng là động thái trừng phạt Đức và khó có thể thấy bất kỳ lợi ích gì từ việc đó”. Ông nói tiếp: “Nó thực sự đặt chính quyền Mỹ trong tương lai vào thế ràng buộc, không cho họ có cơ hội để điều động và gắn bó với châu Âu”.

Mặc dù Bộ trưởng Esper khẳng định, kế hoạch rút bớt quân Mỹ khỏi Đức không phải hành động trừng phạt nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau đó đã có những lời lẽ khiến người ta có thể hiểu ngược lại. Viết trên Twitter, ông chủ Nhà Trắng nói: “Đức trả Nga hàng tỷ USD mỗi năm cho năng lượng, còn chúng tôi có nghĩa vụ bảo vệ Đức khỏi Nga. Tất cả điều này nghĩa là sao? Còn nữa, Đức rất chậm trễ đóng phí 2% cho NATO. Do đó, chúng tôi buộc phải chuyển bớt quân ra khỏi Đức”.

Khoảng 5.400 binh sĩ trong tổng số 11.900 quân Mỹ rời khỏi Đức sẽ di chuyển đi nơi khác tại châu Âu, trong khi 6.500 quân quay lại Mỹ và sẽ bắt đầu triển khai luân phiên ở khu vực Biển Đen vào thời điểm thích hợp. Trụ sở Bộ Chỉ huy quân sự châu Âu ở thành phố Stuttgart, Đức, sẽ chuyển đến Bỉ. Trụ sở Bộ Tư lệnh châu Phi, cũng ở Đức, có thể sẽ di chuyển dù các quan chức Lầu Năm Góc không nêu tên địa điểm.

Việc rút quân của Mỹ không chỉ khiến quan hệ Mỹ -  Đức gặp thử thách mà còn khiến nhiều nhân viên người Đức tại các căn cứ Mỹ mất việc làm. Vì thế, thống đốc 4 bang của Đức có binh lính Mỹ đồn trú là Baden-Wuerttemberg, Rhineland-Palatinate, Hesse và Bavaria đã cùng gửi thư tới hơn chục nghị sĩ Mỹ, thúc đẩy họ thúc giục Tổng thống không thu hẹp hiện diện quân đội Mỹ tại Đức.

Bức thư có đoạn: “Trong nhiều thập kỷ, người Mỹ và người Đức đã cùng nhau xây dựng các nền tảng cần thiết dựa trên quan hệ đối tác vì hòa bình ở châu Âu và thế giới. Chúng tôi mong muốn quan hệ đối tác sâu sắc sẽ được duy trì. Vì vậy, chúng tôi mong chờ các vị hỗ trợ, không chỉ nhằm bảo vệ mà còn để củng cố tình hữu nghị, đồng thời duy trì sự hiện diện của Mỹ ở Đức và châu Âu trong tương lai”.

Dự kiến, việc rút gần 12.000 binh sĩ Mỹ khỏi Đức sẽ khiến Washington mất hàng tháng, nếu không muốn nói là hàng năm để thực hiện, cũng như tiêu tốn hàng tỷ USD.

Quan hệ bị thử thách?

Một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho hay, quyết định rút quân phản ánh sự thất vọng của chính quyền Tổng thống Donald Trump với các chính sách của Đức trong thời gian dài, đặc biệt về chi tiêu quân sự và quyết tâm hoàn thành dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc, nhằm chuyển khí đốt trực tiếp từ Nga qua Biển Baltic.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Mitt Romney của đảng Cộng hòa đã gọi quyết định trên là lỗi nghiêm trọng và là “cái tát vào mặt người bạn và đồng minh, thay vì nên tiến gần hơn đến cam kết chung của cả hai nhằm ngăn chặn Nga và Trung Quốc”. Theo ông, việc cắt giảm quân có thể phục vụ tốt cho chính trị trong nước, nhưng hậu quả của nó sẽ kéo dài và có hại cho lợi ích của người Mỹ. Về phía Đức, nghị sĩ Tobias Lindner cho rằng, “Đức luôn biết ơn Mỹ cùng những cam kết của nước này đối với an ninh châu Âu. Song, tín hiệu từ Washington đang gây ra nhiều bất ổn hơn đối với quan hệ song phương. Rõ ràng, Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải là người bạn của nước Đức”.

Thực tế, kế hoạch rút binh sĩ Mỹ khỏi Đức từ lâu đã vấp phải phản đối của lưỡng đảng Dân chủ - Cộng hòa, do lo ngại sẽ làm suy yếu vị thế của Mỹ cũng như các đồng minh NATO trước sức ép của Nga. Vì vậy, theo The New York Times, động thái trên chắc chắn sẽ khiến các nhà lãnh đạo châu Âu nổi giận và nhiều nghị sĩ Mỹ không hài lòng, bởi họ coi sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lục địa già, đặc biệt ở Đức, là nền tảng của trật tự sau Thế chiến II, cũng như cam kết của Mỹ đối với NATO.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper khẳng định, việc tái bố trí lực lượng Mỹ ở châu Âu sẽ giúp tăng cường năng lực răn đe đối với Nga, củng cố sức mạnh của khối NATO, đồng thời hỗ trợ cuộc sống gia đình các binh sĩ Mỹ. Ông cho hay, quyết định rút bớt quân là nhằm tập trung vào mối đe dọa từ Nga với Đông Nam Âu, chứ không phải là do Tổng thống Donald Trump bất mãn về mối quan hệ Mỹ - Đức.

Thậm chí, Bộ trưởng Esper còn lạc quan khẳng định: “Tôi tự tin là liên minh sẽ trở nên tốt đẹp và mạnh mẽ hơn sau quyết định này”.                                                    

Ngọc Minh