Câu chuyện đại biểu

Hiểu và hành động đúng về khoa học và công nghệ

- Thứ Hai, 18/03/2019, 08:09 - Chia sẻ
Câu chuyện giám sát cách đây gần 4 năm nhưng vẫn còn đó điều cần suy ngẫm. Hiểu và hành động, phát triển đồng bộ KH - CN là vấn đề vẫn còn thách thức với chính quyền địa phương. Do đó, HĐND có giám sát, có hành động mới có thể vượt qua thách thức. Bác Hồ dạy: “Thực hành sinh ra hiểu biết. Hiểu biết tiến lên lý luận. Lý luận lãnh đạo thực hành”.

Động lực nghiên cứu chính sách, pháp luật

Giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về KH - CN là vấn đề khó đối với HĐND cấp huyện, vì vậy, cho đến năm 2015, cả 4 khóa HĐND thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng chưa một lần tổ chức giám sát, khảo sát hoặc chất vấn tại các kỳ họp nội dung này. Đứng trước giai đoạn phát triển, hội nhập của đất nước và yêu cầu bức thiết các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải đi vào cuộc sống, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, HĐND không thể không biết, không thể đứng ngoài cuộc. Giám sát cũng là dịp để đại biểu HĐND có động lực nghiên cứu, học hỏi, nắm vững chính sách, pháp luật; để đánh giá hiệu quả thực thi chính sách ở địa phương, để đột phá vào những lĩnh vực quản lý nhà nước (QLNN) còn bỏ ngỏ… Với suy nghĩ và quyết tâm đó, tôi cùng Thường trực HĐND thành phố Bảo Lộc chủ động xây dựng nghị quyết, trình HĐND thành lập Đoàn giám sát chuyên đề này trong năm 2015. Thành phần đoàn ngoài các đại biểu HĐND còn có các chuyên gia khoa học được mời tham gia.


HĐND TP Bảo Lộc giám sát mô hình ứng dụng công nghệ mới ở trang trại trồng hoa lan, phường Lộc Tiến

Trong thông báo kế hoạch và đề cương giám sát đối với UBND và các cơ quan, đơn vị liên quan đến hoạt động KH - CN, Đoàn giám sát dành nhiều thời gian để đối tượng chịu sự giám sát có điều kiện nghiên cứu, rà soát, xây dựng báo cáo bảo đảm chất lượng và sát thực tế. Nhiều cuộc gặp gỡ, điện thoại của cán bộ, công chức các cơ quan được giám sát tới tấp hỏi rõ “ý đồ” giám sát của HĐND để xây dựng báo cáo cho đúng trọng tâm, vì cho rằng lĩnh vực KH - CN rộng, nhiệm vụ của cấp huyện cũng chung chung… Đoàn giám sát cũng vừa làm, vừa học, không thể nắm được hết văn bản liên quan, nhất là các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh vì dữ liệu trên cổng thông tin điện tử chưa đầy đủ.  

Những ngày Đoàn đi thực tế, trực tiếp giám sát mới thấy hết những bất cập, khó khăn, hạn chế nhiều mặt trong quản lý, hoạt động KH - CN ở cấp huyện. Buổi làm việc cuối lịch trình để nghe UBND thành phố báo cáo tổng hợp chung công tác KH - CN trên địa bàn đã để lại nhiều ưu tư cho các thành viên trong đoàn. Báo cáo đã viện dẫn nhiều văn bản pháp luật hiện hành, nêu nhiều con số chứng minh sự nghiêm túc quán triệt, tổ chức thực hiện công tác KH - CN của UBND và các cơ quan trực thuộc. Tuy nhiên, chủ yếu chỉ đề cập lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, còn lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với nhiều vấn đề yêu cầu từ thực tiễn địa phương không được quan tâm.

Chẳng hạn, việc gìn giữ, bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị khoa học địa chí của thành phố như các biên chép về địa lý, lịch sử, phong tục, nhân vật, sản phẩm… (những yếu tố quan trong tạo nên bản sắc văn hóa địa phương)… Việc cải cách hành chính, công vụ, xây dựng đề án vị trí việc làm là hết sức bức thiết… giúp cho sự lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng, hiệu quả của các cấp ủy Đảng và cơ quan QLNN các cấp đều không được đề cập trong báo cáo.

Bằng cảm quan và kinh nghiệm, Đoàn giám sát nhận định rằng, người soạn thảo báo cáo và người ký báo cáo là lãnh đạo UBND đều chưa nhận thức đầy đủ các văn bản pháp luật. Khi đoàn chất vấn nhiệm vụ, nội dung QLNN về KH - CN của thành phố là gì thì trả lời chung chung, không đúng trọng tâm; cho rằng, các quy định pháp luật chưa cụ thể, Luật KH-CN 2003 cũng chỉ quy định trách nhiệm QLNN về KH - CN đến cấp tỉnh (?)… làm cho công tác QLNN về KH - CN cấp huyện gặp khó khăn.

Báo cáo, chất vấn, giải trình, tranh luận giữa Đoàn giám sát của HĐND với những cán bộ có thẩm quyền của UBND và các cơ quan chuyên môn có những lúc gay gắt, nhưng rất bổ ích vì cùng hướng đến mục tiêu làm rõ trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND cấp huyện trong lĩnh vực KH - CN được quy định tại Điều 21 và Điều 103 Luật Tổ chức HĐND và UBND 2003; cũng như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc UBND cấp huyện theo tinh thần Thông tư số 29/2014/TTLT-BKHCN-BNV của Liên Bộ KH - CN - Bộ Nội vụ.

Hiểu đúng, thực thi hiệu quả, đồng bộ

Bài học kinh nghiệm từ buổi tranh luận “nảy lửa” với UBND và cơ quan chuyên môn làm cho Đoàn giám sát cẩn trọng hơn trong nghiên cứu, xây dựng văn bản kết luận sau giám sát. Để bảo đảm “tâm phục, khẩu phục”, kết luận nêu cả hai mặt pháp lý và thực tiễn, chỉ ra những hạn chế tồn tại và nguyên nhân nhận thức pháp luật, tổ chức thực thi pháp luật. Trong đó, nêu bật cơ sở chính trị và pháp lý để UBND và cơ quan liên quan hiểu đúng nội dung QLNN về KH - CN, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 31.10.2012 của Hội nghị lần thứ Sáu BCH Trung ương Đảng (Khóa XI), Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29.3.2013 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển KH - CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, Luật KH - CN 2013 và các văn bản quy phạm khác dưới luật.

Kết luận giám sát của Thường trực HĐND cũng nhấn mạnh quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, coi phát triển và ứng dụng KH - CN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp. KH - CN gồm nhiều lĩnh vực. Khoa học xã hội và nhân văn cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần xây dựng hệ thống quan điểm phát triển đất nước; khẳng định lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn các giá trị và bản sắc văn hóa Việt Nam, là một trong những yếu tố hình thành kiến trúc thượng tầng, trực tiếp tác động đến ý thức xã hội (ý thức chính trị, pháp quyền, tôn giáo...). Khoa học tự nhiên nghiên cứu cơ bản, tạo cơ sở cho việc hình thành một số lĩnh vực khoa học và công nghệ đa ngành mới, góp phần nâng cao trình độ và năng lực của khoa học cơ bản. Khoa học kỹ thuật và công nghệ đóng góp vào việc nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ; cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thường trực HĐND cũng kiến nghị cơ quan QLNN thành phố và cấp tỉnh một số nội dung cụ thể trong chỉ đạo, điều hành để phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Coi trọng công tác cán bộ làm công tác KH - CN; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức công vụ và chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức nói chung. Mở rộng ứng dụng khoa học quản lý công, hướng tới một nền hành chính hiện đại, phát triển, hiệu suất mỗi vị trí việc làm và nâng cao năng suất lao động. Có kế hoạch gìn giữ, bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị khoa học địa chí, văn hóa, bản sắc đô thị Bảo Lộc.

Nguyễn Vân Hậu - Nguyên Ủy viên Thường trực HĐND TP Bảo Lộc, Lâm Đồng