Triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu ngành ngân hàng

Hiệu quả tăng gấp đôi

- Thứ Năm, 17/10/2019, 08:19 - Chia sẻ
Sau 2 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đã có những kết quả rõ nét, góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Nghị quyết 42 là nền tảng cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý nợ xấu hiệu quả.

Đặt niềm tin vào ngành ngân hàng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, mục tiêu xử lý nợ xấu của NHNN đến năm 2019 là 5%, mục tiêu đến 2020 là 3% hoàn toàn có thể đạt được với điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, gia tăng sức chống chịu cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trước các cú sốc từ bên ngoài.


Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 1058

Nền tảng pháp lý vững chắc

Thực tế triển khai cho thấy Nghị quyết 42 đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD trước đây. Lũy kế từ 15.8.2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến 31.8.2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.
Tính trung bình từ 15.8.2017 đến 31.8.2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 4,7 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012 - 2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, sau 2 năm triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 gắn với các mục tiêu phát triển ngành ngân hàng theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8.8.2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian tuy chưa dài nhưng có thể khẳng định các giải pháp đồng bộ trong 2 văn bản quy phạm trên cùng với Quyết định 986 đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các TCTD và phát triển ngành ngân hàng.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đánh giá: Đây là một văn bản có giá trị pháp lý rất quan trọng bởi lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của TCTD đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một nghị quyết của Quốc hội, tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất và có hiệu lực cao nhằm bảo đảm quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Báo cáo cụ thể về kết quả cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Văn Du, Quyền Chánh thanh tra, giám sát NHNN cho biết, đến nay, sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững. Năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần. Chất lượng tín dụng của TCTD từng bước được cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng (theo Thông tư số 02) của hệ thống các TCTD tiếp tục được duy trì dưới mức 2% (đến 31.8.2019 là 1,98%).

“Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD”, Quyền Chánh thanh tra NHNN nói.

Ý kiến của các TCTD đều cho rằng Nghị quyết 42 tạo nền tảng thuận lợi cho họ xử lý nợ xấu, giúp khách hàng nâng cao ý thức trả nợ. Tuy nhiên, hiện nay tồn tại một số vướng mắc về mặt cơ chế cần được tháo gỡ với sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương. Đó là những khó khăn liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, về mua bán khoản nợ xấu và phát triển thị trường mua bán nợ, về công tác phối hợp trong hoạt động thi hành án dân sự, điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở, thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký thế chấp, giới hạn phạm vi lựa chọn tổ chức thẩm định giá…

Góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Đồng tình với kết quả và những đánh giá về công tác xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Nghị quyết số 42, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD và Quyết định 1058 là một mốc son trong giai đoạn này về xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các TCTD”. Với tiến độ xử lý nợ xấu như hiện nay, Phó Thủ tướng tin tưởng nợ xấu sẽ giảm về dưới 3% vào cuối năm 2020, hoàn thành yêu cầu của Thủ tướng tại Quyết định số 986/QĐ-TTg, đóng góp tích cực vào cơ cấu lại tổ chức tín dụng và các chính sách vĩ mô khác. Đồng thời, góp phần giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, nâng hạng tín nhiệm quốc gia, tín nhiệm nhiều tổ chức tín dụng, củng cố nền tảng của hệ thống ngân hàng trong bối cảnh diễn biến thế giới khó lường. “Đây là nỗ lực lớn của ngành ngân hàng và sự chia sẻ, phối hợp trách nhiệm của các bộ, ngành khác, Tòa án, Viện Kiểm sát và các địa phương”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, hiện tại ngành ngân hàng đang trong những bước đi xử lý các vấn đề ngắn hạn cũng như mục tiêu xử lý nợ xấu trong dài hạn. Đặc biệt, tới đây, ngành ngân hàng sẽ tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy như sửa đổi Luật NHNN, Luật các TCTD, Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản pháp quy có liên quan. Công tác điều hành chính sách tiền tệ, quản lý, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng sẽ liên tục được củng cố, tăng cường mạnh mẽ hơn nữa.

Thống đốc Lê Minh Hưng lưu ý, các TCTD cần nghiêm túc nhìn nhận lại những kết quả đã đạt được cùng với những tồn tại, hạn chế, kể cả những vi phạm đã xảy ra trong hoạt động của mình. Đồng thời ngành ngân hàng cũng sẽ quyết liệt hơn, nghiêm túc hơn trong thời gian tới để tiếp tục triển khai mạnh mẽ Đề án Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đóng góp vào kết quả chung của cả nền kinh tế.

“Chúng tôi cam kết với Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới, hệ thống ngân hàng và NHNN sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện thành công những nội dung đã đặt ra trong Nghị quyết 42 cũng như Đề án 1058 mà Quốc hội và Chính phủ đã giao cho NHNN. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự cố gắng của NHNN, nỗ lực của toàn bộ các TCTD, năm 2020 chúng ta sẽ đạt được những thắng lợi quan trọng”.

Thúy Lan