Những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng

Hiệp sĩ, thần chết và quỷ dữ

- Thứ Hai, 28/09/2015, 09:01 - Chia sẻ
Sánh ngang với những bậc thầy lừng lẫy thời Phục hưng, Albrecht Durer là một trong những họa sĩ đồ họa quan trọng nhất của giai đoạn này. Ông là người đầu tiên đưa kỹ thuật khắc gỗ, khắc kim loại trở thành một chất liệu độc lập để sáng tạo. Trong số đó tác phẩm Hiệp sĩ, Thần chết và Quỷ dữ là tác phẩm được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc đời sáng tác của ông.

Mặc dầu chỉ có một khuôn khổ nhỏ 24,6cm x 18,9cm, nhưng bức tranh cho thấy độ tỉ mỉ tinh xảo đến từng nét vẽ. Quang cảnh một khu rừng được hiện ra, nhân vật trung tâm là một hiệp sĩ mang trên mình một bộ áo giáp sắt, cưỡi một con ngựa. Xung quanh là những nhân vật đầy đe dọa. Một con dê có ba sừng với hai con mắt như cú tượng trưng cho quỷ dữ. Thần chết đội vương miện rắn cuốn ở trên đầu cũng đang cưỡi một con ngựa bờm dài với một khuôn mặt đầy thách thức chắn ngang lối đi của hiệp sĩ. Trên tay thần cầm một chiếc đồng hồ cát mang hàm ý về thời gian. Con đường dường như được Durer cố tình tạo ra như một ngõ cụt với một tảng đá dưới chân đánh dấu bởi một chiếc đầu lâu, còn phía hậu cảnh là các vách đá dựng đứng. Ấy nhưng đối lập lại với toàn bộ các khung cảnh hãi hùng kể trên, vị hiệp sĩ lại hết sức bình tĩnh, quả cảm và có phần lãng tử sau chiếc mũ giáp. Bức tranh khắc này chỉ duy có hai sắc độ đen và trắng, nhưng dường như, không gian cảnh vật bằng những nét khắc tinh xảo hiện lên mồn một. Khoảng sáng duy nhất trong bức tranh có lẽ là phần nền trời phía góc phải. Một lâu đài thấp thoáng đằng xa như gợi ý rằng đó là nơi hiệp sĩ vừa rời gót hoặc cũng có thể là cái đích tươi sáng mà ông phải tới. Tác phẩm như vẽ ra cả một khung cảnh hoang dại tính huyền thoại, ám ảnh và đầy cảm giác chết chóc. Nó là một bài ca về lòng dũng cảm, tinh thần hiệp sĩ được rút ra từ câu Kinh thánh: “mặc dù tôi đi trong thung lũng cái chết, tôi cũng chẳng sợ tai họa”. Tác phẩm như gợi lại những câu chuyện các cuộc thập tự chinh khắp châu Âu thế kỷ thế kỷ XII.


Hiệp sĩ, Thần chết và Quỷ dữ, Albrecht Durer, vẽ năm 1513, khắc kim loại, kích thước 24,6cm x18,9cm, hiện đang lưu tại Bảo tàng Boijmans van Beuningen, Hà Lan 

Tuy nhiên, nếu chỉ mang ngần ấy nội dung cho một bức tranh khắc khuôn khổ nhỏ, thì tác phẩm này ít có gì đáng nói. Chính kỹ thuật bậc thầy trong việc tạo không gian và khắc họa hình tượng nhân vật mới làm nên tầm vóc của Albrecht Durer. Con ngựa mà hiệp sĩ cưỡi đã cho thấy khả năng diễn tả và quan sát hết sức tỉ mỉ. Vẽ ngựa trong nghệ thuật thời Phục hưng cũng có thể xem là một thước đo tay nghề. Con ngựa của Durer được mô tả từ thế dáng cho đến các cơ bắp cứng cáp và tỉ lệ chuẩn mực dường như góp phần vào sự dũng cảm cương cường của nhân vật hiệp sĩ. Nhà sử học nghệ thuật hiện đại Raymond Stites cho rằng, hai nhân vật này như thiết lập nên “ý tưởng hữu hình trong một thế giới của các hình thức thay đổi”. Cả ngựa và người đàn ông như thể hiện ra sự kiên định thẳng tiến về phía trước cho dù quỷ dữ hay thần chết lảng vảng xung quanh.

Chi tiết không kém phần quan trọng khác là cây giáo quấn chiếc đuôi cáo. Nếu trong truyền thuyết xa xưa của người Hy Lạp cổ đại, thì chi tiết này tượng trưng cho sự giảo quyệt, tuy nhiên trong các biểu tượng gắn liền với các hiệp sĩ thì sự kếp hợp giữa đuôi cáo và cây giáo lại làm thành một chiếc bùa hộ mệnh tuyệt vời.

Có thể nói bức tranh này không đơn giản vẽ ra quang cảnh mang tính đối lập giữa những hiểm nguy đe dọa và tinh thần quả cảm, mà còn ẩn tàng trong đó những tín hiệu văn hóa. Nó tạo nên một sự huyễn hoặc chỉ trên hai sắc đen và trắng. Những nét khắc dày đặc ken kín tùy chỗ mà có mật độ thưa mau, đã làm nên một bản hùng ca không lời. Chính điều này đã khiến Durer biến thể loại tranh minh họa sách đơn thuần vào thế kỷ XVI trở thành một thể loại tranh đồ họa độc lập. Bức tranh tuy nhỏ nhưng người ta lại thấy được tính tư duy và nhân văn qua các hình ảnh biểu tượng về lòng dũng cảm. Do vậy tác phẩm này đã được xem là một kiệt tác của thời đại, người đời sau đã không ngừng nghiên cứu và học tập.

Trang Thanh Hiền