Hiệu quả giám sát phụ thuộc vào đâu?

- Thứ Bảy, 31/03/2012, 08:30 - Chia sẻ
Hiệu quả hoạt động giám sát phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng hơn hết vẫn là khâu tổ chức thực hiện. Trong khâu tổ chức thực hiện thì các chủ thể của hoạt động giám sát đóng vai trò quyết định. Đó là vai trò của đoàn giám sát, vai trò của cá nhân đại biểu, trình độ, trách nhiệm của đội ngũ chuyên môn giúp việc và cơ chế vận hành...

Hạn chế nào trong nhận thức và  tổ chức thực hiện ?

Theo các báo cáo tổng kết công tác giám sát đánh giá thì:  chất lượng hoạt động giám sát còn chưa đạt theo yêu cầu đặt ra, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát, thiếu những kênh thông tin độc lập, chính xác, khách quan; việc thực hiện kiến nghị sau giám sát vẫn chưa triệt để;  việc ưu tiên đầu tư thời gian, công sức cho hoạt động giám sát vẫn chưa tương xứng với yêu cầu công việc, sự quyết tâm vẫn chưa cao;  sự phối hợp giữa các cơ quan dân cử chưa được thường xuyên chặt chẽ… Tâm lý nể nang, né tránh ngại va chạm vẫn còn là trở ngại lớn trong việc nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát. Hoạt động giám sát tại địa phương, cơ sở có lúc còn bị trùng chéo; tính kế hoạch trong hoạt động của các cơ quan chưa cao…

Về nhận thức Hoạt động giám sát  còn những hạn chế, chưa thống nhất . Hiện tồn tại cách hiểu nhiệm vụ quyền hạn của  giám sát của Đoàn ĐBQH là: "Xem xét. Xác minh những vấn đề mà Đoàn giám sát, đại biểu Quốc hội thấy cần thiết”. Hiểu nội dung và phạm vi  "xem xét, xác minh'' thế nào cho đúng? Trong thực tế nhiều đại biểu dân cử cho rằng hoạt động "xem xét, xác minh'' là hoạt động của cơ quan thanh tra hoặc các cơ quan bảo vệ pháp luật, nếu hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH, HĐND mà đi sâu vào việc xem xét, xác minh thì sẽ “lấn” sang hoạt động thanh tra kiểm tra của các cơ quan nhà nước. Nhưng ngược lại, có ý kiến cho rằng nếu hoạt động giám sát mà không có sự "xem xét xác minh'' chỉ dựa trên báo cáo thì rõ ràng tính đúng đắn, chính xác, khách quan của hoạt động giám sát không cao. Và trong nhiều trường hợp có thể làm mất đi tác dụng của hoạt động giám sát.  Đoàn giám sát cần dành thời gian thỏa đáng để tổ chức xem xét xác minh những vấn đề cần thiết, tập hợp sưu tầm nghiên cứu các nguồn thông tin ngoài báo cáo của đơn vị chịu sự giám sát… trên cơ sở đó đề có những đánh giá khách quan toàn diện chính xác đối với đơn vị chịu sự giám sát. Một thực tế đặt ra là khi Đoàn giám sát tổ chức xác minh sẽ mất rất nhiều thời gian mà điều ấy đối với các ĐBQH, đại biểu HĐND kiêm nhiệm và kể cả đại biểu chuyên trách là khó khăn vì các đại biểu cũng cần hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn của mình và tham dự các cuộc họp do các cơ quan của Quốc hội và ban ngành ở địa phương tổ chức.

Việc tham mưu và tổ chức phục vụ các hoạt động giám sát của Văn phòng  là cơ quan chuyên môn trực tiếp phục vụ   bộc lộ những hạn chế . Có thể thấy  việc chưa tích cực, chậm nắm bắt thông tin về những bức xúc của của cử tri, những vấn đề nổi cộm trên địa bàn tỉnh được nhân dân quan tâm để tham mưu cho lãnh đạo kịp thời thực hiện hoạt động giám sát; chưa chủ động đề xuất với lãnh đạo Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND trong việc phối hợp tổ chức rút kinh nghiệm về hoạt động giám sát hàng năm; chưa tham mưu được cho lãnh đạo Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND xây dựng quy chế phối hợp giữa Đoàn ĐBQH với Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh. Ngoài ra, do kỹ năng giám sát, năng lực làm việc thực tế, nhận thức pháp luật của một số cán bộ chuyên viên Văn phòng chưa được đồng đều dẫn đến việc tham mưu có lúc còn chưa thực sự chính xác theo quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế, như phương thức giám sát, thẩm quyền kiến nghị, hình thức văn bản; công cụ, phương tiện giám sát và công tác tổ chức phục vụ giám sát vẫn còn gặp khó khăn cả về cán bộ, chuyên viên cũng như trong khâu cung cấp thông tin chuẩn xác khách quan về nội dung giám sát chuyên sâu; khâu xây dựng chương trình, kế hoạch, địa điểm và thời gian giám sát dự kiến nhiều lúc chưa thật cụ thể và kịp thời…

Hiệu quả giám sát đến từ nhận thức, trách nhiệm của chủ thể giám sát, từ bộ máy giúp việc và cơ chế thực hiện.

Nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám sát , Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cần chủ động đề ra một số những biện pháp nhằm tăng cường tham mưu, phục vụ có hiệu quả hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH, Trưởng Đoàn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH, ĐBQH, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh như sau :

- Tăng cường chất lượng đội ngũ chuyên viên trực tiếp phục vụ các hoạt động giám sát trên các lĩnh vực như :     nâng cao nhận thức bản lĩnh chính trị;, rình độ nhận thức về pháp luật nói chung và pháp luật về hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử nói riêng; tăng cường ý thức trách nhiệm, đạo đức lối sống… trong đó nâng cao trình độ nhận thức về pháp luật nói chung và pháp luật về hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử nói riêng có ý nghĩa quyết định. Để nâng cao trình độ nhận thức,  Văn phòng đã tổ chức nhiều hội thảo nhằm nghiên cứu một cách thấu đáo toàn diện những chủ đề theo quy định của pháp luật, đồng thời qua chỉ đạo thực tiễn đã giúp cho đội ngũ lãnh đạo chuyên viên của Văn phòng nắm chắc và vận dụng một cách nhuần nhuyễn các quy định của pháp luật trong hoạt động giám sát. 

- Đề xuất với lãnh đạo Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND, lãnh đạo các Ban của HĐND, khi thành lập các đoàn giám sát cần trưng tập  một số chuyên gia, một số lãnh đạo, chuyên viên của văn phòng có am hiểu và theo dõi lĩnh vực giám sát. Việc thành lập đoàn giám sát như vậy sẽ giải quyết được vấn đề thời gian dành cho công tác giám sát. Đoàn giám sát có thể phân công các thành viên trong đoàn thực hiện từng phần việc theo yêu cầu cụ thể cho phù hợp với chuyên môn và thời gian của các thành viên. Như vậy thời gian giành cho giám sát không quá phụ thuộc vào các ĐBQH hoặc các đại biểu dân cử khác. Trong thực tế với thành phần đoàn giám sát như vậy đã phần nào đủ để giải quyết bớt những khó khăn, hạn chế trong khi thực hiện hoạt động giám sát.

-  Kế hoạch giám sát luôn nêu rõ mục đích yêu cầu, những nội dung giám sát, phương pháp tiến hành và dự kiến lịch tiến hành giám sát cụ thể chi tiết. Khi tổ chức giám sát Văn phòng đã tham mưu cho Đoàn giám sát gửi sớm kế hoạch giám sát, đề cương báo cáo và yêu cầu đối tượng chịu sự giám sát gửi báo cáo trước cho các thành viên Đoàn giám sát. Các thành viên Đoàn giám sát được nghiên cứu báo cáo ít nhất 2 ngày trước khi đơn vị bị giám sát giải trình những điểm chưa rõ và những thắc mắc của các thành viên Đoàn giám sát. Sau khi đơn vị chịu sự  giám sát giải trình, Đoàn giám sát tổ chức kiểm tra, xác minh những vấn đề đã nêu trong báo cáo hoặc chưa nêu trong báo cáo của đơn vị chịu sự giám sát.

Việc tổ chức xem xét, kiểm tra, xác minh là hết sực quan trọng phức tạp nên cần có một khoảng thời gian nhất định do Trưởng đoàn giám sát thống nhất cụ thể với đơn vị chịu sự giám sát nhưng ít nhất cũng phải đủ thời gian để xem xét, xác minh những số liệu nhận định đánh giá nêu trong cáo cáo là đầy đủ, đúng đắn sát thực. Việc xem xét xác minh phải được lập thành biên bản để lưu trong hồ sơ giám sát. Chỉ sau khi đã xem xét, xác minh Đoàn giám sát mới tổ chức họp thống nhất đánh giá và báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND để có kiến nghị, yêu cầu đối với đơn vị chịu sự giám sát…

- Về lập hồ sơ giám sát và theo dõi thực hiện kiến nghị, mỗi cuộc giám sát cần lập hồ sơ giám sát. Trong hồ sơ giám sát cần thể hiện đầy đủ những nội dung đã thực hiện, đặc biệt là các căn cứ để kiến nghị như các báo cáo, các biên bản xác minh, biên bản làm việc, biên bản triển khai… các văn bản kiến nghị, các văn bản trả lời thực hiện kiến nghị, các văn bản liên quan khác nếu có. Với việc theo dõi hệ thống như vậy việc giám sát sẽ giảm được tính hình thức, nâng cao chất lượng của báo cáo giám sát và từ đó nâng cao chất lượng kiến nghị của ĐBQH và Đoàn ĐBQH cũng như của các cơ quan của HĐND.

- Vấn đề quan trọng nhất là phải thường xuyên tổ chức cho các đại biểu dân cử, và đặc biệt là cán bộ, chuyên viên trực tiếp tham mưu phục vụ hoạt động giám sát có điều kiện học tập, tìm hiểu, nâng cao những hiểu biết về từng chuyên đề của các lĩnh vực trong đời sống xã hội bằng các hình thức như tổ chức hội thảo mời chuyên gia tập huấn, trao đổi những kiến thức mới. Tổ chức giao lưu học tập kinh nghiệm ở các địa phương trong nước và nước ngoài… Thường xuyên tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm về hoạt động giám sát hàng năm…; thường xuyên tổng kết việc thực hiện pháp luật về giám sát trong thực tế, trên cơ sở đó có đề xuất kiến nghị sửa đổi  bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật Tổ chức HĐND và UBND về hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, đảm bảo điều kiện cho hoạt động giám sát và hiệu lực của những kiến nghị giám sát.  

Phạm Minh Tuấn