Năm bộ sách giáo khoa lớp 1 mới

Hiểu sao cho đúng về độc quyền và xã hội hóa?

- Thứ Bảy, 16/05/2020, 18:20 - Chia sẻ
Ở nhiều nước, đánh giá sách giáo khoa được xem là một ngành khoa học. Một vài nước có nền giáo dục tiên tiến vẫn mời chuyên gia chuyên ngành này tới nước mình đánh giá sách giáo khoa (SGK) để bảo đảm độ chính xác cao và tính tuyệt đối khách quan. Cho nên, với 5 bộ SGK vừa ra đời, sẽ là quá vội vã nếu đưa ra nhận xét quyết đoán về từng bộ sách hay so sánh khiên cưỡng bộ sách này với bộ sách khác. Không nên khi thấy điều gì đấy chưa vừa lòng ở SGK của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là quy nguyên nhân vào tội “độc quyền”; khi cần đề cao chỗ nào đó của bộ SGK của VEPIC lại cho rằng là nhờ “xã hội hóa”.

Trên thực tế, không ít bài báo dường như đã tạo ra ấn tượng về một nét chủ đạo của bức tranh toàn cảnh là sự đối cực giữa một bên là 4 bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam và một bên là bộ sách của VEPIC và tâm điểm của sự đối cực đó, một bên là bộ sách xã hội hóa đầu tiên và duy nhất, một bên là thể hiện sự độc quyền trong việc làm 4 bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN). Bởi vậy, muốn trao đổi về vấn đề này, không thể không bắt đầu từ việc làm sáng tỏ các khái niệm xã hội hóađộc quyền.


Độc quyền là độc chiếm quyền sản xuất, cung cấp, buôn bán đối với một hàng hoá, dịch vụ đặc biệt. Có 3 loại độc quyền: Độc quyền của một cá nhân, của một nhóm người và độc quyền Nhà nước (government monopoly, monopole d’Etat). Nhà nước nắm độc quyền loại hàng hóa, dịch vụ nào, là tuỳ theo tính chất của chế độ chính trị, tình hình xã hội trong từng thời kỳ. Không nói thì ai cũng biết trong một thời gian dài, độc quyền làm SGK của NXBGDVN là Nhà nước trao trách nhiệm. Sự độc quyền đó đã được khẳng định ngay trong văn bản Nghị định số 398/NĐ thành lập NXBGD do Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên ký ngày 10.5.1957.

Nhưng không phải trao độc quyền là đã thực hiện được ngay quyền ấy. Trong một thời gian tương đối dài, NXBGD chỉ mới thực hiện nổi quyền tổ chức biên soạn sách giáo dục, còn Bộ Văn hóa vẫn nắm quyền in ấn và phát hành. Điều đó đã tạo nên những bất cập lớn trong việc in ấn SGK và nhất là việc chuyển SGK về các địa phương. Bởi vậy, 10 năm sau, Chính phủ mới ra Quyết định 132/TTg-Vg ngày 25.7.1967 do Phó Thủ tướng Phạm Hùng ký giao nhiệm vụ cho Bộ Văn hoá chuyển gấp toàn bộ việc in ấn, phát hành SGK sang Bộ Giáo dục, và dĩ nhiên, trong hoàn cảnh đương thời, Bộ Giáo dục đã giao cho NXBGDVN

Qua hơn 60 năm, NXBGDVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, và do đó, đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý. Dẫu vậy, NXBGDVN vẫn vui mừng chào đón Nghị quyết 88 của Quốc hội và nhận thức thức sâu sắc đây chính là thời cơ buộc NXB phải chuyển mình, “lột xác”, thay đổi một cách nhanh chóng mạnh mẽ để thích ứng với cơ chế mới. Từ đó, vẫn tiếp tục đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp giáo dục trong tình hình mới, với sức mạnh tổng hợp của một đơn vị trực thuộc Bộ, từng luôn xứng đáng là đơn vị hậu cần quan trọng nhất của Bộ. Chuyện NXBGDVN có hàng chục Công ty từng thành thạo làm SGK, có đầy đủ thiết bị hiện đại, có đầy đủ đội ngũ biên tập có nghiệp vụ cao về xuất bản, có đủ các chức danh biên tập viên do nhà nước cấp… làm 4 bộ SGK là bình thường.

Đứng về mặt kinh tế, với việc thực hiện chủ trương cổ phần hóa, không phải mọi SGK của NXBGDVN đều sử dụng vốn của Nhà nước. Vốn của Nhà nước dĩ nhiên không thể phân bố đồng đều cho các công ty thành viên. Có những công ty, như Công ty cổ phần Sách giáo dục tại Hà Nội, đã từ lâu, vốn nhà nước rất ít, và có thể nói, gần như giống công ty VEPIC. Bởi vậy, chỉ thuần xét về mặt kinh tế để đề cao tính chất xã hội hóa của bộ sách VEPIC là không thoả đáng, và tuỳ tiện dùng từ ngữ độc quyền để gán cho NXBGD là “oan”! Việc làm đó cũng y như dùng một con tem bưu điện đã đóng dấu để dán vào một phong bì mới!

Nói SGK của VEPIC là bộ sách đầu tiên hoàn toàn không dùng vốn nhà nước là hoàn toàn đúng, nhưng nói đó là bộ SGK xã hội hóa đầu tiên thì không ổn. Có lẽ rồi đây các nhà giáo dục và kinh tế học nên ngồi lại với nhau để minh định thế nào là xã hội hóa trong việc làm SGK. Theo chúng tôi nghĩ, việc đầu tiên quyết định thành công của chủ trương xã hội hóa là khâu biên soạn. Chủ trương này trước hết đòi hỏi làm sao động viên được tối đa các tổ chức, cá nhân biên soạn được nhiều bộ sách có chất lượng, cùng thể hiện được yêu cầu chương trình mới nhưng có màu sắc khác nhau để người sử dụng có nhiều chọn lựa.

Nếu quan niệm như vậy, tất cả 4 bộ sách của NXBGDVN đã thể hiện khuynh hướng xã hội hóa ở những mức độ khác nhau vì lần đầu tiên đã huy động được gần 1.000 tác giả, trong đó có rất nhiều tác giả trẻ chưa hề viết SGK nhưng có trình độ, nhiệt tình, hăm hở đổi mới ở rất nhiều cơ quan, trước hết là ở Trường ĐHSP HÀ NỘI và Trường ĐHSP TP.Hồ Chí Minh.

Tóm lại, tôi cho rằng, không nên khi thấy điều gì đấy chưa vừa lòng ở SGK của NXBGDVN là quy nguyên nhân vào tội “độc quyền”, khi cần đề cao chỗ nào đó của bộ SGK của VEPIC là cho rằng là nhờ “xã hội hoá”. Thực tế phong phú, sinh động mà cũng phức tạp hơn nhiều!

Nhật Tân