Hiệu quả hoạt động của Quốc hội một phần thể hiện qua kỳ họp

- Thứ Ba, 09/07/2019, 07:58 - Chia sẻ
Hiệu quả hoạt động của QH một phần thể hiện qua hiệu quả của kỳ họp. Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của QH, trước tiên cần quan tâm đến hiệu quả kỳ họp QH, cùng với đó, để nâng cao chất lượng các dự án Luật, QH cần dành thêm thời gian để thảo luận các dự án luật. Đây là ý kiến được nhiều đại biểu đưa ra tại Hội thảo Nâng cao hiệu quả kỳ họp Quốc hội do VPQH phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hôm qua.

Nhiều cải tiến, đổi mới

Nhằm hướng tới một QH chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả, trong quá trình hoạt động, QH Việt Nam đã có nhiều cải tiến đáng kể, nhất là về quy trình, thủ tục hoạt động kỳ họp. Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, VPQH Trần Thị Kim Nhung cho biết, theo quy định hiện hành, hiệu quả hoạt động của QH Việt Nam được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp QH, hoạt động của UBTVQH, HĐDT, các Ủy ban của QH, Đoàn ĐBQH, các ĐBQH và hiệu quả của sự phối hợp hoạt động với các cơ quan, tổ chức khác. Trong các thành tố nêu trên, kỳ họp QH là hình thức hoạt động chủ yếu của QH Việt Nam. Tất cả những vấn đề quan trọng của đất nước trên mọi lĩnh vực đều được QH bàn thảo, xem xét, quyết định tại diễn đàn này. Trong các nhiệm kỳ gần đây, QH đã có nhiều cải tiến, đổi mới tại phiên họp, đã mang lại những hiệu ứng tích cực.


Toàn cảnh hội thảo Ảnh: Hà An

 Tại Việt Nam, theo thống kê, Khóa XI QH dành 2 ngày cho một dự án luật, Khóa XII là 1,5 ngày, Khóa XIII là 1,25 ngày. Trong khi đó, Khóa IX, Khóa X thì QH dành nhiều thời gian để thông qua một dự án luật bằng cách thông qua từng điều hoặc thông qua thông qua một nhóm điều. Thời gian dành để thảo luận, thông qua luật tại phiên họp toàn thể của QH ít dần đi. Cũng có ý kiến cho rằng QH cần dành thời dành nhiều hơn, thảo luận kỹ hơn thì mới bảo đảm chất lượng các dự án luật.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành

Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục tiến hành kỳ họp được thực hiện theo hướng tăng tính chủ động, chặt chẽ, minh bạch, dân chủ, QH dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động thảo luận, tranh luận của các ĐBQH đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết. Số lượng và chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết đều được nâng lên thể hiện rõ rệt qua từng nhiệm kỳ QH, trong đó, các quy phạm đã chi tiết, cụ thể hơn, trực tiếp điều chỉnh các quan hệ xã hội, giảm thiểu việc phải chờ văn bản quy định chi tiết luật để triển khai áp dụng luật, nên luật sớm đi vào cuộc sống. Các luật được QH thông qua đã bám sát yêu cầu của cuộc sống và đáp ứng các tiêu chí của hệ thống pháp luật về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch; xử lý tốt những vấn đề phức tạp, phản ánh đầy đủ và sát hơn thực tiễn xã hội.

Đánh giá về hoạt động của QH Việt Nam thời gian qua, Trợ lý trưởng, Vụ ủy viên, Văn phòng hạ viện Nhật Bản Futamiakia nhận thấy, trong quá trình hình thành và phát triển qua hơn 70 năm, QH Việt Nam đã có nhiều đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động. Còn Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành thì cho rằng, dù chưa có bề dày lịch sử phát triển như của QH một số quốc gia khác, song QH Việt Nam luôn chủ động có nhiều cải tiến, đổi mới, nhất là đổi mới, nâng cao hiệu quả kỳ họp QH và đã đạt được nhiều kết quả tích cực từ việc đổi mới này.

­Những kinh nghiệm từ Nhật Bản

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong hoạt động lập pháp của QH Việt Nam cũng còn một số tồn tại. Đó là chuẩn bị dự án luật còn chậm hoặc mức độ hoàn thiện chưa cao. Quy trình, thủ tục một số công đoạn chưa hoàn thiện như việc giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH tại phiên toàn thể. Chưa có biện pháp nâng cao trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra; còn đặt nặng trách nhiệm rà soát, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật lên vai Ủy ban Pháp luật của QH.

Đề cập đến vấn đề lập pháp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành chỉ rõ, việc lập và thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh mặc dù đầu tư nhiều công sức nhưng vẫn còn tình trạng điều chỉnh chương trình, không ít dự án đưa vào chương trình lại phải điều chỉnh tiến độ, thậm chí đưa ra khỏi chương trình, đồng thời bổ sung một số dự án mới vào chương trình. Điều này ảnh hưởng đến chương trình của kỳ họp QH. Trong việc xem xét, thông qua dự án luật, không ít dự án luật khi trình ra QH so với khi thông qua phải chỉnh sửa nhiều cả về nội dung, kỹ thuật lập pháp. Trách nhiệm của cơ quan soạn thảo không được phát huy đầy đủ ở giai đoạn chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật; chất lượng một số dự án luật chưa cao dẫn đến sau khi ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung. Trước yêu cầu thực tiễn và yêu cầu tự thân tự hoàn thiện mình, còn không ít vấn đề đặt ra cần phải thực hiện mới bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động của QH.

Nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng các dự thảo luật, quy trình lấy ý kiến của người dân rất quan trọng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng cho rằng, luật ban hành để điều chỉnh các quan hệ trong xã hội, trực tiếp tác động lên người dân. Tuy nhiên, qua phần trình bày của các chuyên gia Nhật Bản, thì quy trình lấy ý kiến người dân vào các dự án luật theo đại biểu còn khá “mờ nhạt”. Vậy, vấn đề này có được quy định trong pháp luật của Nhật Bản hay không? ĐB Phùng Văn Hùng đặt vấn đề.

Theo ông Kameya Masaki - Phòng Nghị sự, Vụ Nghị Sự, Văn phòng Hạ viện Nhật Bản cho biết, trong quá trình thẩm tra dự án luật tại các Ủy ban chuyên môn cũng có bước lấy ý kiến của người dân. Việc lấy ý kiến rộng rãi của người dân là cơ hội để người dân có quyền thể hiện ý kiến của mình. Đối với những dự án luật liên quan đến vấn đề ngân sách thì bắt buộc phải lấy ý kiến của người dân. Tuy nhiên, đối với những dự thảo luật quan trọng, dù không quy định là thủ tục bắt buộc nhưng cũng có trường hợp cũng tổ chức lấy ý kiến của người dân. Những ý kiến chính thức của nghị viện về các dự án luật cũng trên cơ sở ý kiến của các bên có liên quan.

Cũng theo ông Kameya Masaki, với những dự án luật do Chính phủ dự thảo, trước khi trình QH thì sẽ lấy ý kiến thông qua internet hay qua các phương tiện khác, việc lấy ý kiến này được tiến hành một cách công khai. Điều này bảo đảm cơ hội để người dân và các bên có liên quan có thể nêu ý kiến của mình vào nội dung dự thảo luật. 

Đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động là mục tiêu mà QH Việt Nam luôn hướng tới để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu của cử tri đặt ra. Những chia sẻ từ hoạt động nghị viện của Nhật Bản sẽ là những kinh nghiệm quý để QH Việt Nam tham khảo nhằm hướng tới mục tiêu tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

Hà An